Thắp sáng 81 mùa xuân dâng Đảng

VIỆT QUỲNH 04:56, 23/08/2024

99 năm tuổi đời với 81 năm tuổi Đảng, cụ Nguyễn Xuân Khanh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Đức, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt đã dành trọn đời mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Trái tim ấm nồng của người cộng sản kiên trung  luôn chan chứa cảm xúc, niềm tin vào lý tưởng cao đẹp, cũng như tâm huyết dõi theo sự phát triển chung của địa phương và đất nước.

Cụ Nguyễn Xuân Khanh nêu ý kiến về công tác tự phê bình và phê bình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên
Cụ Nguyễn Xuân Khanh nêu ý kiến về công tác tự phê bình và phê bình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên

NGƯỜI CON XỨ QUẢNG KIÊN TRUNG

Căn phòng tầng 2 trong ngôi nhà nằm trên đường Ba Tháng Hai (Phường 1, TP Đà Lạt) là nơi sinh sống của cụ Nguyễn Xuân Khanh. Nơi đó trang trọng đặt bàn thờ Bác Hồ và ngập tràn hình ảnh cha mẹ, anh em, đồng đội, cùng rất nhiều sách và những tấm bằng khen - như tất cả tài sản quý giá nhất mà cả cuộc đời cách mạng của ông gìn giữ được.

Chúng tôi gặp cụ Khanh khi cụ vừa về nhà từ Khu khám và điều trị bệnh dành cho cán bộ tỉnh Lâm Đồng. Con trai cụ - ông Nguyễn Xuân Diễn nói rằng, cụ ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà vì tuổi đã già, sức yếu. Ấy vậy mà câu chuyện xuyên suốt gần một thế kỷ vẫn được cụ Nguyễn Xuân Khanh nhớ rõ từng mốc thời gian, vẹn nguyên trong ký ức của người lão thành cách mạng qua lời kể chậm rãi, dù nhiều lần ngắt quãng, nhưng đong đầy cảm xúc.

Cụ Nguyễn Xuân Khanh sinh năm 1925, tên thật là Nguyễn Hữu Hồ, quê ở Tam Giang (Nguyễn Chỉ), huyện Núi Thành (Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam. Sớm nhận thức được nỗi khổ của người dân mất nước, lại được các bậc tiền bối giác ngộ, người thanh niên Nguyễn Xuân Khanh bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tại quê hương mình từ đầu năm 1940 với các nhiệm vụ Tổ trưởng Đoàn thanh niên phản đế; Tổ trưởng tự vệ, liên lạc của chi bộ xã, đưa đón, bảo vệ phái viên thượng cấp đi lại, nuôi giấu, ăn ở, làm việc trong nhà cha mẹ.

Năm 1943, khi vừa tròn 18 tuổi, cụ Nguyễn Xuân Khanh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhà cụ Nguyễn Xuân Khanh là nơi diễn ra Hội nghị thành lập lại Tỉnh uỷ Quảng Nam, cơ quan Tỉnh ủy đóng ở đây, ra tiếp tờ Báo Cờ độc lập số 11. Các đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim, Trương Chí Cương, Phan Tốn; tiếp theo là các đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế, Nguyễn Thúy... đều được gia đình cha mẹ cụ nuôi giấu, bảo vệ cẩn mật, an toàn.

Từ năm 1944 đến năm 1960, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Xuân Khanh đã đảm nhận nhiều vai trò, vị trí quan trọng tại Quảng Nam, cũng như các địa phương từ Bắc vào Nam. Trong những ngày chiến tranh khốc liệt (3/1961 - 7/1961), Liên Khu ủy 5 điều cụ vào Liên tỉnh 4 (Nam Tây Nguyên) làm Đội trưởng Đội công tác mở phong trào xây dựng cơ sở huyện Đức Trọng, nối thông đường hành lang Bắc Nam vào chiến khu Đ Đông Nam Bộ, làm Bí thư Ban cán sự huyện trực thuộc Liên tỉnh 4.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cụ Nguyễn Xuân Khanh được giao nhiệm vụ Quyền Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Đức (4/1975 đến 12/1975). Từ tháng 1/1976 đến 1986, cụ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng các khoá I, II, III với nhiều cương vị khác nhau: Trưởng Ban Dân vận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trưởng Ban Nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bí thư Thành ủy Đà Lạt. Cụ được vinh dự là đại biểu tỉnh Lâm Đồng dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và V.

Từ năm 1987 đến nay, cụ Nguyễn Xuân Khanh nghỉ hưu. Với quá trình cống hiến của mình, cụ được nhận các huy hiệu 40, 50, 60, 70, 80 năm tuổi Đảng. Ngay từ năm 1955, cụ đã được Ủy ban Quân chính và Ủy ban Hành chính Hà Nội khen thưởng. Từ năm 1957 đến năm 2006, cụ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Thành Đồng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc; Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Chiến sĩ thi đua ngành Hành chính; nhiều huy chương, kỷ niệm chương trên các lĩnh vực, trong đó có Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Tác giả trao đổi với cụ Nguyễn Xuân Khanh. Ảnh: Chính Thành
Tác giả trao đổi với cụ Nguyễn Xuân Khanh. Ảnh: Chính Thành

• HẾT LÒNG VÌ ĐẢNG, VÌ DÂN

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, cụ Nguyễn Xuân Khanh đã nhiều lần có cơ hội được gặp Bác Hồ. Cụ chia sẻ rằng: “Quá trình công tác từ thời kỳ bí mật đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lời tuyên thệ trong lễ kết nạp Đảng cùng những lời dạy của Bác Hồ qua những lần gặp gỡ đã khắc sâu vào tâm trí của tôi, tạo thành động cơ, sức mạnh học tập, rèn luyện để tôi cùng các đồng chí, đồng đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thử thách quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Sau khi nghỉ hưu, cụ Nguyễn Xuân Khanh vẫn tích cực tham gia công tác tại phường với các vai trò như Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi. Những dòng ký ức được cụ ghi tay cẩn thận qua những trang giấy. Dù mực đã hoen, nhưng vẫn là những câu chuyện đầy cảm xúc được con trai của cụ - ông Nguyễn Xuân Diễn, năm nay đã 71 tuổi, một đảng viên - giáo viên về hưu giữ gìn cẩn thận.

Bây giờ thì gia đình cụ Nguyễn Xuân Khanh đã có 3 thế hệ đảng viên. Từ đời cụ, đến đời con và đời cháu. Đó là niềm tự hào, hãnh diện lớn lao của người đảng viên hơn 80 năm tuổi Đảng khi thế hệ sau đã tiếp bước cha ông để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang dưới cờ Đảng.

Theo dòng chảy thời gian, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt nay đã già yếu, thường xuyên phải nằm bệnh viện để theo dõi sức khỏe, nhưng hàng ngày, cụ vẫn đọc Báo Nhân dân, Báo Lâm Đồng, xem chương trình thời sự. Cụ chia sẻ: “Tôi xem đây vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của mình. Gần 100 năm cuộc đời, tôi đã bao lần vào sinh ra tử, trải qua nhiều nhiệm vụ, công tác từ Bắc vào Nam. Khi điều kiện sức khỏe không còn đủ để đi đây đi đó nhiều, tôi dựa vào thông tin trên báo chí để vẫn cập nhật, nắm bắt đầy đủ tình hình địa phương, đất nước”.

• TRĂN TRỞ VỚI CÔNG TÁC TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng người cán bộ lão thành vẫn đau đáu với công tác phê bình và tự phê bình, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mới đây, tại cuộc gặp mặt giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng với các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cụ Nguyễn Xuân Khanh đã có những ý kiến góp ý đầy tâm huyết, sâu sắc.

Người đảng viên 99 tuổi chia sẻ: “Qua theo dõi tình hình, tôi vừa mừng trước sự phát triển của tỉnh nhà, vừa không tránh khỏi buồn lo, day dứt trước sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo thời gian qua. Trong bối cảnh đó, điều đáng mừng là Nhân dân dù có buồn, có trách nhưng vẫn luôn giữ tinh thần xây dựng. Đặc biệt, đội ngũ đảng viên tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn là nòng cốt trong cộng đồng để định hướng dư luận xã hội, động viên, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ”.

Cụ Nguyễn Xuân Khanh nhấn mạnh: “Kinh nghiệm của bản thân tôi qua các vị trí công tác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho thấy, nguyên tắc tập trung dân chủ cùng với công tác tự phê bình và phê bình, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Thông qua công tác này, chúng ta phải phát huy được gương người tốt, việc tốt, cái đúng, cái tốt; gắn liền với đấu tranh, loại bỏ những cái sai, hạn chế, yếu kém. Thế nhưng, những vi phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thời gian qua đã cho thấy, công tác này chưa được thực hiện thật sự tốt trong Đảng bộ tỉnh”.

Theo nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt, từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vi phạm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến triển khai một số dự án trên địa bàn tỉnh cho thấy, những sai phạm đã qua không dễ gì sớm khắc phục. Vấn đề đặt ra hiện nay là Tỉnh ủy, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ để đấu tranh, xây dựng. Ưu điểm dù nhỏ nhất cũng cần được phát huy, khuyết điểm dù nhỏ nhất cũng phải được xử lý nghiêm, khắc phục, sửa chữa.

Cụ Nguyễn Xuân Khanh nhận định: Tỉnh Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, đến tập thể cán bộ, đảng viên và toàn thể bà con Nhân dân. “Với việc thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tôi tin tưởng rằng Lâm Đồng có đủ khả năng để phát triển ngày càng giàu mạnh; nội bộ ngày càng đoàn kết; mối quan hệ giữa Nhân dân từ khắp các tỉnh, thành đã chọn Nam Tây Nguyên làm quê hương thứ 2, cũng như với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngày càng được củng cố. Tôi cũng tin tưởng rằng các đồng chí đương chức hiện nay với những tâm huyết của mình, cùng với việc chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sẽ sớm đưa Lâm Đồng vượt qua được khó khăn, thách thức” - cụ chia sẻ.

Với những tin yêu cùng kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng vẫn được vun đắp vẹn nguyên hơn 80 năm qua, tấm lòng và nhiệt huyết từ trái tim người cộng sản Nguyễn Xuân Khanh sẽ mãi là một trong những ngọn lửa hồng soi sáng niềm tin cho các thế hệ đảng viên hôm nay và mai sau.