(LĐ online) - Chiều 17/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã chủ trì buổi tiếp xã giao ông Daniel Stork - Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm và làm việc tại Lâm Đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cùng trao đổi với ông Daniel Stork - Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh trong buổi tiếp |
Cùng đi với Tổng Lãnh sự còn có bà Ingrid Korving - Tham tán Nông nghiệp Hà Lan thuộc Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cùng các thành viên.
Về phía Lâm Đồng trong buổi tiếp có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo của các sở, ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công thương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học Công nghệ…
Nội dung chính của buổi làm việc nhằm củng cố và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Lâm Đồng và Vương quốc Hà Lan.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tặng vật phẩm lưu niệm cho ông Daniel Stork - Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh trong buổi tiếp |
Theo báo cáo của tỉnh, trong năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Hà Lan đạt 9,86 triệu USD (gồm hoa tươi, lá trang trí 3,83 triệu USD; cà phê 5,16 triệu USD; plastic và sản phẩm từ plastic 0,1 triệu USD; rau củ quả 0,77 triệu USD). Trong chiều ngược lại, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Hà Lan vào tỉnh Lâm Đồng đạt 34,96 triệu USD.
Tính trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Hà Lan đạt 9,96 triệu USD (tăng gấp hai lần so với năm 2023), còn tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Hà Lan vào tỉnh Lâm Đồng đạt 51,20 triệu USD (tăng 1,5 lần so với năm 2023); chủ yếu hàng hóa nhập khẩu là cây, củ, hạt giống, cành trang trí 50,5 triệu USD; giá thể trồng hoa 0,43 triệu USD; hàng hóa khác (vật tư nông nghiệp) 0,27 triệu USD.
Dù Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất tại Châu Âu của Việt Nam nhưng lượng hàng hoá xuất khẩu qua Hà Lan còn rất thấp. Chẳng hạn với mặt hàng nông sản chủ lực của Lâm Đồng là cà phê, xuất khẩu sang Hà Lan năm 2023 chỉ chiếm 2,5% và 7 tháng đầu năm 2024 là 0,01% trong tổng giá trị xuất khẩu cà phê toàn tỉnh.
Tổng lãnh sự Daniel Stork trao vật phẩm lưu niệm cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S |
Hiện, trên địa bàn Lâm Đồng, có 3 dự án của các nhà đầu tư Hà Lan đang hoạt động gồm Dự án Khu nghiên cứu và sản xuất hạt giống của Tập đoàn Tài chính Bejo Finance B.V với tổng vốn đăng ký 257 tỷ đồng tại huyện Lâm Hà; Dự án nông nghiệp Inova Đà Lạt của Công ty TNHH nông nghiệp Inova Đà Lạt với tổng vốn đăng ký 134 tỷ đồng tại huyện Di Linh và Dự án Trạm nghiên cứu phát triển Rijk Zwaan Việt Nam của Công ty TNHH Rijk Zwaan Việt Nam với tổng vốn đăng ký 100 tỷ đồng tại huyện Đơn Dương.
Ngoài ra, có 3 dự án của Công ty TNHH Dalat Hasfarm thực hiện đầu tư tại thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương và Lâm Hà. Đây là Công ty có vốn đầu tư từ Hà Lan qua Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI - British Virgin Islands) vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2.973 tỷ đồng.
Hiện, cũng có 1 nhà đầu tư Hà Lan đăng ký góp vốn trong doanh nghiệp với số vốn góp 16,53 tỷ đồng, chiếm 100% vốn điều lệ.
Lâm Đồng hiện cũng có 2 tổ chức Phi chính phủ nước ngoài của Hà Lan thực hiện 3 chương trình - dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh gồm Tổ chức Netherlands Development Organisation (SNV/Hà Lan) với Dự án Cà phê nông lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng cho REDD+ (Café-REDD) ở tỉnh Lâm Đồng (pha mở rộng) trên địa bàn huyện Lạc Dương với tổng vốn tài trợ 573.497 USD, tương đương 13,330 tỷ đồng.
Tổ chức Stichting IDH Sustainable Trade Initiative (IDH/Hà Lan) đang thực hiện Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và An sinh xã hội tại 2 huyện Lạc Dương và Di Linh với tổng vốn tài trợ 603.384 USD, tương đương 14,2 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao vật phẩm lưu niệm cho bà Ingrid Korving - Tham tán Nông nghiệp Hà Lan thuộc Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam trong buổi làm việc |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các công ty nhập khẩu tại Lâm Đồng thường nhập các chủng loại giống hoa từ Hà Lan như lily, hoa hồng, cẩm chướng, hồng môn, tulip, đồng tiền, thủy tiên, thược dược, cẩm tú cầu, loa kèn, kỳ lân, mai địa thảo, hoa lan dạ hương... với số lượng trung bình từ 30 triệu đến 40 triệu củ, cây, ngọn cành, hạt hàng năm…
Ngoài ra, hàng năm các doanh nghiệp tại Lâm Đồng còn nhập khẩu các chủng loại rau như cà chua, ớt ngọt, hành tây, dưa leo, xà lách... với số lượng từ 300 - 500 kg hạt giống.
Về du lịch, Lâm Đồng là địa phương được du khách Hà Lan rất ưa chuộng, thị trường Hà Lan là 1 trong 10 thị trường khách quốc tế đến tỉnh Lâm Đồng nhiều nhất trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, lượng du khách Hà Lan đến Lâm Đồng vẫn chưa nhiều, trong năm 2023, có 7.040 lượt khách Hà Lan đến Lâm Đồng, chỉ chiếm 1,76% tổng lượng khách du lịch quốc tế.
Các thành viên của đoàn Hà Lan cùng lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tại buổi làm việc |
Trao đổi với ông Tổng Lãnh sự và các thành viên trong đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã đề cập đến một số trọng tâm để phát triển quan hệ hợp tác giữa tỉnh và Vương quốc Hà Lan trong thời gian đến, tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp (giống hoa, công tác quản lý nhà kính), du lịch, văn hóa (việc tổ chức lễ hội hoa tại Đà Lạt).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong buổi gặp cũng ngỏ lời mời gọi các nhà đầu tư Hà Lan tiếp tục đầu tư vào Lâm Đồng và cho biết trong thời gian sắp đến, Lâm Đồng sẽ có một đoàn đại biểu sang Hà Lan để tham dự các hoạt động tại nước này, tham khảo các mô hình tiên tiến về nông nghiệp công nghệ cao cũng như để mời gọi đầu tư vào Lâm Đồng.
Ông Daniel Stork - Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh trong buổi tiếp đã bày tỏ sự cảm ơn và ủng hộ của Lâm Đồng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Hà Lan các doanh nghiệp Hà Lan làm ăn tại Lâm Đồng có cơ hội phát triển.
Ông cho biết Hà Lan là nước đầu tư dẫn đầu trong khối Liên minh châu Âu tại khu vực Đồng Nam Á; trong đó, có Việt Nam. Chuyến thăm và làm việc của ông cùng đoàn trong dịp này cũng nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của Lâm Đồng sang Hà Lan trong thời gian đến.
Trao đổi tại buổi làm việc, bà Ingrid Korving cho rằng Lâm Đồng cần làm tốt việc bảo vệ bản quyền giống hoa hơn nữa để tạo môi trường tốt cho các nhà đầu tư Hà Lan tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng.
Còn trong lĩnh vực du lịch, Tổng lãnh sự Daniel Stork cho rằng Lâm Đồng - Đà Lạt có ưu thế về thiên nhiên, khí hậu, con người với một lượng khách du lịch rất lớn đến tỉnh và thành phố hằng năm và 2 bên rất có điều kiện để phát triển du lịch để du khách Hà Lan đến Việt Nam, đến Đà Lạt.
Nhưng ông cũng gợi ý rằng Lâm Đồng – Đà Lạt bên cạnh việc phát triển, hiện đại hóa thành phố cần chú trọng hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, phát triển một thành phố xanh, nhiều cây xanh, hướng đến một nền kinh tế du lịch lâu dài và bền vững hơn,
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin