48 năm, một chặng đường dài với những cán bộ, công nhân, người lao động của đất cao nguyên. Một chặng đường mà những người cán bộ công đoàn, những người công nhân, lao động vun đắp tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.
Công nhân Lâm Đồng luôn sát cánh cùng tổ chức Công đoàn |
Tại Lâm Đồng, sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, để kịp thời tổ chức và lãnh đạo phong trào công nhân, Khu ủy Khu VI và Liên hiệp Công đoàn giải phóng khu Nam Trung Bộ đã quyết định thành lập các liên hiệp công đoàn, tập hợp lực lượng lao động cá thể ở các ngành nghề tự do, thu hút lao động từ nhiều ngành nghề tham gia hoạt động.
Theo yêu cầu sáp nhập tỉnh, ngày 25/9/1976, Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở thống nhất các Liên hiệp Công đoàn giải phóng tỉnh Lâm Đồng (cũ), Liên hiệp Công đoàn tỉnh Tuyên Đức và Liên hiệp Công đoàn TP Đà Lạt. Thời điểm này, toàn tỉnh có 68 công đoàn cơ sở với hơn 3.100 đoàn viên công đoàn trong tổng số hơn 12.400 công nhân, viên chức. Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng tập hợp đông đảo công nhân, viên chức vào tổ chức Công đoàn, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, giác ngộ cho đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), tích cực tham gia khôi phục, phát triển sản xuất, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện tốt vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn.
48 năm qua, Công đoàn tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định được vai trò, nhiệm vụ tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ. Các cấp công đoàn, đội ngũ CNVCLĐ còn luôn là lực lượng tích cực, chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương.
Công nhân Lâm Đồng luôn sát cánh cùng tổ chức Công đoàn |
Hôm nay, Công đoàn tỉnh Lâm Đồng không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, lực lượng và phong trào CNVCLĐ. Công đoàn tỉnh Lâm Đồng đã có 12 Liên đoàn lao động huyện, thành phố; 3 công đoàn ngành (Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Công đoàn Viên chức tỉnh. Tổng số công đoàn cơ sở trong các loại hình là 1.541 đơn vị, với hơn 69.000 đoàn viên, trong tổng số hơn 72.000 CNVCLĐ.
Đặc biệt là từ khi Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021, về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Nghị quyết được ban hành ngay đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với phong trào CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ đạo, định hướng, đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 21-KH/TU ngày 06/9/2021 triển khai đến các cấp, các ngành. Sau 3 năm triển khai nghị quyết của Đảng về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn tỉnh Lâm Đồng không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động, xứng đáng đại diện cho tiếng nói, khát vọng, niềm tin của người lao động trên địa bàn tỉnh.
Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn được đẩy mạnh. Số đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả khu vực lao động phi chính thức. Nhiều mô hình công đoàn cơ sở (CĐCS) mới được hình thành như Nghiệp đoàn Tài xế xe công nghệ Đà Lạt; Nghiệp đoàn Vận tải ở Đạ Tẻh…
Đặc biệt, tuỳ từng cơ sở, tuỳ điều kiện thực tế, tổ chức Công đoàn đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, thiết thực hiệu quả, thích ứng linh hoạt; đồng hành với doanh nghiệp trong chăm lo người lao động và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ở hầu hết các doanh nghiệp, phối hợp với tổ chức Công đoàn đã trở thành mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời.
Hoạt động chăm lo đời sống, nâng cao phúc lợi cho đoàn viên được các cấp công đoàn triển khai thường xuyên, sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, cách làm sáng tạo như: Quỹ trợ vốn, Quỹ hỗ trợ CNVCLĐ, Quỹ “Mái ấm Công đoàn”; thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp hàng tiêu dùng, sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi; chương trình “Tết Sum vầy”, “Tháng công nhân” đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, trở thành "thương hiệu" của tổ chức Công đoàn.
Công tác tuyên truyền giáo dục đoàn viên, công tác truyền thông công đoàn được quan tâm đẩy mạnh, phát huy hiệu quả. Các phong trào thi đua yêu nước đã kịp thời động viên tinh thần đoàn viên, CNVCLĐ với nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa thiết thực. Đặc biệt là Phong trào “Công nhân Lâm Đồng làm theo lời Bác” được triển khai sâu rộng, gắn với đẩy mạnh các Phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; Phong trào “Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá” và Cuộc vận động Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành - trách nhiệm - liêm chính - sáng tạo”.
Thông qua các phong trào, hoạt động của các cấp công đoàn đã xuất hiện nhiều tấm gương công chức, viên chức, người lao động điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực ngành nghề. Đội ngũ cán bộ công đoàn cũng được rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao năng lực bản lĩnh. Cán bộ công đoàn ở nhiều đơn vị đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng và củng cố mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong đơn vị, doanh nghiệp, góp phần xây dựng vai trò vững chãi của tổ chức Công đoàn vùng đất Nam Tây Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin