Từ Nagoya đến Đà Lạt

NHẬT QUỲNH 07:12, 07/08/2024

Chị Tsuruta Shiki (sinh năm 1990) - một tình nguyện viên đến từ thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản, đã chọn Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai” của mình. Với tình yêu dành cho đất nước và con người Việt Nam, chị Shiki đã dành nhiều năm để khám phá và làm việc tại nhiều vùng, miền khác nhau. Và Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, chính là điểm dừng chân đặc biệt nhất trong hành trình của chị. 

Chị Shiki tại Lễ hội Việt - Nhật 2024
diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: JICA
Chị Shiki tại Lễ hội Việt - Nhật 2024 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: JICA

DUYÊN NỢ VỚI VIỆT NAM 

Năm 2011, lần đầu tiên chị Shiki được đặt chân đến Việt Nam, khi chị còn là một sinh viên ngành Xã hội học. “Chuyến đi tình nguyện đến TP Hồ Chí Minh khi đó đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người nơi đây”, chị Shiki chia sẻ. Cũng từ cái duyên đó, tình yêu và sự kết nối với Việt Nam cũng dần bắt đầu hình thành. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2016, chị Shiki đến Huế, trở thành điều phối viên và tham gia vào các dự án nông nghiệp, môi trường của BAJ (Bridge Asia Japan - Nhịp cầu châu Á Nhật Bản) - một tổ chức phi chính phủ tại Nhật Bản. Ba năm gắn bó với Huế càng làm tăng thêm tình yêu của chị đối với đất nước và con người Việt Nam. 

Chính vì vậy, năm 2023, một lần nữa, chị Shiki quay trở lại Việt Nam, với vai trò là tình nguyện viên JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tại TP Đà Lạt. Chị mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế và quảng bá du lịch Đà Lạt đến với bạn bè Nhật Bản. “Đến Đà Lạt, tôi không chỉ bị cuốn hút bởi khí hậu trong lành, mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn bởi sự thân thiện, mến khách của con người nơi đây”, chị Shiki chia sẻ. 

Công việc của chị Shiki là quảng bá du lịch, vẻ đẹp Đà Lạt trên các trang mạng xã hội như facebook, instagram và xúc tiến du lịch Đà Lạt cho người nước ngoài, đặc biệt là người Nhật Bản. Trong hơn một năm sống tại Đà Lạt, chị Shiki đã dành nhiều thời gian khảo sát và khám phá các điểm du lịch, văn hóa, ẩm thực tại đây để tạo nội dung cho các trang mạng xã hội; đồng thời, lấy tư liệu kết nối, giới thiệu Đà Lạt với các công ty du lịch Nhật Bản.

Từ những cánh rừng thông xanh ngắt, thác nước hùng vĩ, vườn hoa rực rỡ đến những nông trại cà phê bạt ngàn, chị Shiki cho rằng, Đà Lạt không chỉ là điểm đến thú vị cho du khách yêu thiên nhiên mà còn có tiềm năng phát triển mạnh về du lịch sinh thái. Trong mắt chị Shiki, Đà Lạt giống như một phiên bản của thị trấn Karuizawa ở tỉnh Nagano, Nhật Bản - nơi cũng có cảnh sắc núi rừng hùng vĩ và khí hậu trong lành, mát mẻ.

• KẾT NỐI VĂN HÓA QUA CÀ PHÊ 

Với chị, điều khiến chị yêu thích Đà Lạt không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là văn hóa cà phê độc đáo. Nhất là khi chị được trực tiếp trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc và chế biến cà phê tại Cầu Đất - một trong những khu vực nổi tiếng với cà phê Arabica.

Nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển, Cầu Đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm và thổ nhưỡng màu mỡ, tạo điều kiện lý tưởng để cây cà phê Arabica phát triển. Hương vị của cà phê Arabica Cầu Đất đặc biệt nổi bật nhờ sự kết hợp hài hòa giữa vị chua thanh tao, đắng nhẹ và hậu vị ngọt, khiến nhiều người yêu cà phê trên thế giới phải say mê. 

Chị Shiki kể: “Tôi rất may mắn khi lần đầu tiên đến nông trại cà phê đúng vào mùa thu hoạch, được thưởng thức cà phê Arabica và những quả cà phê chín. Từ đó, tôi bị cuốn hút bởi hương vị đặc biệt của cà phê Việt Nam và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về quy trình sản xuất cà phê”. 

Chị nhận ra rằng, từ quá trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch… đến rang xay và đóng gói sản phẩm, nhà sản xuất phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Cách pha chế cà phê cũng vô cùng đa dạng, mỗi phương pháp lại mang đến một hương vị riêng biệt. “Mặc dù người Nhật rất thích uống cà phê, nhưng ít ai biết rõ quy trình trồng và chế biến cà phê. Vì vậy, tôi muốn bạn bè Nhật Bản hiểu rõ hơn về những quy trình này. Tôi nghĩ cà phê không chỉ là một đồ uống phổ biến mà còn là đặc trưng văn hóa của người Việt Nam”, chị Shiki nói.

Tuy nhiên, chị Shiki nhận thấy nhiều người Nhật vẫn chưa biết về Đà Lạt do thiếu thông tin bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Đây chính là lý do chị nỗ lực giới thiệu các điểm du lịch, văn hóa, ẩm thực, đặc sản Đà Lạt trên mạng xã hội bằng tiếng Nhật. 

Ngoài ra, việc chưa có chuyến bay thẳng từ Nhật Bản đến Đà Lạt cũng là một trở ngại lớn. Chị cho biết: “Khác với người châu Âu, đa số người Nhật chỉ có thể đi du lịch nước ngoài trong khoảng 4 - 6 ngày. Việc phải quá cảnh ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc Đà Nẵng làm giảm thời gian tham quan Đà Lạt của họ, dẫn đến số lượng du khách Nhật Bản đến Đà Lạt còn rất hạn chế”. Chị hy vọng thời gian tới sẽ có chuyến bay thẳng từ Nhật Bản đến Đà Lạt. Điều này không chỉ thu hút thêm du khách mà còn thúc đẩy mạnh mẽ sự kết nối và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.

“Với chỉ hai năm làm việc tại Đà Lạt, tôi đang tranh thủ thời gian còn lại để tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn nữa những điều thú vị của thành phố này. Tôi sẽ cố gắng hết sức để giới thiệu Đà Lạt đến với Nhật Bản, qua đó thúc đẩy giao lưu văn hóa và phát triển du lịch giữa hai nước”, chị Shiki nói. 

Từ Nayoga đến Đà Lạt, với chị Shiki, có lẽ chính là duyên và cái duyên này lại bắt nguồn từ tình yêu dành cho đất nước, con người Việt Nam. Những bước chân nhỏ bé nhưng đầy nhiệt huyết của chị không chỉ góp phần mang hình ảnh, con người Đà Lạt, Việt Nam đến đất nước Nhật Bản mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự giao lưu và hợp tác giữa hai quốc gia.