Những ngày qua, biển trời Quảng Ngãi rực rỡ sắc màu văn hóa các dân tộc anh em từ 24 tỉnh, thành trên mọi miền đất nước tụ hội về Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức.
Rộn ràng cồng chiêng hòa cùng vũ điệu xoang trong Lễ hội Mừng lúa mới |
Như một cuộc kiểm kê di sản lớn, hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ người Khơmer - An Giang, S’tiêng - Bình Phước, Ê Đê - Đắk Lắk, Jalai - Gia Lai, Hà Nhì - Lai Châu, Raglai - Khánh Hoà, Pa Kô - Thừa Thiên Huế, H’Mông - Sơn La, Dao - Tuyên Quang, Mường - Thanh Hóa, Tày - Thái Nguyên, Nùng - Bắc Giang, Cơ Tu - Quảng Nam, Hơ Rê - Quảng Ngãi, Chăm - Ninh Thuận, người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ Hải Dương, Bắc Ninh, ở miền biển Phú Yên, Quảng Bình, miền sông nước Đồng Tháp… đã làm sống dậy những tích trò diễn xướng, những nét đẹp văn hóa dân tộc, màu sắc vùng, miền đậm đà bản sắc. Giữa muôn sắc màu, 30 nghệ nhân đến từ buôn làng Bồ Liêng (Lâm Hà), Bon Đưng, B’Nớ C (Lạc Dương) đại diện cho đồng bào K’Ho - Lâm Đồng đã mang đến âm sắc Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên góp một thanh âm đẹp trong bản hợp xướng muôn màu ấy.
Tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của người K'Ho |
Trải qua các phần thi trình diễn nghi lễ truyền thống; thi ẩm thực dân gian; thi diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống và trình diễn trang phục truyền thống, các nghệ nhân đoàn Lâm Đồng đã thể hiện niềm đam mê, tình yêu di sản văn hóa dân tộc, phô diễn hết vẻ đẹp bản sắc văn hóa K’Ho giữa đại ngàn Tây Nguyên. Mở đầu ngày hội, chương trình diễu hành đặc sắc với âm điệu cồng chiêng nồng nhiệt, hòa vào vũ điệu xoang đắm say, mang theo biểu tượng kiến trúc nhà sàn truyền thống và cây nêu đẽo gọt chạm khắc công phu cùng những biểu tượng totem đã gây ấn tượng mạnh.
Ở phần thi nghi lễ truyền thống, Lễ Mừng lúa mới (Nhô R’hê) của người K’Ho Srê - Lâm Hà đã diễn ra trong không khí linh thiêng, tù và, cồng chiêng, lửa bập bùng và rượu cần, đồng bào hiến sinh một con gà trống tạ ơn Yàng cho mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà, người người no đủ và dân làng cùng nhau vui chơi, hưởng thụ thành quả lao động sau một năm vất vả. Lễ hội được tái hiện sống động tự nhiên nguyên gốc như ngay chính giữa buôn làng nơi lễ hội diễn ra, thể hiện vẻ đẹp văn hóa tinh thần của đồng bào người K’Ho, được Ban Tổ chức Hội thi đánh giá cao.
Tiết mục Lời chiêng đạt HC Bạc |
Ở phần thi hát dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, đoàn Lâm Đồng đã trình diễn chương trình chủ đề “Âm vang cao nguyên” với 5 tiết mục đậm đà bản sắc gồm: Prơ Cing (Lời chiêng - Karajan Dick phát triển dân ca K’Ho, tốp ca nam nữ trình bày); Tir lơi (Lời tỏ tình - Dân ca K’Ho, Nghệ nhân Ka Dih trình bày và tốp hoạt cảnh phụ họa); Cing Yo (Đấu chiêng đôi - Dân nhạc K’Ho, Nghệ nhân Ưu tú K’Bes, K’Ken, K’Binh hợp tấu); Đêh kô (Nhắn gửi yêu thương - Dân ca K’Ho, Rơ Ông K’Gem đơn ca); Liên khúc Pép tur jun - Linh leo (Đi săn - Dân ca K’Ho, K’Thế đơn ca và tốp múa xoang phụ họa). Phần thi trình diễn trang phục truyền thống 8 bộ trang phục truyền thống của nam, nữ K’Ho gắn với lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, khoe sắc trong kiểu dáng, hoa văn, họa tiết độc đáo của trang phục người K’Ho.
Đoàn nghệ nhân Lâm Đồng đã mang đến phần thi ẩm thực dân gian những món ăn mang đậm phong vị núi rừng gồm: da trâu cà đắng, gà đồi nướng, cá lóc nướng trui, thịt trâu gác bếp, thịt trâu giã nhuyễn, nấm sữa xào sả, rau dớn xào, canh lá bép, cơm lam, rượu cần. Tất cả được sắp đặt trên những vật dụng bằng tre nứa mộc mạc, thân quen gần gũi như mẹt, rổ, bầu... Sự độc đáo và khác biệt trong từng món ăn thể hiện từ việc chọn nguyên liệu đến cách tẩm ướp, chế biến với các vật dụng như ống tre, nứa, lá chuối, than củi. Sự hấp dẫn nhờ vào gia vị tự nhiên cũng lấy từ núi rừng, tất cả được nướng trực tiếp trên lửa, lưu giữ hương vị nguyên bản, độ ngọt tự nhiên đã để lại dấu ấn ở cả mùi, vị, hương, sắc.
Các nhà nghiên cứu nhận định, diễn xướng dân gian là một phần quan trọng cấu thành nghệ thuật dân gian, kết tinh trí tuệ của cộng đồng từ xa xưa, thường được trình diễn trong không gian của cộng đồng tạo ra nó. Vì thế không thể so sánh những câu ca điệu lý của miền sông nước Cửu Long với hò khoan Lệ Thủy, không thể so sánh không gian cây đa, bến nước, sân đình trong giao duyên quan họ của đồng bằng Bắc Bộ đậm chất trữ tình, sâu lắng với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ầm ào cuộn cuộn giữa núi rừng hùng vĩ. Cũng không thể đem so những món cá ngừ đại dương miền biển Phú Yên cuộn với rau cải cay với món da trâu cà đắng của người K’Ho - Lâm Đồng, món khâu nhục của người Tày Nùng núi rừng phía Bắc với món lẩu mắm miền Tây. Càng không thể so sánh Lễ hội Lên nhà Rông mới của người Jalai - Gia Lai, Lễ Mừng lúa mới của người K’Ho - Lâm Đồng với Lễ Cúng rừng của người Hà Nhì - Lai Châu, trò chơi Pồn Pông với sắc đẹp cây vũ trụ của người Mường - Thanh Hóa, nghệ thuật múa bóng dỗi của người Kinh - TP Hồ Chí Minh… xem nghi thức nào hay hơn.
Thi ở đây chính là thi đua cách thức gìn giữ bảo tồn văn hóa truyền thống, sự nhiệt huyết, quan tâm của mỗi địa phương, đơn vị, tỉnh, thành trong công tác bảo tồn gìn giữ và phát huy di sản qua sự chuẩn bị chương trình, tinh thần thực hành, tập luyện dàn dựng, biểu diễn để thấy được việc phát huy di sản văn hóa phục vụ du lịch trong đời sống đương đại. Sự chuẩn bị chu đáo công phu, biểu diễn cống hiến, đoàn nghệ nhân Lâm Đồng đã mang về 1 huy chương (HC) Vàng cho tiết mục hát dân ca K’Ho “Nhắn gửi yêu thương” (đơn ca Rơ Ông K’Gem), 3 HC Bạc cho các tiết mục: Đi săn (dân ca K’Ho, K’Thế biểu diễn), Lời chiêng (Krajan Dick phát triển dân ca K’Ho, tốp ca nam nữ), tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của người K’Ho - Lâm Hà. Không chỉ là sự phô diễn tại hội thi, mà đó cũng là thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành Văn hóa tỉnh Lâm Đồng trong suốt những năm qua trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch.
Tại hội thi, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) khẳng định: Với bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng được nhiều thế hệ sáng tạo và lưu truyền. Cả nước hiện có hàng ngàn phong tục, nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống. Kho tàng di sản văn hóa ấy là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá, là nguồn lực nội sinh để các thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa, vun đắp, bảo tồn và phát huy. Từ đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn thịnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin