Công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch

QUỲNH UYỂN 08:30, 19/10/2024

(LĐ online) - Ngày 18/10, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Hồ An Phong và Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tại điểm cầu Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của Đà Lạt có sức hấp dẫn du khách
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của Đà Lạt có sức hấp dẫn du khách

PHÁT TRIỂN DU LỊCH XỨNG TẦM VỚI TIỀM NĂNG 

Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm 7 nội dung chính là: Phạm vi quy hoạch; quan điểm phát triển; mục tiêu; định hướng phát triển; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện.

Theo đó, năm 2025, ngành du lịch phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới.

Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới, đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP.

Quy hoạch tổ chức không gian du lịch Việt Nam gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống 61 khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Đồng thời, Quy hoạch cũng nêu rõ công tác tổ chức, phát triển hệ thống doanh nghiệp du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, các danh mục dự án ưu tiên đầu tư.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở Lâm Đồng từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Ảnh chụp tại Nhà Văn hóa xã Pró, huyện Đơn Dương

PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ SỞ VĂN HÓA QUỐC GIA ĐỒNG BỘ, HIỆN ĐẠI, BẢN SẮC

Hội nghị cũng công bố Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của nhân dân; phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao.

Mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bao gồm các cơ sở: Bảo tàng; thư viện; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; trung tâm văn hóa trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật; làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa; di sản thế giới và di tích quốc gia đặc biệt; trụ sở cơ quan về văn hóa, thể dục thể thao.

Mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia bao gồm các cơ sở: Trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; trung tâm hoạt động thể thao; cơ sở dịch vụ thể thao và cơ sở chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên; cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao.

Đà Lạt với nhiều loài hoa đặc trưng, được mệnh danh Thành phố Festival Hoa Việt Nam và năm trong Nhóm 5 Thành phố Festival ấn tượng châu Á

Hội nghị nhận được 9 ý kiến phát biểu của các tỉnh, thành: Hà Nội, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Nghệ An…; qua đó, khẳng định đây là quy hoạch có tầm nhìn, có tính chiến lược, là cơ sở pháp lý để quy hoạch, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của thiết chế văn hóa thể thao trong đời sống xã hội.

Đồng thời cho thấy, các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn hóa, thể thao đang dần được hoàn thiện. Hệ thống văn hóa thể thao từ tỉnh, thành đến phường xã, thôn, tổ dân phố từng bước được xây dựng, nâng cấp, cải thiện, phát huy hiệu quả, làm nền tảng phát triển văn hóa, thể thao cơ sở, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Các ý kiến còn gợi mở, đề xuất các giải pháp quan trọng để triển khai có hiệu quả các Quy hoạch phù hợp với từng địa phương, vùng miền, theo từng lĩnh vực.

Các hoạt động thể dục thể thao quần chúng góp phần phát huy hiệu quả các thiết chế

 LÂM ĐỒNG: BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng hiện có 2 thiết chế văn hóa, thể thao quy mô quốc gia là Khu liên hợp Văn hóa Thể thao tỉnh (Phường 7, Đà Lạt) và Khu khảo cổ Cát Tiên nằm trong Danh mục thuộc mạng lưới quy hoạch thiết chế văn hoá, thể thao quốc gia.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng đồng bộ, khang trang từ tỉnh tới cơ sở; từ thành thị tới nông thôn.

Cấp tỉnh gồm: Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật, Nhà Văn hoá Lao động - Thể thao thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh…

Cấp huyện có 11/12 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, có 3 nhà thi đấu đa năng trên 1.000 chỗ ngồi.

Cấp xã, phường, thị trấn: Toàn tỉnh hiện có 137/142 thiết chế văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 93% với quỹ đất xây dựng trên 53.000 m2.

Cấp thôn, tổ dân phố có 1.321/1.367 thôn, tổ dân phố có thiết chế văn hóa - thể thao đạt tỷ lệ 88,6%; trên 1.000 sân tập thể thao đơn giản; 12 thư viện huyện, 28 thư viện xã.

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024 có chủ đề Hoa Đà Lạt  - Bản giao hưởng sắc màu

Du lịch Lâm Đồng liên tục được đánh giá cao tại nhiều cuộc bầu chọn và đạt được nhiều giải thưởng quốc tế. Năm 2023, Đà Lạt được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo về âm nhạc và luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, phát triển du lịch ở Lâm Đồng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đang đứng trước những thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn các di sản và sự đa dạng của văn hóa, với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững.

Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau: Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và tiến độ thực hiện, đánh giá kết quả từng giai đoạn.

Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh; rà soát, xây dựng, điều chỉnh nội dung các quy hoạch, dự án trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch. Hướng dẫn các huyện, thành phố chủ động bố trí quỹ đất phù hợp để thu hút đầu tư du lịch, công trình thiết chế văn hoá, thể thao. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào quá trình thực hiện Quy hoạch.

Bảo tồn bản sắc văn hóa tạo sản phẩm du lịch độc đáo

• HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC, THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Để thực hiện tốt nội dung hai quy hoạch, biến khát vọng, tầm nhìn thành hiện thực, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đề nghị các tỉnh, thành, các cơ quan đơn vị cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Quy hoạch đến mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.

Các cấp, các ngành triển khai phối hợp thực hiện đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, vừa đảm bảo Quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực của từng địa phương, đơn vị.

Cần chủ động nghiên cứu sửa đổi các chính sách đã ban hành phù hợp với Quy hoạch; đề xuất ban hành mới các cơ chế chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển.

Đánh giá mức độ thiết yếu, xác định ưu tiên đầu tư các công trình, dự án theo đúng định hướng Quy hoạch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thực sự có hiệu quả thiết thực. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành; tăng cường bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn lực văn hóa, thể thao và du lịch.