Bài 2: Cần giải quyết tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người lao động dôi dư
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng đoàn Đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 khi đến làm việc với Lâm Đồng trong tháng 8/2024 đã đề nghị tỉnh trong quá trình sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cần quan tâm làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người dân trên địa bàn; giải quyết tốt chế độ chính sách đối với những trường hợp dôi dư.
Một con đường xanh, sạch, đẹp tại Quảng Lập - Đơn Dương, xã trong diện sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính trong năm nay |
• TRÊN 170 TRƯỜNG HỢP DÔI DƯ
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, khi sắp xếp các ĐVHC trên địa bàn Lâm Đồng, cụ thể là sáp nhập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành huyện mới và sáp nhập 10 xã thành 5 xã mới, dự kiến sẽ có khoảng trên 170 trường hợp CBCCVC, người lao động dôi dư.
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, trong sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cần đảm bảo nguyên tắc thống nhất, gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới thành lập trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất nguyên trạng các cơ quan, đơn vị tương ứng ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã trước khi sắp xếp. Số lượng lãnh đạo, quản lý, số lượng biên chế CCVC ở các cơ quan, đơn vị mới tối đa không vượt quá tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên chế CCVC hiện có trước khi sắp xếp; số lượng cấp phó các cơ quan, đơn vị sáp nhập không vượt quá số lượng cấp phó hiện nay, số cấp trưởng không được bố trí làm cấp trưởng sau sắp xếp.
Con số dôi dư này đối với cấp huyện khoảng 104 CBCCVC, trong đó sau khi sắp xếp khối Đảng - Đoàn thể, giảm 12 cơ quan tham mưu giúp việc trực thuộc Huyện ủy và 12 đoàn thể chính trị - xã hội; giảm 20 biên chế so với năm 2024 (tương đương 13%) nên con số dôi dư của khối Đảng khoảng 30 trường hợp, khối Đoàn thể khoảng 20 người.
Với khối Nhà nước, giảm 2 HĐND, 2 UBND, 24 cơ quan chuyên môn thuộc UBND, 8 đơn vị sự nghiệp; giảm 8 cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh; giảm 14 cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn và giảm 10 hội đặc thù tại địa bàn các huyện; giảm 95 biên chế so với năm 2024 (khi chưa sáp nhập), tương ứng 24,2% nên tổng các trường hợp dôi dư khoảng 54 người.
Với cấp xã, trong 5 xã trước khi thực hiện sắp xếp sáp nhập vào 5 xã khác để thành lập ĐVHC mới, mỗi xã này đều có Đảng bộ xã, chính quyền xã (HĐND và UBND xã); 5 tổ chức chính trị - xã hội (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); các trường học (Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở); Trạm y tế và công an các xã. Khi giảm, 5 xã này mỗi xã giảm các tổ chức Đảng bộ, chính quyền (HĐND và UBND), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời giảm tổ chức của các ngành dọc đóng trên địa bàn (Trạm y tế xã, công an xã) tương đương giảm 9 tổ chức trong mỗi xã, như vậy 5 xã giảm 45 tổ chức.
Theo tính toán, sau khi sáp nhập, số CBCC cấp xã dôi dư khoảng 67 người, trong đó có 42 cán bộ, 25 công chức. Dự kiến sau sắp xếp, trong 42 cán bộ này sẽ có 2 trường hợp chuyển công chức huyện, 3 trường hợp chuyển cán bộ xã, 6 chuyển thành công chức xã, 17 trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi, 14 thôi việc. Còn 25 công chức dự kiến sẽ có 2 trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi, 1 trường hợp chuyển cán bộ xã, 19 trường hợp chuyển qua công chức xã, 3 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi.
• HỖ TRỢ BAO NHIÊU CHO NHỮNG TRƯỜNG HỢP DÔI DƯ?
Ngày 12/7/2024, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 315, trong đó quy định rõ chính sách hỗ trợ thêm đối với một số đối tượng tinh giản biên chế dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, theo Nghị quyết trên, các đối tượng được hỗ trợ thêm phải đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 29, ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Trước nhất, đó là CBCCVC cấp huyện; CBCC cấp xã dôi dư do sắp xếp lại ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thứ nhì, đó là CBCCVC lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền; cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế tại đơn vị có sắp xếp tổ chức bộ máy, ĐVHC cấp huyện, cấp xã và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Một đối tượng được nhận hỗ trợ nữa là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn, thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Cả 3 đối tượng như trên được hỗ trợ 6 tháng tiền lương hiện hưởng cho một trường hợp (không tính chức danh kiêm nhiệm).
Nghị quyết của HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng nói rõ tiền lương hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi tinh giản biên chế; mức lương này được tính theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp, các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề, tiền lương và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.
Riêng trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố, nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền sẽ được hỗ trợ 6 tháng phụ cấp hiện hưởng của chức danh hiện giữ (không tính chức danh kiêm nhiệm).
Tuy nhiên, trong Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng nêu rõ các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ nếu được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 60 tháng kể từ ngày thực hiện tinh giản biên chế thì phải hoàn trả lại số tiền hỗ trợ đã nhận cho cơ quan, tổ chức, đơn vị chi trả.
Báo cáo với Đoàn công tác liên ngành Trung ương khi đến Lâm Đồng khảo sát, kiểm tra việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong tháng 8/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết những khó khăn trong bố trí sắp xếp đội ngũ CBCCVC, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo vì sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đội ngũ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã phải đảm bảo theo đúng số lượng quy định của ĐVHC. Cùng đó, số lượng CBCCVC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp dôi dư nhiều, trong khi số lượng thuộc diện vận động nghỉ hưu và tinh giản biên chế ít, ít nhiều gặp khó khăn trong sắp xếp bố trí công tác sau sáp nhập. Đặc biệt, đội ngũ CBCCVC cấp huyện, cấp xã đa phần là cán bộ trẻ, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ đại học trở lên, vì vậy khi sắp xếp, tính toán các trường hợp nghỉ việc, tinh giản biên chế cũng không phải dễ dàng gì.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin