Kỳ cuối: Chính sách và lộ trình thực hiện
(LĐ online) - Tinh thần Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy về “đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” nêu rõ quan điểm “Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ thường xuyên và có tính chiến lược lâu dài; là một trong bốn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, trách nhiệm của toàn xã hội”. Để thực hiện tốt nghị quyết này, bên cạnh việc đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cũng cần có cơ chế, chính sách kèm theo để tiếp tục quá trình thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu vào năm 2030.
TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa cho lãnh đạo Trường Đại học Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh chi nhánh tại Đà Lạt nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 - một trong những ngành tỉnh cần thu hút |
Mục tiêu chung mà Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy vạch ra đó là: Phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng không ngừng được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ, du lịch chất lượng cao; phát triển công nghiệp có thế mạnh; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Như chúng ta đã biết, theo dự thảo báo cáo sơ kết Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 16 trong số 27 mục tiêu chi tiết về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) năm 2025 đạt và vượt so với mục tiêu mà Nghị quyết số 20 đề ra. Tương tự, nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các ngành nghề mà Lâm Đồng có lợi thế đã thực hiện đạt và vượt 4/9 mục tiêu. Vì vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy một cách hiệu quả, đòi hỏi nỗ lực cao từ các cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban ngành...và toàn xã hội quan tâm thực hiện, bởi các mục tiêu từ nay đến năm 2030 đặt ra ngày càng cao so với giai đoạn trước.
• MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030
Những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết số 20 đề ra đến năm 2030 bao gồm: Tỷ lệ cán bộ công chức (CBCC) cấp tỉnh có trình độ trên đại học đạt từ 30%, cấp huyện đạt từ 20% trở lên; 100% CBCC cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học. Có từ 15 - 20% số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; có từ 20 - 25% số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện dưới 40 tuổi; 35% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên và 30% cán bộ, công chức cấp xã và 25% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3. Có 70% viên chức và 60% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên.
Đến năm 2030 có 35% cán bộ công chức cấp tỉnh - tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi - đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên |
Kế đến, có 90% giáo viên mầm non có trình độ đào tạo trên chuẩn (trình độ đại học trở lên). 100% giáo viên tiểu học có trình độ đạt chuẩn (trình độ đại học), trong đó 2% giáo viên có trình độ trên chuẩn (trình độ thạc sĩ trở lên); 100% giáo viên trung học cơ sở có trình độ đạt chuẩn, trong đó 3% giáo viên có trình độ trên chuẩn và phấn đấu có 15% giáo viên trung học phổ thông đạt trình độ thạc sĩ trở lên.
Riêng đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh 100% có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên, trong đó 100% cán bộ lãnh đạo - quản lý; 50% lãnh đạo khoa, 50% lãnh đạo phòng quản lý đào tạo - nghiên cứu khoa học và mỗi khoa chuyên môn có ít nhất 01 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ; 100% giảng viên Trường Chính trị tỉnh có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Về lĩnh vực y tế, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ công tác thường xuyên tại trạm; có 9 - 9,5 bác sĩ/vạn dân; 1,2 - 1,5 dược sĩ đại học/vạn dân; 18% viên chức là bác sĩ, dược sĩ được đào tạo sau đại học.
Thu hút trên 20.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch; trong đó có 90% lao động trực tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ; 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu. Cuối cùng là có khoảng 65% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành nông nghiệp
• CHÍNH SÁCH THU HÚT, ĐÀO TẠO, HỖ TRỢ
Một trong những động lực để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đó là việc đề ra những chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực chất lượng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng không chỉ đến cột mốc thời gian Nghị quyết số 20 hướng tới mà còn đặt ra nền tảng cho những năm sau này.
Vì vậy, Nghị quyết số 263/2023/NQ - HĐND được HĐND tỉnh ban hành đã đề ra những quy định về “chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030”, trong đó quy định phạm vi điều chỉnh được áp dụng đối với “các cơ quan Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Lâm Đồng”. Qua đó áp dụng đối với những người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức thuộc tỉnh Lâm Đồng có học hàm, học vị, trình độ đào tạo bao gồm: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II; thạc sĩ các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú; đại học các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút.
Đáng chý ý, gần đây, UBND tỉnh Lâm Đồng bàn hành Quyết định số 1149/QĐ - UBND thực hiện “Đề án thu hút, đào tạo, công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030” chính thức có hiệu lực từ tháng 7 năm 2024. Quyết định này nhằm cụ thể hóa nhóm nhiệm vụ, giải pháp về “xây dựng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” theo tinh thần Nghị Quyết số 20 của Tỉnh ủy cũng như Nghị quyết số 263 của HĐND tỉnh.
Đánh giá thực trạng, hạn chế trong việc tuyển dụng công chức, viên chức trong những năm gần đây, UBND tỉnh cho biết, tỷ lệ tuyển dụng đạt thấp so với chỉ tiêu tuyển dụng và có chiều hướng giảm dần, nhất là đối với một số ngành, chuyên ngành đào tạo như bác sĩ, công nghệ thông tin, quy hoạch đô thị, xây dựng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học....
Ngành xây dựng, kiến trúc là một trong các ngành khó tuyển dụng trong thời gian qua. Trong ảnh Ban Giám hiệu Trường Đại học Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh tặng giấy khen cho sinh viên có thành tích học tập suất xắc nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 |
Do đó, mục tiêu chung của đề án tập trung vào “chú trọng, trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh dịch vụ du lịch, triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá về nâng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Theo đó đề án đề ra mục tiêu cụ thể thu hút 355 chỉ tiêu bao gồm: 13 tiến sĩ, 08 bác sĩ chuyên khoa cấp II và dược sĩ chuyên khoa cấp II; 19 thạc sĩ các ngành, nhóm ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút; 12 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú; 140 bác sĩ, 163 đại học các ngành, nhóm ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút.
Tiền hành đào tạo đối với 578 CBCCVC gồm: 32 tiến sĩ, 70 bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa II, 178 thạc sĩ các ngành, nhóm ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm; 220 bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú; 30 đại học các ngành, nhóm ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm.
Từ nay đến năm 2030, Lâm Đồng thu hút 163 CBCCVC trình độ đại học các ngành, nhóm ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm mà tỉnh đang thiếu |
Việc ban hành đề án thu hút, đào tạo CBCCVC tỉnh đến năm 2030 được xem là bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Bởi trong giai đoạn 2022 – 2024, nếu như Lâm Đồng chỉ bố trí nguồn kinh phí thu hút, hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực hết sức hạn hẹp là 8.550 triệu đồng thì từ nay đến năm 2030, tỉnh bố trí trên 265,3 tỷ đồng phục vụ công tác thu hút, đào tạo và xây dựng đội ngũ CBCCVC chất lượng, đáp ứng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng trong tình hình mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin