Tăng cường điều trị và dự phòng các bệnh truyền nhiễm

AN NHIÊN 20:59, 16/08/2024

(LĐ online) - Ngày 14/8, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đợt dịch đậu mùa khỉ đang diễn ra ở châu Phi là mối đe dọa khẩn cấp y tế cho toàn cầu. Bên cạnh sự gia tăng mạnh của các ca bệnh đang lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng nhanh, cả nước cũng đang ghi nhận các ca bệnh truyền nhiễm khác như cúm gia cầm A (H9N2), sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu, dại...

Tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm
Trung tâm Y tế Đà Lạt tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm 

Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 15/8/2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận 4.671 ca mắc sốt xuất huyết (trong đó có 2 bệnh nhân tử vong), 476 ca mắc tay chân miệng, 17 ca mắc sởi, 2 ca mắc ho gà (trong đó 1 bệnh nhân tử vong), 1 ca mắc Viêm não Nhật Bản, 1 ca mắc viêm màng não do não mô cầu, 6 ca mắc Rubella.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng và Bệnh viện Nhi Lâm Đồng tăng cường chỉ đạo tuyến theo phân công; hỗ trợ kỹ thuật cho các trung tâm y tế tuyến huyện; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ y tế tham gia điều trị các bệnh truyền nhiễm, khám và phát hiện sớm ca bệnh, điều trị kịp thời cho các bệnh nhân, hạn chế bệnh chuyển nặng, tử vong. Rà soát lại quy trình, sơ đồ tiếp nhận, phân loại người bệnh ngay từ khu vực khám bệnh, sàng lọc, phân luồng nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện. Đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phân luồng khám sàng lọc theo đúng quy định tránh để tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà cùng thực hiện. Dự trù đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị…để đảm bảo khả năng thu dung điều trị khi có bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Phối hợp với các đơn vị dự phòng điều tra giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp bệnh truyền nhiễm theo quy định, lưu ý các bệnh có vắc xin dự phòng và các bệnh nhân đã được tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường điều tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sân bay Liên Khương; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, quản lý các trường hợp bệnh, người tiếp xúc không để lây nhiễm thêm, lây lan ra cộng đồng và phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế; phối hợp và hỗ trợ trung tâm y tế các huyện xử lý ổ dịch, tăng cường giám sát, điều tra, lấy mẫu các ca bệnh tại bệnh viện và cộng đồng. Tăng cường trao đổi thông tin với Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng nhằm kịp thời nắm bắt các thông tin về các bệnh lây truyền từ động vật sang người, đánh giá nguy cơ chung để có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người kịp thời và hiệu quả. Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân để người dân chủ động, tích cực phối hợp với ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng các biện pháp phòng chống các bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, dại, đậu mùa khỉ, cúm A… Vận động người dân đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, chủ động tiêm vắc xin phòng sởi cho nhóm nguy cơ cao như: trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ trước mang thai... Triển khai các hoạt động đảm bảo công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn. Hướng dẫn các đơn vị rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm đủ các mũi vắc xin theo quy định, đặc biệt là các vắc xin phòng bệnh sởi, ho gà, bạch hầu, Viêm não Nhật Bản. Đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất… phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị lấy và vận chuyển mẫu bệnh phẩm các bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; chủ động, sẵn sàng các phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp bệnh chuyển biến nặng, tử vong. Phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường truyền thông đến người chăm sóc trẻ về các dấu hiệu mắc bệnh, cách dự phòng về các bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ như tay chân miệng, sởi, ho gà…; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần cho nghỉ học và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; tránh trường hợp dịch lây lan tại các cơ sở giáo dục. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đóng trên địa bàn tăng cường truyền thông lồng ghép về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; thường xuyên; nâng cao nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh và cộng đồng; chủ động tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường; tiêm vắc xin phòng bệnh cho bản thân và gia đình đặc biệt biệt là trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng…

Thực hiện tốt công tác xử lý triệt để các ổ dịch, không để tình hình dịch bệnh kéo dài, đảm bảo 100% các ổ dịch bệnh truyền nhiễm được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn. Đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và phục vụ khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế.