(LĐ online) - Người sáng lập Làng trẻ em SOS quốc tế Hermann Gmeiner từng khẳng định: “Điều khiến đứa trẻ đau khổ không phải là thiếu quần áo, đồ ăn hay giáo dục mà là không được thuộc về ai và không có một gia đình”. 50 năm qua, những đứa trẻ thiếu may mắn ở ngôi nhà SOS Đà Lạt đã lớn lên cùng nhau như một gia đình đúng nghĩa. Ở đó có sự bao dung, chở che, ắp đầy tình yêu thương và chia sẻ đến tận cùng.
Đồng chí Nguyễn Thái Học, đồng chí Phạm S và vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân chụp hình lưu niệm với các bạn nhỏ tại Làng trẻ em SOS Đà Lạt |
Hơn 50 năm về trước, có 2 nhà khoa học Việt Nam trẻ tuổi ở Paris, một người là giáo sư Vật lý, một người là giáo sư Sinh học; dù sống xa quê hương nhưng 2 con người đó đã cảm nhận được sự đau khổ, mất mát của hàng ngàn trẻ em Việt Nam. Hai nhà khoa học với trái tim nhân hậu ấy chính là giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư Lê Kiêm Ngọc. Với lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân cùng với mong muốn giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam; sau những đêm suy nghĩ trăn trở, ông bà nảy sinh ra ý định chọn lựa một số các bức tranh lụa nói về quê hương của các họa sĩ Việt Nam để in thiệp Giáng sinh.
Giữa trời đông lạnh giá của tiết trời Paris, với cái rét từ -3 đến -7 độ, ông bà đã rảo khắp nhà thờ, rạp chiếu phim, siêu thị, hè phố từ sáng sớm đến tối mịt để bán những tấm thiệp. Mỗi gói 10 tấm thiếp đã dành dụm được 1 đô la. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp đó của những thanh niên Việt Nam, không ít người tình nguyện cùng ông bà đi bán thiệp và nhờ đó Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp ra đời với hơn 400 hội viên. Chính nhờ những tấm thiệp như thế, chính nhờ từng đồng đô la, đồng franc ít ỏi đó mà ông bà và hội đã gom góp cùng Làng trẻ em SOS Quốc tế để xây dựng nên Làng trẻ em SOS Đà Lạt.
Sau này, hồi tưởng lại thời gian trước đây ông Helmut Kutin - Giám đốc đầu tiên của làng SOS Đà Lạt đã từng nói: “Vào thời điểm đó chúng tôi còn rất trẻ. Chúng tôi có một tâm nguyện chung là giúp đỡ trẻ mồ côi, bởi thế mới quen mà đã thành thân thiết. Là những nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, ông bà Vân hoàn toàn xứng đáng có một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, có những giờ phút nghỉ ngơi thoải mái. Thế nhưng hai người tiến sĩ trẻ tuổi ấy lại đứng bên hè phố, cạnh nhà thờ Đức Bà Paris, dưới bầu trời tuyết bay gió rét, bán từng tấm bưu thiếp vào dịp lễ Giáng sinh, gom góp từng đồng Franc để xây dựng Làng trẻ em SOS Đà Lạt. Lòng trắc ẩn, tình thương đó của ông bà dành cho trẻ mồ côi khiến tôi xúc động”.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng cho Làng trẻ em SOS trong lễ kỷ niệm Ký ức 50 năm |
Chính từ ý nguyện đóng góp cho quê hương, giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam của ông bà Giáo sư Trần Thanh Vân, năm 1972, ông Hermann Gmeiner - người sáng lập tổ chức Làng trẻ em SOS Quốc tế và ông Helmut Kutin đã đến Đà Lạt và chọn nơi này để xây dựng nên Làng trẻ em SOS thứ hai tại Việt Nam và Làng được khánh thành lần đầu tiên vào ngày 08/04/1974.
Ông Helmut Kutin cũng chính là người đã xây dựng ý tưởng, thiết kế và trực tiếp điêu hành việc xây dựng Làng trẻ em SOS Đà Lạt và ông cũng chính là Giám đốc đầu tiên của Làng.
Helmut Kutin sinh năm 1941 tại TP Bolzano (miền Bắc nước Ý), từng là lãnh thổ Cộng hòa Áo thời trước Thế chiến thứ I. Đến năm 1953, do biến cố gia đình nên cậu thiếu niên 12 tuổi được gửi vào nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Imst (bang Tyrol, miền Tây nước Áo) - ngôi làng SOS đầu tiên trên thế giới do TS Hermann Gmeiner thành lập năm 1949.
Năm 1967, chứng kiến nỗi đau mất mát gia đình của trẻ em Việt trong thời chiến, Hermann Gmeiner đã trở lại châu Âu nhờ bạn bè của Làng trẻ em SOS ở Áo và Đức trợ giúp xây dựng làng ở Việt Nam. Chính phủ Đức đã đồng ý chi trả tiền xây dựng làng tại Gò Vấp, toàn bộ các ngôi nhà tiền chế được chuyển từ Áo sang bằng tàu biển. Giáo sư Hermann Gmeiner đã gọi Helmut Kutin (Sau này ông là chủ tịch của Làng trẻ em SOS Quốc tế) đến và đề nghị sang Việt Nam xây dựng một làng trẻ em SOS. Sở dĩ Helmut Kutin được giao sứ mệnh đặc biệt này bởi ông cũng là trẻ mồ côi lớn lên ngay trong ngôi làng trẻ em SOS đầu tiên do Hermann Gmeiner thành lập.
Tháng 3 năm 1968, Helmut Kutin cùng Hermann Gmeiner đến Sài Gòn. Chiến tranh ác liệt đã làm chậm tiến độ xây dựng làng, nên đến cuối năm 1968 những ngôi nhà đầu tiên mới hoàn thiện.
Vài năm sau, Helmut Kutin lên Đà Lạt khảo sát, chọn địa điểm để xây dựng Làng trẻ em SOS Đà Lạt khánh thành năm 1974. Cả hai ngôi Làng trẻ em SOS Gò Vấp và Đà Lạt đều do ông làm giám đốc.
Năm 1975, vì biến cố lịch sử Làng SOS Đà Lạt phải ngưng hoạt động. Những năm sau đó, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông Helmut Kutin vẫn tiếp tục giúp đỡ các bà mẹ và trẻ bằng cách gửi tiền bạc và hàng hóa.
Năm 1987, Helmut Kutin nhận được lời mời từ Thứ trưởng Hoàng Thế Thiện (nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) sang Việt Nam để thảo luận. Sau chuyến đi này, cả hai bên đã thống nhất ký thỏa thuận xây dựng Làng trẻ em SOS Hà Nội và mở lại Làng trẻ em SOS Gò Vấp. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu sự tái lập của các làng trẻ em SOS tại Việt Nam sau nhiều năm gián đoạn.
Từ năm 1989, Với những nỗ lực của Làng trẻ em SOS Quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng chính quyền tỉnh Lâm Đồng, Làng trẻ em SOS Đà Lạt được khôi phục và chính thức đi vào hoạt động ngày 26/12/1989 với 14 ngôi nhà mang tên các loài hoa của thành phố Đà Lạt.
Về sau này, Helmut Kutin luôn dành cho Việt Nam một sự ưu ái đặc biệt khi lập các làng trẻ em SOS. Trong khi các nước trên thế giới chỉ có 1 đến 2 làng, riêng tại Việt Nam thành lập đến 17 làng trẻ em SOS.
Helmut Kutin có tình cảm, tình yêu đăc biệt với Việt Nam nói chung và Làng trẻ nói riêng. Những hiểu biết sâu sắc của ông về Viêt Nam đã được ông truyền đạt với bạn bè quốc tế qua các cuộc đối thoại, vận động tài trợ cho Việt Nam, làm cho nhân dân thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Ông luôn tự nhận Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và ngôi Làng trẻ em SOS Đà Lạt là mái nhà thân thương nhất của ông.
Ông Helmut Kutin tại Làng trẻ em SOS Đà Lạt |
Lúc sinh thời, trong dịp kỷ niệm 20 năm SOS Việt Nam, ông từng nói: “Điều chắc chắn Việt Nam và Làng trẻ em SOS Việt Nam là quê hương thứ hai của cá nhân tôi và tôi sẽ giữ mãi những kỷ niệm thân thương về những chuyến thăm tới đất nước này. Làng trẻ em SOS Việt Nam là gia đình gần gũi nhất đối với tôi trong số 134 quốc gia trên thế giới nơi có Làng trẻ em SOS đang hoạt động”.
Suốt chặng đường 50 năm qua, bằng trách nhiệm và hơn hết là tình người, tấm lòng yêu thương con trẻ, các thế hệ cán bộ nhân viên, giáo viên, các bà mẹ, bà dì ở ngôi nhà chung này luôn tận tâm chăm chút cho những đứa trẻ thiếu may mắn từ những bước chân đầu tiên, thêm mạnh mẽ để có thể tự tin bước vào đời.
Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Tối 28/8, dù không nằm trong kế hoạch công tác, biết đến Lễ kỷ niệm 50 năm chặng đường hình thành và phát triển của Làng trẻ em SOS Đà Lạt, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy đã đến dự và trao tặng 50 suất học bổng cho các em nhỏ đang sinh sống tại đây. Lần đầu tiên đến Làng SOS Đà Lạt, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng vô cùng xúc động và đánh giá cao sự hy sinh của đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên, bà mẹ, bà dì đã luôn nhiệt tình, tâm huyết và tận tụy với công việc chăm lo cho sự phát triển của những đứa trẻ thiếu may mắn đang sinh sống tại Làng. Chính tình cảm của các mẹ, các dì và đội ngũ cán bộ nhân viên của Làng đã bù đắp những thiệt thòi cho các em nhỏ. Đồng chí Nguyễn Thái Học khẳng định sẽ cùng lãnh đạo tỉnh tìm mọi cách, tạo điều kiện một cách tốt nhất để các em nhỏ nơi đây có được cuộc sống ngày một tốt hơn. “Tấm lòng nhân ái tốt đẹp và sự bao dung của con người Đà Lạt hơn lúc nào hết cần được chia sẻ, trải lòng ở những nơi như Làng trẻ em SOS Đà Lạt”, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chia sẻ. |
Từ 36 trẻ trong những ngày đầu, đến nay Làng đã đón nhận gần 745 trẻ đến từ các tỉnh miền Trung Tây Nguyên về sống trong 14 gia đình và 2 lưu xá thanh niên. Hiện nay, số trẻ sống tại Làng là 95, trong đó 4 trẻ đang học mẫu giáo và 91 em đang học phổ thông. Ngoài ra, Làng vẫn đang tiếp tục hỗ trợ 19 bạn đang học đại học, 2 bạn đang học cao đẳng, 1 bạn đang học nghề và 9 người trong giai đoạn bán tự lập. Theo ông Trần Bảo Long - Giám đốc Làng trẻ em SOS Đà Lạt, tính đến nay đã có 597 bạn trưởng thành, tự lập và hòa nhập xã hội; 125 bạn đã lập gia đình, ổn định cuộc sống.
Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ về những ý tưởng giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam với tôn chỉ "Người Việt Nam cũng có thể giúp những người Việt Nam” |
Sự giáo dục toàn diện của Làng, đã giúp những đứa trẻ nơi đây tự tin trong cuộc sống, sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, phần lớn đã sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt cũng như nhiều địa phương khác với nhiều ngành nghề khác nhau. Sau khi rời mái nhà SOS Đà Lạt, hơn 95% con trưởng thành có công việc, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, có gia đình riêng hạnh phúc, tự lập cuộc sống, hòa nhập và đóng góp cho xã hội. Và ý nghĩa hơn, khi các lớp trưởng thành đã cùng chung tay đóng góp và nuôi dưỡng thế hệ đàn em tại các Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Các đại biểu và khách quý về tham dự Làng trẻ em SOS tròn 50 năm thành lập |
Để có những kết quả đầy đặn tình người đó, trước hết phải nói đến công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tại các gia đình SOS, với việc đảm bảo các nguyên tắc là mỗi trẻ em cần có một người mẹ, lớn lên một cách tự nhiên, cùng với anh chị em trong ngôi nhà của mình, được hỗ trợ bởi môi trường cộng đồng Làng.
Các bạn nhỏ của Làng SOS Đà Lạt trình diễn văn nghệ tại chương trình |
Cùng với việc vun đắp không khí mái ấm gia đình, ngôi nhà SOS đã thật sự trở thành một nơi viết lên tuổi thơ tươi đẹp của các thế hệ con trẻ. Nơi đây đã mang đến cho trẻ một gia đình đầy ắp tiếng cười, mang đến cho trẻ tình yêu thương của mẹ, anh chị em và hơn thế nữa là mang đến cho trẻ cuộc sống đầy đủ và tương lai tươi sáng. Từ mái ấp gia đình của mình, các em được tạo điều kiện hướng dẫn, giúp đỡ để học tập, rèn luyện hình thành nhân cách, phát triển bản thân thông qua các lớp năng khiếu - kỹ năng mềm, hướng nghiệp, câu lạc bộ trẻ em, sinh hoạt tập thể trong những ngày lễ tết, thể dục - thể thao mà Làng thường xuyên tổ chức.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với các bạn nhỏ đang sinh sống tại Làng trẻ em SOS |
Trong suốt 50 hình thành và phát triển, Làng đã thực hiện thành công các chương trình, dự án kèm theo như: Dự án Trung tâm Xã hội Hermann Gmeiner nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu về giáo dục và y tế cho Làng và bà mẹ, trẻ em ở cộng đồng dân cư; Chương trình Tăng cường gia đình với mục tiêu góp phần hỗ trợ ngăn ngừa trẻ bị bỏ rơi từ các gia đình ở cộng đồng. Hiện nay, chương trình đã hỗ trợ cho 849 trẻ tại 8 huyện thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Chương trình học bổng SOS tạo điều kiện cho học sinh nghèo học giỏi, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn và có cơ hội phát triển trong tương lai, đến nay đã có 67 học sinh nhận hỗ trợ của chương trình này.
Lãnh đạo Làng trẻ em SOS tặng hoa tri ân đến vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân Giáo sư Lê Kim Ngọc |
Đồng chí Nguyễn Thái Học tặng học bổng cho các bạn nhỏ có thành tích học tập xuất sắc |
Có thể nói, sau 50 năm thành lập và phát triển, Làng trẻ em SOS Đà Lạt thật sự là mái ấm yêu thương cho trẻ em đã mất đi hoặc có nguy cơ mất đi sự chăm sóc của cha mẹ, người thân, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nơi đây thật sự mang lại cuộc sống an bình, hạnh phúc cho những trẻ em thiếu may mắn trong cuộc sống. Trái ngọt nhận được trong suốt 50 mùa đã qua, đã thể hiện trước hết là sự gắn bó, yêu thương của đội ngũ bà mẹ, bà dì, nhân viên, giáo viên của Làng với tinh thần trách nhiệm và tình yêu cao cả trong công việc để xây dựng được môi trường bình yên, mái ấm gia đình hạnh phúc, đem lại nụ cười trẻ tươi, giúp trẻ tự tin trưởng thành, hòa nhập xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thái Học và đồng chí Phạm S tặng 50 suất học bổng cho các bạn nhỏ tại Làng SOS Đà Lạt |
Hành trình 50 năm yêu thương với mái nhà Làng trẻ em SOS Đà Lạt sẽ được tiếp tục với sứ mệnh “Không để trẻ em lớn lên một mình” và sẽ luôn là “Mái ấm yêu thương cho mọi trẻ em”.
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm Ký ức 50 năm Làng trẻ SOS Đà Lạt còn có sư tham gia của đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam, Giáo sư Lê Kim Ngọc - Phu nhân của Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp; Giáo sư Patrick Aurenche và phu nhân - Phó Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam; Tiến sĩ Esp é ran Padonou - Giám đốc Quỹ học bổng Vallet. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin