(LĐ online) - Đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể hóa các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược Phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch của UBND tỉnh nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt tại các trường cao đẳng trong tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, quá trình chuyển đổi số tại các trường vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Bảng thông minh được trang bị tại Trường Cao đẳng Đà Lạt giúp người dạy và người học có thể tương tác trực tiếp lên bảng |
• NHỮNG THÁCH THỨC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Lâm Đồng CÓ 4 trường cao đẳng (Cao đẳng Đà Lạt, Cao đẳng Du lịch, Cao đẳng Y Lâm Đồng và Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Bảo Lộc) đóng vai trò quan trọng trong giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực có kỹ năng cho tỉnh và các vùng lân cận.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp tại Lâm Đồng ngày càng nâng cao. Năm 2023, tỷ lệ người học có việc làm sau khi tốt nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 94% đối với trình độ cao đẳng, 82% đối với trình độ trung cấp.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cũng quan tâm đến công tác chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. “Trong năm 2023, Sở đã tổ chức 9 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 2 lớp dành cho cán bộ quản lý, 7 lớp cho nhà giáo, với tổng số 309 người tham gia” - Ông Nguyễn Trọng Tạo - Phó trưởng Phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp cho biết.
Các trường cao đẳng đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai hoạt động trên nền tảng số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và đánh giá. Để tăng cường hiệu quả chỉ đạo, các trường đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do hiệu trưởng đứng đầu; đồng thời, cũng chú trọng phát triển năng lực số cho nhà giáo và cán bộ quản lý thông qua các buổi tập huấn do Bộ chủ quản hoặc Sở tổ chức.
Ngoài ra, các trường thực hiện đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, nâng cấp hạ tầng, nền tảng và học liệu số. Hệ thống cơ sở dữ liệu đang được đầu tư theo lộ trình cụ thể để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, với phần mềm quản lý đào tạo được áp dụng rộng rãi. Thông tin về học sinh, sinh viên và cán bộ được lưu trữ khoa học và quản lý theo quy định.
Quá trình quản lý và quản trị số đang từng bước cải thiện, giúp lưu trữ văn bản và thông tin hiệu quả hơn. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn cải thiện chất lượng đào tạo.
Website Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng |
Quá trình chuyển đổi số đã tác động lớn đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thay đổi cách thức quản lý và dạy học từ truyền thống sang môi trường số. Nhiều dự án đã được triển khai tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhưng quá trình này vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Một số cán bộ quản lý và nhà giáo vẫn chưa thích nghi với công nghệ mới, trong khi một số sinh viên vẫn quen với phương thức đào tạo truyền thống.
Việc phát triển công nghệ mới trong đào tạo và quản lý chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các trường chưa có học liệu E-learning và thư viện số còn hạn chế; nhiều trường, như Trường Cao đẳng Đà Lạt chưa có phòng dạy trực tuyến.
Bên cạnh đó, nhà giáo thiếu kỹ năng cần thiết để tổ chức giảng dạy hiệu quả trong không gian ảo, trong khi học sinh, sinh viên cũng hạn chế về tính chủ động và sáng tạo.
ThS. Nguyễn Văn Tới - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, cho biết: “Chuyển đổi số trong trường vẫn còn nhiều rào cản, bao gồm nhận thức của viên chức, người lao động và hạ tầng hạn chế”.
“Nhiều trường đã sử dụng các công cụ và hệ thống công nghệ khác nhau, nhưng không tích hợp được, tạo ra sự không đồng bộ trong tổ chức, chẳng hạn phần mềm quản lý sinh viên, nhân sự, học phí... chưa đồng bộ, hoặc chưa khai thác hiệu quả...” - ThS. Trương Duy Việt - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Ứng dụng công nghệ Trường Cao đẳng Đà Lạt chia sẻ.
Vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp hiện chưa được quy định rõ ràng trong tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. ThS. Đỗ Thị Trúc Lan - Trưởng phòng Kiểm định và Đảm bảo chất lượng Trường Cao đẳng Đà Lạt, cho biết: Mặc dù đã có đề xuất gửi tới Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc đưa chuyển đổi số vào tiêu chuẩn kiểm định, nhưng đến nay, điều này vẫn chưa được thực hiện cụ thể. Chính vì vậy, có thể ảnh hưởng đến động lực chuyển đổi số trong các trường cao đẳng.
Phần mềm Quản lý đào tạo (OneUni) Trường Cao đẳng Đà Lạt |
• CẦN ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG
Để các trường cao đẳng giáo dục nghề nghiệp tại Lâm Đồng không bị tụt lại phía sau trong bối cảnh chuyển đổi số, thiết nghĩ các trường cần triển khai đồng bộ các giải pháp khoa học và thực tiễn theo kế hoạch UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Một là, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý và nhà giáo về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số. Sử dụng các kênh truyền thông hiện đại như mạng xã hội, hội thảo trực tuyến để tiếp cận đối tượng rộng rãi. Đưa nội dung về chuyển đổi số vào chương trình nâng cao năng lực chuyên môn cho nhà giáo và học sinh, sinh viên, giúp họ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Hai là, hoàn thiện cơ chế chính sách. Căn cứ Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và kế hoạch triển khai chuyển đổi số của tỉnh, các trường cần rà soát và ban hành các văn bản quy định rõ ràng về chuyển đổi số, đặc biệt chú trọng mục tiêu chất lượng về chuyển đổi số cho các phương thức dạy học trực tuyến và công nghệ giáo dục.
Từ đó, xây dựng lộ trình đầu tư cho quá trình chuyển đổi số theo kế hoạch của tỉnh, cụ thể đến năm 2025: 100% trường cao đẳng trong tỉnh sẽ số hóa quá trình học tập và kết quả học tập, tích hợp dữ liệu trên nền tảng số; ứng dụng nền tảng số để hỗ trợ dạy học trực tuyến và phát triển kho học liệu số dùng chung cho toàn ngành và quốc tế; các trường cao đẳng chất lượng cao sẽ có hạ tầng số, kết nối với nền tảng giáo dục nghề nghiệp quốc gia và tích hợp năng lực số trong chương trình đào tạo.
Ba là, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật. Sở Lao động Thương binh và Xã hội là đầu mối xây dựng Trung tâm Dữ liệu giáo dục nghề nghiệp hiện đại, kết nối các hệ thống dữ liệu giữa các trường, cơ quan quản lý và thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Các trường cũng cần đầu tư vào thiết bị thực tập, phòng học thông minh và công nghệ thực tế ảo (VR, AR) để cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập.
Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng số và phương pháp dạy học mới cho nhà giáo, giúp họ ứng dụng và khai thác công nghệ trong giảng dạy hiệu quả. Các trường cũng nên xây dựng đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và an ninh mạng, để hỗ trợ các nhà giáo khác trong giảng dạy.
Năm là, huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư và phát triển các ứng dụng công nghệ trong trường, hình thành mô hình “doanh nghiệp trong trường”. Tăng cường hợp tác quốc tế và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cho hoạt động chuyển đổi số, từ đó tạo nguồn lực dồi dào cho việc triển khai các dự án công nghệ.
Sáu là, tích hợp hệ thống công nghệ. Từng bước xây dựng và phát triển các phần mềm nhằm đồng bộ hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập. Nâng cấp các thiết bị và hệ thống hiện có để phù hợp với công nghệ mới; đồng thời, đào tạo cán bộ quản lý sử dụng hiệu quả các hệ thống này.
Phần mềm Thu học phí PMT-EMS ở Trường Cao đẳng Đà Lạt chưa tích hợp với Phần mềm OneUni |
Có thể nói, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với phương pháp truyền thống.
“Chuyển đổi số cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Việc tích hợp công nghệ số giúp học viên trang bị kỹ năng hiện đại như trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây; đồng thời, khuyến khích học tập suốt đời.
Các nền tảng trực tuyến hỗ trợ học tập linh hoạt và tăng cường tương tác, trong khi chuyển đổi số cải thiện công tác quản lý, giảm chồng chéo công việc và thuận lợi cho kiểm định chất lượng. Do đó, các trường cần xây dựng hệ sinh thái số đồng bộ và nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, nhà giáo.
Đồng thời, đề xuất Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần thiết lập một bộ tiêu chí rõ ràng và chi tiết về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá về hạ tầng công nghệ, quản lý số, phương pháp giảng dạy và khả năng tiếp cận của học sinh, sinh viên…” - ThS. Trương Duy Việt chia sẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin