Kỳ 3: Đáp ứng yêu cầu ngành, lĩnh vực có lợi thế
(LĐ online) - Mục tiêu chung của Nghị quyết số 20 – NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về “đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng không ngừng được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, trong tâm là cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển dịch vụ, du lịch chất lượng cao và phát triển công nghiệp có thế mạnh...” Theo đó đặt ra những mục tiêu đến năm 2025 đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành nghề mà tỉnh có lợi thế.
Tính đến tháng 9 năm 2024 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 24.670 lượt lao động |
Như chúng ta đã biết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2020 – 2025 của UBND tỉnh Lâm Đồng thể hiện quan điểm phát triển, đó là: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển du lịch chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt thành trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học.
Từ hoạch định đường hướng phát triển nêu trên, do đó trong thời gian qua việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không tách rời nhu cầu lao động của những ngành có lợi thế của tỉnh mà hai trong số khu vực được quan tâm phát triển nguồn nhân lực đó là nông nghiệp, nông thôn và du lịch, dịch vụ, góp phần đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu chung về lao động mà Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy vạch ra.
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ KẾ HOẠCH ĐỀ RA
Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện khảo sát, đánh giá, xác định nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu và trình độ nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực, địa phương và xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành, lĩnh vực, địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển những ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. Triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động, đặc biệt là lao động trẻ tiếp cận nhu cầu thực tế của thị trường lao động và định hướng tham gia cơ hội học tập, nâng cao nguồn nhân lực phù hợp, gắn với cơ hội việc làm.
Bên cạnh đó, định hướng các ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, chú trọng những ngành nghề để phát triển công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch và một số ngành, lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh có thế mạnh. Thường xuyên rà soát, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển và nhu cầu thị trường; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và nâng cao năng suất lao động...Ngoài ra Lâm Đồng còn sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng bảo đảm tinh gọn, phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực từng ngành, lĩnh vực; song song với việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước thực hiện đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...
Tâp huấn kỹ thuật trông dâu nuôi tằm cho đồng bào dân tộc thiểu số |
QUAN TÂM KHU VỰC CÓ LỢI THẾ
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, các sở ngành chức năng luôn quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc cập nhật ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển giao đến nông dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực cho hợp tác xã nông nghiệp và cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp nông thôn. Các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; quy trình điều tra dự tính dự báo sâu bệnh hại cho nông dân; thông qua hướng dẫn khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất tiên tiến cho nông dân; đào tạo, phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp; hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm, triển khai trình diễn các mô hình sản xuất mới đã được ngành Nông nghiệp thường xuyên nghiên cứu, triển khai và chuyển giao cho nông dân...
Mặt khác, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ và tổ chức đào tạo nghề ở khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt trên 78%, tỷ lệ lao động có bằng cấp đạt 22,5%. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao không ngừng được phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, lao động chất lượng cao trong ngành nông nghiệp - sinh học chiếm khoảng 13% trong tổng số nguồn nhân lực chất lượng cao toàn tỉnh, tạo động lực để phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Tương tự, Lâm Đồng cũng thực hiện phát triển nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ bảo đảm cơ cấu hợp lý về số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập. Đáng chú ý, sau khi đại dịch COVID -19 được kiểm soát, ngành Du lịch phục hồi và liên tục duy trì mức tăng trưởng trở lại nên đến nay đã thu hút và tạo việc làm cho khoảng 13.500 lao động bao gồm lĩnh vực lưu trú 8.900 người; lữ hành, hướng dẫn và vận chuyển khách 1.650 người; khu, điểm du lịch 2.950 người. Trong đó có 83% lao động trực tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ, chất lượng nhân lực du lịch từng bước được nâng cao. Quan tâm hỗ trợ công tác đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng quản lý cho cán bộ và người lao động phục vụ trong ngành du lịch theo hướng đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều khoá tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch nhằm góp phần quảng bá điểm đến và hình ảnh du lịch địa phương; tăng cường các hình thức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn giúp lao động du lịch gián tiếp trở thành những người lao động du lịch bán chuyên nghiệp.
Ngoài ra còn tổ chức 32 lớp truyền dạy cồng chiêng với 960 học viên; trong đó có 360 là thanh, thiếu niên, con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh theo “Đề án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Tổ chức 17 khoá tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về lễ tân, buồng, phòng, hướng dẫn viên tại điểm, hướng dẫn viên du lịch thể thao mạo hiểm, lái xe và nhân viên phục vụ trên phương tiện thuỷ nội địa vận chuyển khách du lịch cho 960 lao động đang kinh doanh trên lĩnh vực dịch vụ du lịch...
Hướng dẫn làm du lịch cộng đồng cho ba con đồng bào dân tộc thiểu số Đam Rông |
VÀ NHỮNG KẾT QUẢ
Theo dự thảo báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy, kết quả thực hiện lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 82%, so với nghị quyết từ 85 - 86,5%; trong đó, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 23,7%. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi đến là 0,53%; trong đó, khu vực thành thị 1,04%. Và nếu như năm 2023, giải quyết việc làm cho 25.600 lượt lao động, đạt 102,4% so với kế hoạch kinh tế - xã hội do UBND tỉnh giao và ước đến hết năm 2024 giải quyết việc làm 26.000 lượt lao động, đạt 100% so với kế hoạch kinh tế - xã hội do UBND tỉnh giao. Bên cạnh đó, thu hút khoảng 13.500 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch dịch vụ; trong đó, có 83% lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Hiện có 86,3% số người dân trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và đạt 62% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành nông, lâm nghiệp – tương đương 57.080 người trên 92.066 người lao động.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin