Sơ kết công tác triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số

THỤY TRANG 19:55, 07/08/2024

(LĐ online) - Chiều 7/8, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 6 tháng về kết quả triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số.

Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị,
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tại đầu cầu Văn phòng UBND tỉnh, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, các hội, đoàn thể, các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông và đại diện các phòng, ban thuộc Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

Đại biểu tham dự hội nghị tại Đầu cầu Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng

Tại hội nghị, đại diện Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (Cảnh sát QLHC về TTXH) Công an tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, việc triển khai thực hiện Đề án 06 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong kỳ báo cáo, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến toàn trình là 88.183/313.772 hồ sơ trên tất cả các lĩnh vực. 100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến. 

đại diện Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (Cảnh sát QLHC về TTXH) Công an tỉnh
Đại diện Lãnh đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh báo cáo tóm tắt công tác thực hiện Đề án 06

Cũng theo báo cáo tại hội nghị, toàn tỉnh đã có 451 dịch vụ công đủ điều kiện đưa lên dịch vụ công toàn trình và 760 dịch vụ công trực tuyến một phần. Cùng với đó, kết quả triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đạt được nhiều kết quả nổi bật, 100% thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 64,03%; đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 21.716 trường hợp, với số tiền trên 120 tỷ đồng. Chi lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt 65,15%; chi trợ cấp một lần đạt 93,24%; chi trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đạt 100%.

Đại tá Bùi Đức Thịnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh
Đại tá Bùi Đức Thịnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị

Tiếp tục duy trì việc sử dụng thẻ CCCD thay BHYT trong khám chữa bệnh tại 100% cơ sơ y tế. Tính đến ngày 15/6/2024, tổng số lượt tra cứu bằng CCCD khi đi khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế là 2.398.499 lượt, trong đó tra cứu thành công đạt tỷ lệ gần 83%. Và đã triển khai liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử tại 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tỷ lệ liên thông đạt 100%.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã hoàn thành triển khai 14 mô hình, 17 mô hình đang triển khai, 2 mô hình đang chờ giải pháp kỹ thuật và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai trong năm 2024. Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ đối với “Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công”, tỉnh Lâm Đồng được xếp loại Tốt. Trong đó, nổi bật là Mô hình số 22 về phát triển du lịch gắn với phát triển đặc sản vùng miền, hiện trên ứng dụng VNeID. Lâm Đồng là 1 trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thành công khi đăng tải 7 bài viết quảng bá sản phẩm, các điểm du lịch của tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác triển khai và đạt hiệu quả nhất trong 63 tỉnh, thành phố ở Mô hình điểm số 9 về triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, với số lượng lớn cơ sở lưu trú thường xuyên đăng ký lưu trú qua phần mềm ASM. Từ đó đã góp phần mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý xã hội.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị

Cùng với đó, công tác chuyển đổi số cũng được chú trọng, phát triển. Cụ thể, thời gian qua UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định, kế hoạch và văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành nâng cao hiệu quả ứng dụng, phát triển Công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đã được triển khai bằng nhiều hình thức; mạng lưới viễn thông đã được đầu tư, phát triển rộng khắp đến các khu vực trên địa bàn tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về CNTT và Chính quyền điện tử cho các cán bộ lãnh đạo CNTT, cán bộ chuyên trách và cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước được quan tâm tổ chức triển khai hàng năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin. 

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án vẫn còn những tồn tại, "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến kết quả chung như công tác làm sạch dữ liệu bảo hiểm xã hội và công tác số hóa dữ liệu hộ tịch chậm tiến độ. Việc rà soát, tham mưu, đề xuất cắt giảm bộ phận tiếp nhận trực tiếp để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; rà soát, điều động cán bộ được đào tạo, có kinh nghiệm về CNTT, đặc biệt là an toàn thông tin thực hiện chuyên trách công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên sâu về công tác công nghệ thông tin phục vụ Đề án 06 đã triển khai nhưng tiến độ chưa đạt yêu cầu. Tiến độ triển khai thực hiện một số mô hình điểm Đề án 06 còn chưa đảm bảo theo lộ trình kế hoạch đề ra. Công tác rà soát, số hóa dữ liệu chuyên ngành ở một số địa phương còn chậm, như việc số hóa dữ liệu đất đai, dữ liệu người lao động từ đủ 15 tuổi…

Hội nghị lắng nghe ý kiến đóng góp của đại biểu
Hội nghị lắng nghe ý kiến đóng góp của đại biểu

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thảo luận, đóng góp ý kiến làm rõ nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thiết thực góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh… 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đã đạt được, trong đó lực lượng Công an nhân dân là vai trò nòng cốt, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của sở, ban, ngành, địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh cần tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và có sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đấy; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu. Nói thật, làm thật để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do Đề án 06 mang lại theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đó, cần khẩn trương xử lý dứt điểm các nhiệm vụ chậm, tồn đọng trong tháng 8/2024.