An Nhơn hôm nay, nông thôn mới kiểu mẫu mai sau

ĐÔNG ANH 13:27, 18/10/2024

(LĐ online) - Cờ, hoa và cánh đồng nếp quýt xanh mướt trải dài là hình ảnh dễ bắt gặp trong những ngày này khi đến xã An Nhơn – xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Đạ Tẻh. Những hình ảnh đó không chỉ là sự tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã An Nhơn nói riêng và cả huyện Đạ Tẻh nói chung, mà còn nhắc nhớ đến một hành trình 40 năm vượt khó của vùng đất này để tạo dựng được diện mạo khang trang như ngày hôm nay.

Tiết mục đàn Tính, hát Then - một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày trình diễn tại Lễ kỷ niệm
Tiết mục đàn Tính, hát Then - một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày trình diễn tại Lễ kỷ niệm

Trong diễn văn do đồng chí Lưu Văn Phượng – Chủ tịch UBND xã An Nhơn đọc tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập xã diễn ra sáng nay 18/10, có rất nhiều con số chi tiết và ấn tượng được trình bày, thể hiện sự đổi thay của vùng kinh tế mới – nơi những người con đất võ An Nhơn, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định vào lập nghiệp cách đây gần nửa thế kỷ để vun đắp quê hương mới phát triển khá toàn diện như ngày nay.

Có lẽ, nhiều người sẽ người sẽ bật cười khi nghe những con số: “máy cày, máy kéo lớn (4 bánh) 70 cái, máy cày nhỏ 300 cái, máy gặt đập liên hợp 10 cái, máy phát cỏ 305 cái, máy bơm nước 320 cái, máy phun thuốc 473 cái, máy say xát 9 cái” trong một diễn văn đọc tại một sự kiện lớn như thế này của xã.

Thế nhưng, đó là những con số ấn tượng và có ý nghĩa đặc biệt đối với những người đã gắn bó với vùng đất này từ những ngày đầu. Bởi lẽ, nếu không có cơ giới, máy móc thì không thể có vùng lúa An Nhơn trù phú như ngày nay.

.
Cụ Lương Mậu Trân, một trong những người có mặt từ những ngày đầu ở vùng kinh tế mới An Nhơn, phát biểu tại Lễ Kỷ niệm

Trong trí nhớ của cụ Lương Mậu Trân (88 tuổi, một trong những người có mặt từ những ngày đầu ở vùng kinh tế mới An Nhơn), cách đây 40 năm, An Nhơn là vùng rừng núi hoang vu, địa hình có nơi đầm cỏ lau, có nơi đồi dốc không bằng phẳng và là vùng đất mới nên đường sá khi ấy chỉ là những lối mòn hoặc đường khai thác lâm sản.

Người dân muốn mua bán hàng hóa, thăm khám sức khỏe, trẻ em muốn tới trường học đều phải đi bộ từ xã ra trung tâm huyện. Khi đó, thu nhập bấp bênh, đời sống không ổn định, nhân dân trong xã hầu như ai cũng trải qua căn bệnh sốt rét. Nhiều hộ đã không trụ lại được nên rời bỏ nơi này để đi nơi khác hoặc về lại quê sinh sống.

Thế nhưng, cũng có nhiều hộ bám trụ lại và cùng với các hộ khác từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn… di dân đến chọn vùng đất An Nhơn vào những năm 1990 - 1995 để cùng xây dựng quê hương thứ 2 của mình.

.
Đồng chí Lưu Văn Phượng – Chủ tịch UBND xã An Nhơn trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm

40 năm với 6 kỳ Đại hội Đảng bộ, 8 kỳ bầu cử HĐND và UBND, xã An Nhơn hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2024 đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm. Đời sống Nhân dân được nâng cao với tỷ lệ hộ khá, hộ giàu cao, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 1,6%, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn nông thôn mới là 95%, tỷ lệ hộ có xe máy đi lại đạt 95%, 100 hộ có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ hộ có điện lưới đạt 100%, tỷ lệ hộ dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%.

Chỉ với những con số về đời sống Nhân dân như thế đã cho thấy sự phát triển khá toàn diện của xã An Nhơn. Bởi lẽ, chỉ khi hệ thống chính trị thực sự vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm thì mới có thể đem lại đời sống ấm no và hạnh phúc cho người dân như thế.

Những ngày đầu thành lập vào năm 1984, xã An Nhơn khi đó có khoảng 400 hộ dân với gần 1.400 người đi là người dân của huyện An Nhơn, Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đi kinh tế mới theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước. Đến nay, An Nhơn đã có 968 hộ dân với 4.300 người, gồm các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Mạ, Hoa, Dao chung sống hoà thuận với nhau như anh em một nhà, cùng nhau xây dựng quê hương An Nhơn ngày càng phát triển. Để đến năm 2015, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và sau đó 5 năm, năm 2020, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Việt – Bí thư Huyện Đạ Tẻh phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Sự đổi thay của xã An Nhơn trong 40 năm qua được đồng chí Nguyễn Mạnh Việt – Bí thư Huyện Đạ Tẻh ghi nhận trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm: Sau 40 năm xây dựng và phát triển, đời sống Nhân dân đến nay có sự phát triển mọi mặt. Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, đã đưa xã An nhơn trở lành vựa lúa của huyện; hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng lên hàng năm. An Nhơn là 1 trong những xã ở tốp đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, các sản phẩm OCOP của xã đã được tập trung xây dựng như gạo, rượu nếp quýt, các sản phẩm thủ công từ tre tầm vông đã được quảng bá, tiêu thụ trên thị trường.

Các đại biểu và người dân tham dự Lễ kỷ niệm
Các đại biểu và người dân tham dự Lễ kỷ niệm

Bên cạnh phát triển về kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân rất đa dạng, có nét văn hóa truyền thống của đất võ Bình Định, văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc, văn hóa đồng bào Tây Nguyên, mà những dịp lễ hội chúng ta đã được chứng kiến, hội tụ nên những nét phong phú của đời sống văn hóa các vùng miền của huyện Đạ Tẻh.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn thể hiện tỉnh thần trách nhiệm cao, triển khai thực hiện tốt các chủ trương của đảng, chính sách của Nhà nước trên địa bàn xã. Với nhiều kết quả nổi bật, Đảng bộ xã nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, được tặng danh hiệu thi đua lao động suất sắc và cờ thi đua của UBND tỉnh các năm 2010, năm 2020, năm 2022.

.
đồng chí Lê Thanh Tùng – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Trong hành trình phát triển của mình, ngoài sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành tại địa phương, bà con nhân dân xã An Nhơn luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của lãnh đạo huyện An nhơn, nay là thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đến dự Lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Thanh Tùng – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến sự đổi thay toàn diện của vùng đất An Nhơn. Đồng chí cũng chia sẻ sự đổi thay của thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay và bày tỏ: Trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển xã An Nhơn, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thị xã An Nhơn luôn dõi theo, các thế hệ cán bộ lãnh đạo luôn trân trọng khắc ghi tình cảm đồng bào, đã thường xuyên cử những đoàn công tác vào thăm động viên bà con nhân dân.

“Khi nhắc đến 2 tiếng quê hương, ai trong mỗi chúng ta, những người con quê hương An Nhơn dù ở phương xa, làm bất cứ việc gì cũng luôn hướng về nguồn nguồn cội và tự hào về mảnh đất thân yêu có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá” – đồng chí chia sẻ và bày tỏ mong muốn bà con sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, lao động, học tập và công tác để xây dựng cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương thứ hai, xã An Nhơn ngày càng phát triển toàn diện.

.
Khen thưởng các tập thể có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã An Nhơn

Bước sang chặng đường phát triển mới, xã An Nhơn nói chung và huyện Đạ Tẻh nói riêng sẽ bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã An Nhơn phải luôn chủ động tiếp cận, linh hoạt, sáng tạo đón nhận những cơ hội mới, cũng như giải quyết kịp thời những khó khăn thách thức đặt ra.

Để làm được điều này, theo Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh Nguyễn Mạnh Việt, ngoài chú trong công tác xây dựng Đảng thì xã An Nhơn cần tập trung khai thác tối đa các nguồn lực, phát huy lợi thế của địa phương, là xã thuần nông, do vậy cần có các giải pháp cụ thể để xây dựng xã theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các vùng miền trên địa bàn xã…

.
Khen thưởng các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã An Nhơn

40 năm – một hành trình khá dài để định hình và khẳng định tên tuổi An Nhơn tại vùng đất mới. Những kết quả đạt được trong hành trình đó chính là nền tảng, là cơ hội để An Nhơn tiếp tục phát triển toàn diện trong thời gian tới, mà trước mắt là xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (về lĩnh vực y tế). Điều này rất cần sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp Nhân dân trong toàn xã.

Xin mượn lời của bạn Âu Thị Lan Anh, bày tỏ sự quyết tâm đóng góp công sức của thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên ngay tại vùng đất An Nhơn, nhưng cũng là kỳ vọng về sự phát triển phồn thịnh của xã An Nhơn mai sau, để khép lại bài viết này: Thế hệ trẻ hôm nay sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng lòng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gương mẫu, tiên phong tham gia tích cực vào các phong trào thiết thực; tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hướng tới mục tiêu xây dựng xã An Nhơn trở thành một trong những xã phát triển bền vững.

Vùng đất An Nhơn có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với các huyện lân cận trên cao nguyên Bảo Lộc.
Tháng 3/1979, huyện Đạ Huoai được thành lập, xã An Nhơn thuộc xã Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai. 
Đến năm 1984, thực hiện Quyết định số 38-HĐBT ngày 06/3/1984 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân vạch địa giới xã thuộc tỉnh Lâm Đồng, chia xã Đạ Tẻh thành 3 đơn vị hành chính, lấy tên là thị trấn Đạ Tẻh, xã Hà Đông và xã An Nhơn thuộc huyện Đạ Huoai. 
Ngày 19/4/1984, UBND lâm thời của xã xã An Nhơn được thành lập, địa bàn hành chính được chia thành 7 thôn. 
Tháng 6/1986, huyện Đạ Tẻh được thành lập, xã An Nhơn thuộc về huyện Đạ Tẻh. 
Từ chỗ ban đầu chỉ có những hộ dân kinh tế mới của huyện An Nhơn, Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), đến những năm 1990-1995, một số bà con người Tày, người Nùng và một số dân tộc khác của các tỉnh phía Bắc đã đến xã An Nhơn lập nghiệp, xây dựng quê hương mới. 
Đến nay, sau 40 năm xây dựng và phát triển, xã An Nhơn ngày càng khang trang giàu đẹp, cuộc sống của người dân ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.