(LĐ online) - Chiều 15/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết: Nhờ can thiệp tim mạch cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực thành công, một bệnh nhân bị ngừng tim, nguy cơ tử vong rất cao, đã được cứu sống.
Bệnh nhân Vương Xuân H. và ê-kíp can thiệp tim mạch cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chụp hình lưu niệm vào ngày xuất viện |
Vào ngày 13/9, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiếp nhận bệnh nhân Vương Xuân H. (54 tuổi). Khi đang ở nhà, bệnh nhân đột nhiên xuất hiện đau tức ngực trái dữ dội, được người nhà đưa vào viện.
Khi bệnh nhân vào đến cửa cấp cứu thì có biểu hiện gồng cứng người, ngừng tim. Ngay lập tức, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiệp đang trực cấp cứu đã tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản thở máy, sau cấp cứu 5 phút bệnh nhân có nhịp tim trở lại.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân vẫn không ổn định, xuất hiện liên tục nhịp tim nhanh, rung thất (một trong những biến chứng nguy hiểm của tim mạch, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được xử trí đúng, kịp thời). Do đó, bệnh nhân được xử trí sốc điện liên tục khoảng 15 lần kèm xoa bóp tim ngoài lồng ngực và thở máy.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim tối cấp vùng trước rộng, biến chứng rung thất, ngưng tim. Ê-kíp can thiệp tim mạch cấp cứu (gồm 2 bác sĩ tim mạch can thiệp, 1 bác sĩ gây mê và 2 điều dưỡng) do Bác sĩ Phạm Vũ Thanh kích hoạt và có mặt đầy đủ sau 10 phút. Sau khi tiến hành các thủ thuật chuyên môn, ê-kíp phát hiện bệnh nhân bị hẹp 2 nhánh mạch vành nên đã đặt 2 stent trên động mạch liên thất trước và động mạch mũ.
Sau khi được xử trí cấp cứu, tình hình của bệnh nhân có cải thiện hơn và được chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng vẫn còn nặng, mê, thở máy qua nội khí quản được theo dõi sát, điều trị tích cực.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được ngưng thở máy, rút nội khí quản. Sau 11 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã được xuất viện trong sự vui mừng của người thân.
Theo Bác sĩ Phạm Vũ Thanh, bệnh nhân được cứu sống và có chất lượng cuộc sống tốt sau can thiệp mạch vành là nhờ được đưa vào viện kịp thời, nếu vào viện chậm sau 3 - 5 phút bệnh nhân có thể dẫn đến tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy. Nhờ ê-kíp Đơn vị Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng qua 9 năm hoạt động và tiến hành can thiệp cấp cứu cho hàng ngàn bệnh nhân, đã thành thạo, nắm chắc kỹ thuật cao này nên đã tiến hành nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Bên cạnh đó, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc luôn được Bệnh viện quan tâm đầu tư về máy móc, trang thiết bị và con người, giúp bệnh nhân hồi phục tốt sau quá trình cấp cứu ngừng tim và đặt stent.
Được biết, Đơn vị Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng được thành lập từ tháng 9/2015. Sau 1 năm được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định và Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, ê-kíp đã nắm vững kỹ thuật, tự triển khai thực hiện.
Tính đến tháng 9/2024, Đơn vị Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã chụp mạch vành cho 3.961 bệnh nhân, can thiệp mạch vành cho 2.533 ca; trong đó, có nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch, bệnh nhân là du khách trong và ngoài nước được can thiệp cấp cứu kịp thời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin