(LĐ online) - Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, chiều 17/9, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản yêu cầu các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng chống thiên tai, đặc biệt là nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt.
Mưa đá gây thiệt hại rau màu của người dân hồi đầu mùa mưa. |
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, từ chiều 17/9 đến hết ngày 19/9, toàn tỉnh sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to kèm theo dông sét. Lượng mưa dự kiến từ 60-120mm, thậm chí có thể vượt quá 200mm tại một số khu vực.
Mưa lớn kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như ngập úng, sạt lở đất, gió lốc, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng, đồng thời triển khai một loạt các biện pháp cấp bách.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; các cấp chính quyền địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng.
Trong đó phải chú trọng tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, trực ban nghiêm túc 24giờ/24giờ trong thời điểm mưa, bão; tăng cường công tác thông tin, kịp thời cảnh báo nhanh chóng đến tận thôn, buôn, người dân để chính quyền cấp cơ sở và nhân dân chủ động phòng, tránh và ứng phó với các hiện tượng mưa bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lốc xoáy... có thể xảy ra; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”.
Tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập lụt, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp,...; kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đường xung yếu (nhất là các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ), các cầu yếu, các đoạn đường đèo thường bị sạt lở gây ách tắc giao thông; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị đang thi công chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó, chủ động khắc phục khi có sự cố xảy ra, đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt.
UBND tỉnh cũng đề nghị Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông thông tin kịp thời về tình hình mưa, lũ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân biết, chủ động ứng phó và triển khai phương án di dời người dân đến nơi an toàn.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 để theo dõi sát tình hình mưa lớn, diễn biến thiên tai, chủ động đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tại; kịp thời báo cáo, đề xuất tỉnh chỉ những nội vượt thẩm quyền.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin