HƯỞNG ỨNG NGÀY TIM MẠCH THẾ GIỚI 29/9:
Cùng hành động vì sức khỏe trái tim

T.VINH - T.TUYỀN 05:20, 27/09/2024

Trong nhịp sống hiện đại, khi công việc và cuộc sống gia đình cuốn lấy mỗi người, việc chăm sóc sức khỏe bản thân đôi khi bị lãng quên. Nhưng liệu chúng ta có thể bỏ qua tiếng gọi của trái tim mình? Để nhắc nhở mỗi người về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe tim mạch, ngày 29/9 hàng năm, toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm Ngày Tim mạch thế giới.

Khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho người dân tại BVĐK Lâm Đồng. Ảnh: Diệu Hiền
Khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho người dân tại BVĐK Lâm Đồng. Ảnh: Diệu Hiền

Ngày Tim mạch thế giới không chỉ đơn thuần là một ngày kỷ niệm mà còn là một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ. Mỗi năm, thông điệp của ngày này lại nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như tăng huyết áp, cholesterol cao, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh. Ngày Tim mạch thế giới là cơ hội để chúng ta cùng nhau kiểm tra lại sức khỏe tim mạch của mình và đặt ra những mục tiêu cụ thể để cải thiện lối sống. Việc bạn từ bỏ một điếu thuốc lá, hay giảm lượng muối trong bữa ăn hàng ngày, đều là những bước đi nhỏ nhưng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống. 

Hiện nay, bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi, xuất hiện nhiều ở những người 30 đến 40 tuổi. Bệnh tim mạch do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt là liên quan đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày như hút thuốc lá: Chất Nicotine và Carbon monoxide có trong thuốc lá chính là nguyên nhân gây co thắt các mạch máu, xơ vữa động mạch. Chế độ ăn uống nhiều muối, chất béo và cholesterol. Ít vận động, hoạt động thể dục, thể thao. Thừa cân, béo phì. Căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim. Tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu. Đái tháo đường: Bệnh tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường. Tuổi tác cao tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch. Yếu tố gia đình (trong gia đình đã có người mắc bệnh tim).

Những triệu chứng nhận biết sớm nhất: Các bệnh về tim mạch cũng giống như phần lớn các bệnh lý khác, chúng đều có những triệu chứng xuất hiện từ sớm báo hiệu về bệnh nhưng chúng ta thường xem nhẹ và bỏ qua hoặc chưa chú ý nhiều đến vấn đề về sức khỏe của mình. Một số triệu chứng nhận biết bệnh về tim mạch như: Cảm giác bị đau tức ngực là triệu chứng thường gặp của bệnh tim. Tuy nhiên, nó cũng xuất hiện ở các bệnh lý khác như hô hấp, thần kinh. Khó thở xuất hiện từ từ và dần tăng lên khi người bệnh gắng sức, đặc biệt khi nằm xuống. Cơ thể bị tích nước, căng phù: triệu chứng phù do bệnh tim mạch thường là phù tím, phù mềm, dấu hiệu bắt đầu từ hai bàn chân. Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức: đây là dấu hiệu thiếu máu đến tim, não và phổi, nó sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, kiệt sức khi thực hiện các hoạt động thường ngày. Ho dai dẳng, khò khè: máu bị ứ lại do tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể. Dịch ứ ở phổi lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè. Chán ăn, buồn nôn: người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn buồn nôn do sự tích tụ của dịch trong gan, hệ thống tiêu hóa. Đi tiểu đêm: do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu làm cho người bệnh suy tim sẽ đi tiểu thường xuyên vào ban đêm. Nhịp tim nhanh, mạch không đều: tốc độ đập của tim sẽ nhanh hơn, xuất hiện tình trạng đánh trống ngực hoặc đập dồn dập. Chóng mặt, ngất xỉu: là triệu chứng thường xuất hiện khi bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, máu đến não bị gián đoạn.

 Những bệnh tim thường gặp: Bệnh mạch vành; tai biến mạch máu não (đột quỵ); bệnh động mạch ngoại biên (PAD); bệnh van tim hậu thấp; bệnh tim bẩm sinh; phình động mạch chủ bóc tách (động mạch chủ ngực); bệnh cơ tim.

Ngày Tim mạch thế giới là cơ hội để chúng ta cùng nhau kiểm tra lại sức khỏe tim mạch của mình, và đặt ra những mục tiêu cụ thể để cải thiện lối sống. Việc bạn từ bỏ một điếu thuốc lá, hay giảm lượng muối trong bữa ăn hàng ngày, đều là những bước đi nhỏ nhưng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống.

Những hành động cụ thể hãy bắt đầu từ những việc đơn giản: Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đừng chờ đến khi có triệu chứng mới đi khám. Việc kiểm tra huyết áp, mức mỡ máu cholesterol và đường huyết định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy nhớ rằng những gì bạn ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Hạn chế muối, đường, chất béo bão hòa và tăng cường ăn rau, quả, ngũ cốc nguyên hạt, cùng các loại hạt là cách tốt nhất để bảo vệ trái tim. Tăng cường vận động: Đừng ngồi một chỗ quá lâu. Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, có thể là đi bộ, chạy bộ, bơi lội, hay bất kỳ hoạt động thể chất nào bạn yêu thích. Bỏ thuốc lá: Đây là một trong những quyết định quan trọng nhất bạn có thể làm cho sức khỏe tim mạch của mình. Hút thuốc không chỉ gây hại cho tim mà còn cho cả phổi và toàn bộ cơ thể. Giảm căng thẳng: Cuộc sống hiện đại dễ dàng khiến chúng ta rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài. Hãy tìm cách thư giãn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tham gia các hoạt động như thiền, yoga để giữ cho tinh thần luôn thoải mái.

Ngày Tim mạch thế giới là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của sức khỏe tim mạch. Bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa, mỗi người trong chúng ta có thể góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, bảo vệ bản thân và gia đình, hãy khỏe mạnh bắt đầu từ trái tim.