Thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên Công an TP Đà Lạt đã phát huy sức trẻ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tăng cường thực hiện công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn.
Tuổi trẻ Công an TP Đà Lạt hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử |
Đại úy Đặng Thị Hải Hà - Bí thư Đoàn cơ sở Công an TP Đà Lạt cho biết, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong đảm nhận giải quyết các “khâu yếu, việc khó”, đoàn viên, thanh niên công an TP Đà Lạt đã tích cực triển khai có hiệu quả các hoạt động nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Trong đó, Đoàn Cơ sở Công an thành phố đã tham mưu cho Thành Đoàn Đà Lạt ban hành Công văn số 425 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 06/CP đối với Đoàn thanh niên các phường, xã trên địa bàn thành phố. Đồng thời, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng cán bộ cơ sở tại phường, xã và cảnh sát khu vực thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” để kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 đã được cấp đối với các trường hợp đủ điều kiện.
Là người trực tiếp đồng hành cùng lực lượng Công an TP Đà Lạt vận động bà con Nhân dân tại khu khố cài đặt ứng dụng VNeID, đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, bà Khuất Thị Kim Liên - Tổ trưởng Tổ dân phố 1 (Phường 9) cho hay: Lâu nay, người dân ở đây thường xuyên bận rộn với công việc kinh doanh, buôn bán nên đối với các giao dịch trên môi trường điện tử là rất cần thiết. Nhờ vào việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chúng tôi không những tiết kiệm được rất nhiều thời gian mà còn cả chi phí khi không còn cần phải kê khai nhiều loại biểu mẫu. Thông qua tài khoản VNeID, công dân còn được đảm bảo về các thông tin cá nhân cũng như được cập nhật các dữ liệu một cách kịp thời, chính xác.
Còn đối với bà Vũ Thị Nương (62 tuổi, Phường 8) chia sẻ: “Trước đây, tôi không thực sự quan tâm đến việc định danh điện tử. Bởi lẽ, bản thân cũng lớn tuổi rồi nên cũng ngại phải học rồi tìm hiểu về các hoạt động chuyển số. Nhưng từ khi được lực lượng tuổi trẻ Công an TP Đà Lạt đến tận nhà để tuyên truyền, phổ biến về những lợi ích mà tài khoản định danh điện tử mang lại, tôi đã biết rõ ràng các thông tin về thẻ Bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng kí xe… mà ngày xưa bản thân cứ lo không biết đã cất các giấy tờ này ở đâu để đến cần lại mất thời gian tìm kiếm”.
“Bên cạnh việc chủ động rà soát toàn bộ công dân đủ điều kiện mà chưa kích hoạt định danh điện tử cũng như đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về Đề án 06 đến các tầng lớp Nhân dân bằng những phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, tuổi trẻ Công an TP Đà Lạt cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân về Luật Căn cước. Cụ thể trong đó nhấn mạnh 10 điểm mới của Luật Căn cước và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, lan toả mạnh mẽ đến cộng đồng và giúp người dân có thói quen thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử”, Đại úy Đặng Thị Hải Hà thông tin thêm.
Cũng theo Đại úy Đặng Thị Hải Hà, thời gian qua, bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sau gần 1 tháng ra quân, tính đến nay, tuổi trẻ Công an thành phố đã kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 thành công cho 13.366/18.230 hồ sơ (đạt 73,07%). Thời gian tới, Công an TP Đà Lạt sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò tiên phong của đoàn viên, thanh niên của các đội nghiệp vụ trong tham gia chuyển đổi số, từng bước nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền số, xã hội số và đô thị văn minh tại địa phương. Đặc biệt trong đó, chú trọng tiếp tục tiến hành thu nhận căn cước cho công dân, nhất là đối tượng từ 6 đến 14 tuổi; đối với các trường hợp dưới 6 tuổi sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký cấp căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên internet, nhất là các trang mạng xã hội như zalo, facebook; thông qua công tác tiếp dân của công an phường, xã; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính… Từ đó, ngày càng nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số; khai thác tốt nguồn lực từ cơ sở dữ liệu số và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số được triển khai rộng khắp, hoạt động thực chất, công khai, minh bạch và đạt được hiệu lực; góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế địa phương...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin