LTS: Năm 2024, chuyển đổi số vẫn là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Lâm Đồng đã và đang đi đúng hướng với các trọng tâm về thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng và bắt đầu chuyển tiếp sang giai đoạn toàn trình. Trong đó, chuyển đổi số, đã mang lại lợi ích rất rõ cho người dân từ vùng nông thôn đến thành thị trên miền đất Nam Tây Nguyên.
Bài 1: Số hóa nông thôn từ “Dân vận khéo”
Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội Lâm Đồng tập trung đổi mới công tác dân vận gắn với chuyển đổi số theo hướng khoa học, dân chủ, trọng dân. Từ đó khơi dậy khát vọng vươn lên, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân mà ở đó “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.
Dịch vụ công trực tuyến tại huyện Đam Rông |
• CHÍNH QUYỀN SỐ - VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ
Đầu tháng 10 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông bàn giao Mô hình dân vận khéo “Chuyển đổi số - vì Nhân dân phục vụ” tại xã Đạ Ròn, Tu Tra và Lạc Xuân, huyện Đơn Dương. Đây là mô hình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024 và mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm triển khai, hỗ trợ các ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy các giải pháp giúp người dân tham gia chuyển đổi số; tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội tại các địa phương.
Từ 20/8- 30/9, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với 3 doanh nghiệp VNPT Lâm Đồng, Mobifone Lâm Đồng, Viettel Lâm Đồng và các tổ công nghệ số cộng đồng đã triển khai Mô hình “Chuyển đổi số - vì Nhân dân phục vụ” gồm các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt hằng ngày của người dân được xây dựng và phát triển trên nền tảng số, như vận hành, chuyển giao quản lý 24 camera an ninh tại các điểm trọng yếu; lắp đặt, bàn giao đường truyền internet, thiết bị phát wifi tại hội trường 37 thôn thuộc địa bàn 3 xã; phát 450 bảng mi-ca gắn mã QR phục vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các cơ sở kinh doanh và quầy hàng của tiểu thương các chợ; phát 30 nghìn tờ gấp tuyên truyền về an toàn giao thông, cảnh báo các hành vi lừa đảo trên môi trường mạng, phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng, chống rác thải nhựa; trang bị máy bấm số tự động và máy tính tại Bộ phận Một cửa, phục vụ tra cứu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến...
Hào hứng chia sẻ, chị Ma Ny (xã Tu Tra) cho biết: Từ khi có chuyển đổi số, chúng tôi không cần đi xa để làm các dịch vụ công, vừa tiện lợi lại được tiếp cận công nghệ nên bà con rất ủng hộ. Sắp tới chúng tôi đóng tiền học cho con, đóng tiền điện đều qua điện thoại, số hóa bây giờ đã quen thuộc với người dân chúng tôi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương cho biết: Khi triển khai mô hình, bà con Nhân dân xã Đạ Ròn rất tích cực tham gia.
Sau khi hoàn thiện quy trình kích hoạt định danh cá nhân, công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 có thể thay thế thẻ căn cước công dân và các loại giấy tờ, như: Giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế... Thực hiện các giao dịch về tài chính nhanh gọn, tiết kiệm thời gian đi lại, như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, công dân có thể tự tra cứu thông tin về nơi cư trú hiện tại, thông tin thành viên trong hộ gia đình; phản ánh, kiến nghị về tình hình an ninh, trật tự, tố giác, tin báo về tội phạm... Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trên các tuyến đường trục chính của xã, của thôn và các điểm trọng yếu về an ninh trật tự lắp đặt hệ thống camera. Đồng thời thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ Viettel Money để người dân có thể nạp/rút/chuyển tiền và sử dụng các dịch vụ tài chính khác.
Đáng chú ý là việc thực hiện Mô hình dân vận khéo “Tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số” từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Về phát triển hạ tầng số trong xây dựng nông thôn mới, Đảng uỷ, UBND huyện đã tạo kênh giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền và người dân thông qua zalo OA, fanpage UBND các xã. Các tiêu chí về độ phủ của mạng băng rộng cáp quang, số người trưởng thành có điện thoại, số hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng đều đạt tỉ lệ cao và đáp ứng bộ tiêu chí đã đề ra. Cùng với đó nhiều nhà văn hoá thôn cũng được đảm bảo có mạng wifi miễn phí...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Trần Hùng Dũng, hòa cùng xu hướng chuyển đổi số hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội ở Đơn Dương tập trung đổi mới công tác dân vận gắn với chuyển đổi số theo hướng khoa học, dân chủ. Qua đó, nâng cao công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng phát triển của tỉnh, khơi dậy khát vọng vươn lên, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Hướng dẫn người dân dùng VNeID tại huyện Đơn Dương |
• LAN TỎA DÂN VẬN KHÉO SỐ
Qua thực tế, kinh nghiệm thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên nền tảng số ở Lâm Đồng rất hiệu quả, bởi cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu nhận thức đúng vai trò, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên đối với công tác dân vận, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao của Nhân dân.
Ban Dân vận các cấp, các ngành, đoàn thể tích cực đổi mới công tác dân vận theo xu hướng chuyển đổi số, tuyên truyền, nhân rộng mô hình, điển hình dân vận khéo hiệu quả. Qua đó, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, tìm hiểu đời sống công nhân lao động để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết. Nhận thức về chuyển đổi số từ lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương đến người dân, doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn. Bên cạnh, chất lượng cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được nâng dần qua các năm, các quy trình bảo đảm nguyên tắc đơn giản, công khai, đúng luật, nhanh chóng.
Phát huy vai trò dân vận trong công tác bảo vệ môi trường; xây dưng đô thị văn minh, nông thôn mới nâng cao - kiểu mẫu; công tác dân vận chính quyền, cải cách hành chính, Ban Dân vận các cấp trong tỉnh chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, tìm hiểu đời sống công nhân lao động để tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền quan tâm giải quyết. Đồng thời, tích cực đổi mới công tác dân vận theo xu hướng chuyển đổi số; nhân rộng mô hình, điển hình dân vận khéo - Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Ông Lê Thanh Liêm- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai xây dựng mô hình xã thông minh, để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã. "Xã thông minh" trong chiến lược Chuyển đổi số quốc gia nói chung, cũng như xây dựng nông thôn mới nói riêng, nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”. Bên cạnh đó, chuyển đổi số tại các xã nông thôn mới góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng công nghệ số để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng internet. Việc xây dựng xã thông minh hay chuyển đổi số cấp xã là nhu cầu cấp thiết, trong đó lấy “người dân làm trung tâm”, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa nông thông và thành thị thôn qua việc ứng dụng công nghệ số để mang lại nhiều tiện ích, phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân ở các làng, xã giàu có hơn, hạnh phúc hơn.
Bài học, kinh nghiệm trong triển khai thí điểm chuyển đổi số từ cấp xã thời gian qua, đó là công nghệ, kinh phí là điều quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định, mà điều quan trọng là phải có quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là người đứng đầu phải vào cuộc cùng đồng hành. Do đó, dân vận khéo trong số hóa đóng vai trò then chốt để công cuộc chuyển đổi số gần dân hơn.
Thấm nhuần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, dân vận khéo ở Lâm Đồng đang bước vào một giai đoạn mới mang tính thời đại đó là chuyển đổi số. Công tác dân vận gắn với các mô hình sáng tạo, đổi mới ở cơ sở vô cùng quan trọng, nhất là khâu tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, áp dụng các mô hình đòi hỏi dân vận không chỉ khéo mà còn phải đổi mới, phù hợp đặc điểm, tình hình dân cư, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, phù hợp yêu cầu của thời đại số.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin