Bài cuối: Thúc đẩy nhanh lộ trình sắp xếp, sáp nhập
Lãnh đạo tỉnh cho biết, tỉnh sẽ thúc đẩy nhanh lộ trình sắp xếp sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) của Lâm Đồng theo các bước quy định của Trung ương ngay trong cuối năm nay.
Một trường học được đầu tư sửa chữa tại huyện Cát Tiên |
• TIẾP TỤC SỬ DỤNG GIẤY TỜ ĐÃ CẤP
Khi thay đổi địa giới hành chính, thay đổi tên gọi của ĐVHC cấp huyện, cấp xã khi thực hiện sắp xếp sáp nhập giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn, cụ thể là sáp nhập 3 huyện và 10 xã trong tỉnh để hình thành nên các ĐVHC mới, sẽ kéo theo nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc chuyển đổi các giấy tờ có liên quan của người dân và tổ chức trên địa bàn.
Tuy nhiên, như ngành chức năng Lâm Đồng cho biết, căn cứ vào khoản 1 Điều 21 của Nghị quyết 35 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 quy định về chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, trong đó nêu rõ “Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo ĐVHC cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng”.
Trong lĩnh vực hộ tịch, về nguyên tắc, các giấy tờ được cấp như giấy khai sinh, giấy Đăng ký kết hôn, quyết định nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con... không quy định về thời hạn, do đó cá nhân không cần thực hiện ngay việc chuyển đổi các giấy tờ hộ tịch.
Đối với việc cấp lại, thay đổi, cải chính các giấy tờ có liên quan trong lĩnh vực hộ tịch, pháp luật về hộ tịch đã có quy định về thẩm quyền cũng như cách thức thực hiện; việc cấp lại giấy tờ khi có thay đổi về địa giới hành chính đã được quy định.
Cụ thể, theo Điều 25 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn trước đây hoặc UBND cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn”.
Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư số 04, ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp địa danh hành chính đã có sự thay đổi so với địa danh ghi trong giấy tờ được cấp trước đây thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại; địa danh hành chính trước đây được ghi vào mặt sau của giấy khai sinh và mục ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh”.
Hiện nay các thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch được UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch, mỗi đơn vị đều được Sở Tư pháp tỉnh cấp tài khoản để thực hiện. Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn Lâm Đồng, Sở Tư pháp Lâm Đồng sẽ thực hiện rà soát, cấp tài khoản để đảm bảo việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, đối với các khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi các giấy tờ khác của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (như trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư...) do thay đổi địa giới hành chính, tên gọi ĐVHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên ngành và theo pháp luật chuyên ngành, sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ xây dựng kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn để thực hiện một cách cụ thể.
• HOÀN THIỆN HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khi địa giới hành chính thay đổi với tên gọi ĐVHC mới đó là việc ngành chức năng tỉnh cần nhanh chóng lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ bản đồ địa giới ĐVHC mới của tỉnh vì liên quan đến giấy tờ đất đai của người dân sinh sống trên địa bàn.
Theo ngành chức năng tỉnh, lượng hồ sơ địa chính cần chỉnh lý sau khi hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2023-2025 của tỉnh sẽ khá lớn, đặc biệt là việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân, tổ chức và sẽ được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất. Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng cho biết sẽ chủ động nắm bắt tình hình để chỉ đạo hoặc tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất cũng như cho công tác quản lý nhà nước.
Hiện ngành Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng đang triển khai dự án hoàn thiện hồ sơ địa chính. Theo kế hoạch, dự án này sẽ kết thúc trong năm 2025, trong đó có các địa phương nằm trong kế hoạch sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2030. Hiện trên địa bàn huyện Đơn Dương và huyện Đạ Huoai, các đơn vị chức năng đang thực hiện công đoạn đo đạc, lập bản đồ địa chính; tại Đạ Tẻh và Cát Tiên đang lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, dự kiến sẽ triển khai công tác đo đạc trong năm 2024 này.
Theo thiết kế kỹ thuật - dự toán được phê duyệt, việc đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính được thực hiện theo địa giới hành chính cũ. Để hạn chế việc phải chỉnh lý cũng như bàn giao hồ sơ địa chính giữa các địa phương, gây lãng phí ngân sách cũng như công sức, tùy theo tiến độ của công tác sắp xếp ĐVHC và tiến độ của dự án hoàn thiện hồ sơ địa chính, Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết sẽ chủ động, linh hoạt trong việc tham mưu lập bản đồ, hồ sơ địa chính của dự án hoàn thiện hồ sơ địa chính cho phù hợp trong đó đề xuất điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và cho kéo dài thời gian của dự án hoàn thiện hồ sơ địa chính để thực hiện lập bản đồ, hồ sơ địa chính theo địa giới hành chính mới sau khi sắp xếp.
• THÚC ĐẨY NHANH LỘ TRÌNH
Theo kế hoạch, sau khi Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh có bước triển khai để UBND của 4 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đơn Dương và UBND 10 xã gồm: Triệu Hải và Quảng Trị (Đạ Tẻh); Quảng Lập và Pró (Đơn Dương); Đoàn Kết, Đạ P’loa, Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Tồn và Đạ Oai (Đạ Huoai) tổ chức lấy ý kiến cử tri, họp HĐND xã, HĐND huyện thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã để trình tỉnh. Các bước này sẽ được tiến hành trong tháng 8 và đầu tháng 9/2024.
Sau khi hoàn thiện, ngày 5/9, đề án đã được trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến, thông qua HĐND tỉnh để tiếp tục hoàn thiện và trình Trung ương trong nửa cuối tháng 9/2024. Khi Trung ương thông qua, Lâm Đồng dự kiến sẽ tiến hành việc sắp xếp sáp nhập trong những tháng cuối năm 2024.
Tại buổi làm việc cùng Đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại Lâm Đồng trong đầu tháng 8/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết các đơn vị chức năng của tỉnh đang cho rà soát lại toàn bộ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ theo quy định của Trung ương.
Tại cuộc làm việc, ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định Thường trực Tỉnh ủy sẽ thúc đẩy nhanh đề án, triển khai đúng quy định, đúng quy trình, có kế hoạch, có lộ trình cụ thể để tiến hành các bước trong sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh trong năm nay, chậm nhất là trong tháng 1/2025.
Trong dịp này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công cụ thể cho phần việc của mình trong công tác sắp xếp, sáp nhập ĐVHC của tỉnh. Riêng với UBND các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và Đơn Dương UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã phối hợp, tổ chức thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đảm bảo đúng quy định, lộ trình theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc và các nội dung của đề án tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện bố trí, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy thuộc cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể tại ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn của địa phương; nhanh chóng ổn định tổ chức để đi vào hoạt động.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương trên chủ động, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, đề xuất phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp; giải quyết tốt những trường hợp dôi dư; bảo đảm nguồn kinh phí để triển khai thực hiện việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã cũng như chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi địa giới ĐVHC do sắp xếp; bảo đảm thủ tục chuyển đổi phải đơn giản, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện chuyển đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin