(LĐ online) - Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Phiên họp đã tập trung đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã giao tại các phiên họp trước; đồng thời, đưa ra những giải pháp cấp bách để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, góp phần hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025.
Phiên họp tổ chức trực tiếp và trực tuyến nối đầu cầu Chính phủ với các tỉnh, thành có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT).
Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ngành |
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải tại hội nghị, tại phiên họp lần thứ 12 ngày 14/6/2024 và cuộc họp ngày 13/7/2024 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 57 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương; trong đó, tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cấp nguồn vật liệu xây dựng nhất là cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 20 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 30 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 1 nhiệm vụ chưa đến hạn, chưa hoàn thành đúng hạn 6 nhiệm vụ.
6 nhiệm vụ chưa được hoàn thành theo tiến độ yêu cầu gồm: Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, cao tốc trục Đông - Tây, các đường vành đai; thẩm định phê duyệt Dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; hoàn thiện hệ thống định mức và hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ khai thác theo cơ chế đặc thù; triển khai thủ tục điều phối nguồn vật liệu san lấp, nâng công suất khai thác mỏ, cấp phép khai thác mỏ theo chỉ tiêu được giao cho các dự án khu vực phía Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết điều chỉnh thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày đối với khai thác cát, sỏi lòng sông theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP; khởi công DATP 2 Cao Lãnh - An Hữu.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Bộ GTVT cũng cho biết, quá trình triển khai các dự án có tiến độ hoàn thành năm 2025 và các dự án nói chung vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.
Về GPMB, sau khi có các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai đã có nhiều chuyển biến; tuy nhiên, công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật của các dự án cần hoàn thành năm 2025 vẫn chưa hoàn thành theo tiến độ yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai; tại một số địa phương (Đồng Nai, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang, Tiền Giang, Lạng Sơn) khối lượng cần GPMB còn nhiều, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Các địa phương còn chậm triển khai chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác, tận thu lâm sản, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Bình - Mộc Châu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Hoài Nhơn - Quy Nhơn.
Đại diện lãnh đạo sở, ngành dự hội nghị |
Về vật liệu xây dựng, nguồn vật liệu cát đắp tại khu vực phía Nam đã được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo, tháo gỡ và giao chỉ tiêu cho các địa phương triển khai thủ tục để cung ứng, đáp ứng nhu cầu về vật liệu các dự án, nhưng việc triển khai các thủ tục chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu: tỉnh An Giang chưa hoàn thành thủ tục điều phối, tỉnh Đồng Tháp chưa nâng công suất, tỉnh Vĩnh Long chưa hoàn thành cấp phép khai thác mỏ trong tháng 7/2024; các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang đang triển khai thủ tục cấp mỏ nhưng khó bảo đảm tiến độ hoàn thành trong tháng 8/2024.
Về thủ tục đầu tư, việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật tại một số dự án còn chậm. Một số dự án đang triển khai có sự thay đổi về nguồn vốn, tổng mức đầu tư,... cần thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư; nếu không sớm điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Một số dự án PPP thời gian thu phí còn dài chưa hấp dẫn nhà đầu tư, cần phải tăng mức vốn của nhà nước tham gia vào dự án…
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết vướng mắc, sớm phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.
Tại phiên họp lần này, các đơn vị, địa phương đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án, nêu các kiến nghị và vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ để tập trung triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng đã báo cáo tiến độ triển khai 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương và kiến nghị Chính phủ quan tâm tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho 2 dự án.
Lâm Đồng cũng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vì theo quy hoạch này, 2 dự án cao tốc này có phạm vi cục bộ nằm trong ranh Quy hoạch khoáng sản…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nêu kiến nghị với Chính phủ |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, nỗ lực và tinh thần làm việc hết sức mình của các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các công trường dự án.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để triển khai các dự án đúng kế hoạch đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng; xây dựng kế hoạch tổ chức thi công hợp lý, phù hợp điều kiện GPMB, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025 các dự án đường bộ cao tốc như Bộ GTVT báo cáo, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Đặc biệt, đối với 436 km thuộc 14 dự án/ dự án thành phần đang chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, các nhà thầu mới có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin