Bài dự thi Giải báo chí về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn lần thứ II, năm 2023 - 2024:
Để có nguồn nhân lực chất lượng (kỳ 2)

XUÂN TRUNG - TUẤN LINH 08:29, 27/10/2024

Kỳ 2: Giáo dục, y tế được tăng cường

 

(LĐ online) - Có lẽ hai lĩnh vực y tế và giáo dục chiếm số lượng nhiều nhất trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Vì vậy, thông qua chất lượng tuyển dụng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua Lâm Đồng đã xây dựng được lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và y tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học khen thưởng học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học khen thưởng học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới

Cũng cần nói thêm, trong thời gian qua các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực được Lâm Đồng đẩy mạnh. Đồng thời ký kết nhiều chương trình hợp tác với một số trường đại học trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các trường đại học tổ chức các lớp sau đại học tại tỉnh. Mặt khác, thực hiện nghị quyết của Trung ương và các bộ luật hiện hành liên quan đến CBCCVC, Lâm Đồng tiến hành tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt...

PHÁT TRIỂN ĐỘI CÁN BỘ QUẢN LÝ VÀ GIÁO VIÊN VƯỢT MỤC TIÊU

Điểm đáng ghi nhận là trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Theo thống kê đến nay, đội ngũ viên chức trong ngành giáo dục hiện có 18.073 viên chức trên tổng số 19.420 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hàng năm đội ngũ giáo viên từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở được quan tâm thực hiện nâng trình độ đạt chuẩn theo quy định của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái đáng trống khai giảng năm học mới
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái đánh trống khai giảng năm học mới

Vì vậy, đến nay, đội ngũ quản lý và giáo viên mầm non đạt chuẩn 94,01% - tương đương 5.025/5.346 trổng số giao viên mầm non, trong đó 71,42% đạt trên chuẩn. Tương tự, giáo viên tiểu học có trình độ đạt chuẩn - nghĩa là trình độ đại học đạt 90,65% trong tổng số 5.773 giáo viên tiểu học, vượt 5,25% so với nghị quyết; 95,30% trong tổng số 4.927 giáo viên trung học cơ sở có trình độ đạt chuẩn, trong đó 3,3% giao viên trên chuẩn vượt so với nghị quyết 5,3% và 1,8%. Đáng chú ý, có tới 19,63% trong tổng số 2.888 giao viên trung học phổ thông có trình độ thạc sĩ trở lên, vượt 6,63% so với nghị quyết. Bên cạnh đó giáo viên các trường cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên hiện đạt 68,8% - tương đương 150 người, vượt 8,8% và 95,24% giảng viên Trường Chính trị có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên, vượt 5,24% so với mục tiêu Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy... 

Theo đánh giá, nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được quan tâm thực hiện với số lượng giáo viên, giảng viên đạt chuẩn, trên chuẩn cũng như trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên đều vượt mục tiêu đề ra.

Chất lượng dạy và học của Lâm Đồng ngày càng được nâng cao
Chất lượng dạy và học của Lâm Đồng ngày càng được nâng cao

TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, SAU ĐẠI HỌC NGÀNH Y NGÀY CÀNG TĂNG

Lâm Động xác định đào tạo là giải pháp cơ bản để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CBCCVC ngành Y tế. Qua đó, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân, ngành Y tế đã tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế ở trình độ trung cấp lên trình độ đại học; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức y tế tuyến cơ sở có đủ năng lực chuyên môn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy cơ bản đảm bảo các mục tiêu mà Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy đề ra.

Theo dự thảo báo cáo sơ kết thực hiện Nghị Quyết số 20 của Tỉnh ủy về “đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thì đội ngũ CBCCVC ngành Y tế hiện có 5.669 người bao gồm 50 công chức, 4.003 viên chức, 616 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ và hỗ trợ phục vụ - không bao gồm 675 viên chức thuộc bệnh viện đa khoa - đơn vị tự chủ chi thường xuyên và không được giao số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong đó, toàn tỉnh có 962 bác sĩ, 138 dược sĩ đại học, 1.228 điều dưỡng, 647 hộ sinh, kỹ thuật và 1.694 người thuộc các chuyên ngành khác.

Triển khai kỹ thuật tim phổi nhân tạo cứu sống bệnh nhân tại Bênh viên Đa khoa Lâm Đồng
Triển khai kỹ thuật tim phổi nhân tạo cứu sống bệnh nhân tại Bênh viên Đa khoa Lâm Đồng

Chỉ tính từ năm 2022 đến tháng 6/2024, ngành Y tế đã tạo điều kiện cho 340 công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bao gồm: 19 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II và tương đương; 117 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I và tương đương; 141 bác sĩ, dược sĩ và tương đương; 42 cao đẳng và 21 trung cấp y. Ngoài ra, toàn ngành còn cử đi bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ cho 1.935 lượt công chức, viên chức.    

Theo thống kê, tính đến thời điểm này, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có bác sĩ thường xuyên công tác tại trạm y tế; 247 trong tổng số 1.110 viên chức là bác sĩ, dược sĩ được đào tạo sau đại học, đạt 22% so với mục tiêu Nghị quyết số 20 đề ra đến cuối năm 2025 là 15%. Đặc biệt, hiện Lâm Đồng  có tỷ lệ 9,04 bác sĩ trên một vạn dân và có 1,49 dược sĩ trên vạn dân, đạt mục tiêu so với nghị quyết đề ra.

Đánh giá của tỉnh cho rằng, chất lượng đội ngũ CBCCVC y tế có những chuyển biến tích cực, trình độ chuyên môn đại học, sau đại học ngày càng tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân.

Tựu trung, với đội ngũ y tế và giáo dục nêu trên, có thể nhận định rằng nguồn nhân lực trong hai lĩnh vực này đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của tỉnh.

(Còn nữa)