Máy tính cầm tay cho người khiếm thị là giải pháp sáng tạo do hai tác giả trẻ Phạm Mai Mẫn Nhi và Đào Anh Hào nghiên cứu với mong muốn giúp trẻ em khiếm thị có thể học được ký tự và làm các phép toán bằng chữ nổi, giúp người lớn khiếm thị sử dụng bàn phím để thao tác với máy vi tính.
Giải pháp Máy tính cầm tay cho người khiếm thị được thử nghiệm tại Hội Người mù Lâm Đồng và được người khiếm thị đánh giá cao giá trị sử dụng |
Với ứng dụng thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo, máy tính cầm tay cho người khiếm thị còn có tính năng tích hợp trợ lý ảo thông minh bằng giọng nói để tương tác với người sử dụng.
• HỖ TRỢ NGƯỜI KHIẾM THỊ HỌC CHỮ NỔI, TÍNH TOÁN
Ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện tại ở Hội Người mù, người khiếm thị vẫn chỉ sử dụng bàn phím gõ máy tính như dành cho người bình thường. Khi sử dụng máy tính bắt buộc phải học thuộc vị trí bàn phím, khi thao tác vẫn phải sử dụng 10 ngón tay thành thục và nhuần nhuyễn, lúc gõ trên máy vi tính có đọc lại để phân biệt và biết chính xác vị trí phím và sửa lỗi chính tả. Nếu mua màn hình chữ nổi của các hãng lớn giá lên đến vài trăm triệu, nguồn kinh phí hỗ trợ cho Hội Người mù còn hạn hẹp nên việc đầu tư các trang thiết bị đắt tiền hỗ trợ người khiếm thị học tập, hòa nhập cộng đồng còn khó khăn”.
Thấu hiểu nỗi khó khăn đó, năm 2020, từ một quỹ từ thiện đầu tư kinh phí nghiên cứu trị giá 7,8 triệu đồng, hai tác giả Phạm Mai Mẫn Nhi (chủ nhiệm), Đào Anh Hào (đồng chủ nhiệm) đến từ Đà Lạt đã nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật để tạo ra một thiết bị thông minh cùng lúc có thể giải quyết bốn nhu cầu cấp thiết của người khiếm thị là học chữ braille, gõ văn bản, tính toán và trợ lý ảo tương tác.
Khi bắt tay vào việc, khó khăn lớn nhất của nhà sáng chế trẻ là phương pháp học chữ nổi và gõ bàn phím cho người khiếm thị đòi hỏi cảm giác, xúc giác, sử dụng các bảng chuyên dụng, cần sự hỗ trợ từ giáo viên. Hai bạn trẻ đã kết hợp nhiều kỹ thuật công nghệ như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông sáng tạo nên máy tính cầm tay cho người khiếm thị. Chỉ với một thiết bị gọn nhẹ tích hợp các tính năng có thể hỗ trợ người khiếm thị học chữ nổi, tính toán, gõ bàn phím và tương tác bằng giọng nói.
Với thiết kế đặc biệt, máy tính cầm tay được thiết kế hệ thống mạch chắc chắn, gia công các nút bấm sử dụng keycap có độ bền cao, đảm bảo tuổi thọ đáp ứng yêu cầu sử dụng thường xuyên liên tục. Trên các nút bấm đều có ký tự chữ nổi Braille để người khiếm thị cảm nhận; qua đó hỗ trợ tính toán và gõ bàn phím giúp người khiếm thị thực hiện các phép toán qua loa hoặc tai nghe. Trong máy tính có bộ điều khiển Raspberry Pi để thực hiện các chức năng trí tuệ nhân tạo trợ lý ảo giao tiếp với người dùng.
Đặc biệt, máy tính sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói để đọc to các kết quả phép tính và văn bản được soạn thảo. Vì vậy người dùng không cần nhìn màn hình (không thể nhìn) mà vẫn có thể thao tác chính xác. Bên cạnh đó, máy tính sử dụng màn hình có độ tương phản cao giúp người có thị lực kém dễ dàng nhận biết. Thiết kế của máy tính tương tự các bố cục của bàn phím, giúp người khiếm thị dễ dàng sử dụng khi đã thích nghi với các bàn phím của máy tính thông thường. Với thiết kế nhỏ gọn, máy tính có nhiều phiên bản với nhiều kích thước để thuận tiện cho người khiếm thị mang theo.
• SÁNG TẠO VÌ NHỮNG NGƯỜI KÉM MAY MẮN
Bạn Phạm Mai Mẫn Nhi - chủ nhiệm giải pháp cho biết: Máy tính có thể dễ dàng sử dụng cho tất cả người khiếm thị. Đối với trẻ em khiếm thị chưa biết chữ nổi Braille có thể sử dụng máy tính để học và làm các phép toán từ đơn giản đến phức tạp. Đối với người lớn có thể sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản trên máy vi tính rất tiện lợi, có hai chế độ gõ là Telex và VNI. Máy tính sẽ phát âm từng ký tự để người sử dụng biết được chính xác chữ cần gõ. Khi hết một câu máy tính sẽ phát âm lại toàn bộ nguyên văn bằng tiếng Việt qua loa, hỗ trợ người mù có thể soạn thảo chính xác. Chức năng độc đáo của máy tính là trợ lý ảo tích hợp xử lý ngôn ngữ tự nhiên, người khiếm thị có thể hỏi máy tính bằng giọng nói bất cứ câu hỏi nào và nhận được ngay câu trả lời. Với chức năng này, người khiếm thị có thể đọc báo điện tử, tra cứu mọi thông tin...
Sau khi hoàn thành, sản phẩm sáng tạo “Máy tính cầm tay cho người khiếm thị” đã được thử nghiệm tại Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng và được đánh giá là thiết bị hỗ trợ đắc lực cho người mù học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, hòa nhập cộng đồng.
Đánh giá về giải pháp, ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Giải pháp sáng tạo máy tính cầm tay cho người khiếm thị rất thiết thực, nhất là sử dụng cho người mới bắt đầu học chữ nổi, không chỉ riêng trẻ em mà còn cả người khi lớn mới bị mù. Cũng giống như người sáng mắt, để sử dụng thành thạo người khiếm thị cũng cần có thời gian. Giải pháp rất có ích, dễ sử dụng, phù hợp cho người mới học chữ nổi.
Giải pháp góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, môi trường sống, điều kiện sống và việc làm cho người khiếm thị. Với giá trị ứng dụng thực tiễn, tính mới, tính sáng tạo cùng hàm lượng khoa học, giải pháp là một trong 18 dự án, ý tưởng khởi nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh năm 2023. Đồng thời được hỗ trợ vay vốn ưu đãi đến 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng nằm trong Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025.
Không đặt nặng vấn đề doanh số, nhóm tác giả trẻ mong muốn giải pháp sáng tạo “Máy tính cầm tay cho người khiếm thị” được các đơn vị từ thiện quan tâm đầu tư kinh phí đưa vào sản xuất để những người kém may mắn nhanh chóng được sử dụng sản phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin