Bộ Y tế vừa tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 45 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân trong 10 năm qua. Trong đó, Lâm Đồng có 2 tập thể (Trung tâm Y tế Đơn Dương và Di Linh) và 2 cá nhân (gồm ông Lê Thành Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Di Linh và bà Nguyễn Thị Thu Tâm - nhân viên Phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương).
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Di Linh và Đơn Dương (thứ 3 và thứ 5 từ trái sang) nhận Bằng khen của Bộ Y tế về thành tích xuất sắc trong triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân |
Phát huy kết quả đạt được, Trung tâm Y tế huyện Di Linh đã triển khai và duy trì các hoạt động tổ chức hưởng ứng Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân. Trong công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của tất cả các cơ quan, đơn vị và hộ gia đình trên địa bàn quản lý. Phối hợp và chỉ đạo các trạm y tế kiểm tra, giám sát tình trạng nước sạch vệ sinh môi trường và vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình trên địa bàn quản lý. Tổ chức kiểm tra, giám sát các vùng, khu vực, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và các vùng, khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm môi trường. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 tại huyện Di Linh có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đã vượt kế hoạch năm, với 98,4% hộ nông thôn và 96,1% hộ thành thị dùng nước sạch. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh vùng nông thôn là 89,2% và 91,3% hộ thành thị. Tỷ lệ người dân rửa tay với xà phòng (trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh) là 58,6%. Có 50% khu vực có nguy cơ ô nhiễm được giám sát vệ sinh môi trường; 100% các cơ sở cấp nước tập trung trên địa bàn theo phân cấp quản lý được kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt. Có 52,6% trạm y tế được kiểm tra về nguồn nước sạch và nhà tiêu; 52% trạm y tế được kiểm tra về công tác quản lý chất thải y tế và hoạt động vệ sinh môi trường.
Phát động tuyên truyền, phổ biến thực hiện Phong trào thi đua Xây dựng cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp”, giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Truyền thông sâu rộng, huy động sự tham gia của viên chức và người lao động trong toàn đơn vị trong việc bảo vệ môi trường sống. Đặc biệt, trong cơ sở y tế, xây dựng cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp” thân thiện với môi trường. Có 100% viên chức và người lao động tại các khoa; phòng; phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế được tập huấn, quán triệt, phổ biến và thực hiện các nội dung cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp”, giảm thiểu rác thải nhựa. Tổ chức trồng cây bổ sung thay những cây chết , cắt tỉa, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên Trung tâm Y tế huyện; định kỳ sơn trần nhà, tường nhà, cửa, cổng, hành lang, cầu thang các khoa, phòng; không để ẩm mốc, thấm dột; tiếp tục cải tạo hồ cá trước khuôn viên bệnh viện.
Trung tâm Y tế huyện Di Linh tiếp tục duy trì tốt việc phân khu vệ sinh riêng cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Tăng cường công tác vệ sinh để đảm bảo khu vệ sinh sạch sẽ, không có mùi hôi; sàn khu vệ sinh sạch, không đọng nước, không trơn trượt. Trang bị tại khu vệ sinh có sẵn giấy vệ sinh, thùng đựng rác, bồn rửa tay và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay, có gương cho những nơi còn thiếu.
Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, biểu ngữ, áp phích, phân phát tài liệu, tờ rơi với mục tiêu, nội dung về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh ở địa phương. Tổ chức các chiến dịch truyền thông theo hình thức trực tiếp ra quân dọn dẹp rác thải, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, tuyên truyền nước sạch và vệ sinh môi trường tại các cơ quan, đơn vị, các thôn, bản của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Di Linh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để nâng cao sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức các đợt đánh giá, kiểm tra hoạt động của các công trình cấp nước, đẩy mạnh đầu tư xây dựng, kiểm tra nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh và nước sạch hộ gia đình; vận động người dân xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh hộ gia đình an toàn.
Trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các mặt hàng thực phẩm được người dân thường xuyên sử dụng. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; chú trọng kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ...
Thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, cấp phát băng rôn, tờ rơi áp phích phổ biến kiến thức bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho 19 trạm y tế xã, thị trấn để tuyên truyền bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp... Triển khai truyền thông giáo dục sức khoẻ trực tiếp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động, vận động người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, giảm thiểu tai nạn xảy ra trong khi lao động và trong khi sinh hoạt. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố mất an toàn cho doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng trước, trong và sau thời gian diễn ra Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Tập trung tuyên truyền trong những ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh lao động và chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến cho người lao động tại khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin