Chuyển đổi số Lâm Ðồng: Khi xu thế thành thực tế

DIỄM THƯƠNG 06:07, 07/10/2024

Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Lâm Đồng, phía quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều đã và đang vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất. Thời gian qua, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, khắp các địa phương, từ thành thị đến nông thôn, hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người".

Trung tâm Phục vụ hành chính công Lâm Đồng
Trung tâm Phục vụ hành chính công Lâm Đồng

XẾP THỨ HẠNG 16/63

Thực hiện kết nối với Cổng quốc gia để đánh giá theo thời gian thực Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Đến tháng 8, tỉnh Lâm Đồng được đánh giá 81,71 điểm, xếp loại khá, vị thứ 16/63 tỉnh, thành.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng (trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Lâm Đồng theo quy định tại Quyết định số 468, ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính) hoạt động tại địa chỉ https://dichvucong.lamdong.gov.vn/ đã được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp. Hoàn thành việc kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu theo quy định.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 468, ngày 27/3/2021 phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 3563 để triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2021-2025. 

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo dễ sử dụng, thân thiện với người dùng ngày 20/3/2023 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1995 về khắc phục những tồn tại hạn chế nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó xác định 4 nhóm nhiệm vụ cần triển khai bao gồm: Công tác tham mưu chỉ đạo (7 nhiệm vụ); Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước (5 nhiệm vụ); Kết nối, chia sẻ dữ liệu (7 nhiệm vụ); Nhân lực (4 nhiệm vụ). Nội dung kế hoạch đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

Từ tháng 4/2019, tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu triển khai thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh sang Bưu điện thực hiện theo Quyết định số 644, ngày 22/3/2019 của UBND tỉnh.

Thời gian qua, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch, đến nay đã đạt một số kết quả: Định kỳ hàng tháng, tổ chức tiếp, làm việc và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; Chuyển giao cho Bưu điện thực hiện việc tiếp nhận, số hóa và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện. Kết quả là số lượng nhân sự giảm trong khi chất lượng phục vụ tại Bộ phận Một cửa tăng, đã triển khai đồng bộ các giải pháp về số hóa để xây dựng kho dữ liệu cá nhân có thể liên thông nhiều hệ thống tạo thuận lợi cho người dân, doanh nhiệp trong thực hiện dịch vụ công. 

Ứng dụng quét mã vạch (QR Code) để tra cứu các nội dung, thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên các thiết bị điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành  chính. Theo hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) đến 15/8/2023, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tỉnh Lâm Đồng đã đạt tỉ lệ 71%.

• CHUYỂN ĐỔI HIỆU QUẢ

Để bước vào giai đoạn 3 - phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025. Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và nghị quyết của Tỉnh ủy, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức triển khai, nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu về đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đẩy mạnh cải cách nội bộ trong các cơ quan nhà nước về cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục phát huy kết quả đạt được và triển khai các nội dung đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh: nâng cấp hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh; triển khai Kho số hoá; thực hiện số hoá hồ sơ, thanh toán trực tuyến; chuẩn hoá, đồng bộ dữ liệu theo thời gian thực với hệ thống đánh giá giải quyết thủ tục hành chính của Chính phủ, Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến: đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tuyên truyền phù hợp với tình hình địa phương...

Có thể khẳng định, tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính đã và đang chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội. Từ phong trào, xu thế này đã xuất hiện nhiều đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến Lâm Đồng nói riêng.