(LĐ online) - Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gần như mọi tiện ích trong cuộc sống của người dân thôn Phi Có (xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông) đã được đáp ứng. Với việc xây dựng mô hình thôn thông minh, người dân trong thôn đã dần chủ động trong việc thực hiện chuyển đổi số, từ đó mang lại cơ hội bình đẳng về tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Việc được trang bị hạ tầng, kỹ thuật để xây dựng thôn thông minh trên địa bàn thôn Phi Có, xã Đạ Rsal đã từng bước đưa vùng nông thôn xa xôi dần trở nên hiện đại. Đồng thời, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, xây dựng nông thôn trở thành một miền quê đáng sống.
Ban Nhân dân thôn thông báo, trao đổi công việc với người dân thông qua điện thoại thông minh |
“Ban đầu hơi ngượng tay nhưng bây giờ chúng tôi dùng đã quen rồi, tiện lợi vô cùng. Chỉ với 1 cái điện thoại thông minh là có thể nắm bắt được mọi thông tin, thực hiện nhiều dịch vụ rất tiện ích” - ông Vũ Trọng Tuyên chia sẻ.
Đối với người nông dân đã 70 tuổi như ông Tuyên, cuộc sống giờ đây đã thuận tiện, tiết kiệm được nhiều thời gian so với trước. Nhờ có công nghệ thông tin mà ông đã có thể kịp thời nắm bắt khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật tình hình giá cả nông sản mỗi ngày. Thêm vào đó, mọi thông báo, văn bản của địa phương đều gửi qua nhóm zalo, ông Tuyên và mọi người đều dễ dàng trao đổi trong các cuộc họp thôn, xã.
Ở Đam Rông, xã Đạ Rsal là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ. Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền từ xã đến thôn đã lãnh đạo Nhân dân tận dụng lợi thế này để đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, mở rộng các loại hình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ngày càng cao của Nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, mang lại nhiều tiện ích thiết thực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Người dân sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến trong việc mua bán hàng hóa |
Ông Đỗ Hoàng Nhân – Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal cho biết, khi triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh tại Phi Có, việc đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân. Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã trực tiếp đến từng nhà hướng dẫn. Dẫu vậy, thời gian ban đầu thực hiện còn tương đối khó khăn bởi nhiều người còn e ngại khi tiếp cận với những cái mới, nhất là việc liên quan đến công nghệ, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Tuy nhiên, khi nhận thấy những thay đổi cũng như tiện dụng trong việc ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống thì người dân nhanh chóng thích nghi. Mỗi người được hướng dẫn sử dụng các loại ứng dụng, tài khoản trực tuyến để thanh toán các hóa đơn, chi trả các loại phụ cấp, tiến đến không dùng tiền mặt.
“Giờ mọi thứ từ nhận trợ cấp, thanh toán dịch vụ đến mua bán hàng hóa hầu hết đều được người dân sử dụng qua các ứng dụng, gần như chẳng cần phải giữ nhiều tiền mặt trong người. Nhà mình buôn bán, kinh doanh nên nếu có việc gì liên quan đến giấy tờ đều phải lên UBND, nhất là những việc liên quan đến đất đai phải chạy đi chạy lại rất nhiều lần. Gần đây có sử dụng VNeID cũng như các ứng dụng trực tuyến, cần gì chỉ vài thao tác là xong, đỡ được rất nhiều công”, chị Hồng Hoanh, người dân thôn Phi Có chia sẻ.
Người dân sử dụng ứng dụng VNeID để giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công |
Tổng số hộ dân trên địa bàn thôn Phi Có là 426 hộ với 1.624 khẩu. Trong đó, qua kiểm tra, rà soát trong Nhân dân, số hộ dân có sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên hoặc có sử dụng máy tính kết nối Internet thường xuyên là 420/426 hộ, chiếm tỉ lệ khoảng 98,59%.
Địa bàn thôn Phi Có và tất cả các thôn trên địa bàn xã đều có Internet cáp quang băng rộng và đặc biệt tại các điểm công cộng và các khu vực thuộc đơn vị hành chính như: Trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, chợ, các hàng quán… đều có lắp đặt wifi miễn phí.
Hệ thống camera giám sát và loa phát thanh được lắp đặt tại các khu vực trọng yếu |
Ông Nguyễn Ngọc Vương - Trưởng thôn Phi Có, đồng thời là Tổ phó Tổ công nghệ số cộng đồng cho biết, hiện nay, hầu hết các giấy mời, thông báo họp hành của thôn đều đã được thực hiện trên nhóm zalo. Ban Nhân dân thôn không còn phải gửi giấy mời hay tới tận nhà để thông báo từng nội dung, từng cuộc họp như trước.
Bà con cũng có thể phản hồi, góp ý các nội dung một cách nhanh chóng, kịp thời và minh bạch thông tin. Những người “vác tù và” ở thôn nhờ vậy mà tiến hành công việc thuận lợi hơn.
Hiện nay, trên địa bàn xã hệ có tổng 14 camera giám sát được lắp đặt tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, chợ Đạ Rsal, nhà văn hóa xã và tại các tuyến đường trọng yếu, liên thôn, liên tỉnh…
Hệ thống camera an ninh trên địa bàn được kết nối wifi, hoạt động 24/24 giờ giúp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thôn. Cùng với đó, người dân có thể tương tác, trao đổi, phản ánh các thông tin bổ ích về khoa học - kỹ thuật, cơ chế, chính sách...; đồng thời kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống do có wifi miễn phí.
Mỗi hộ dân trong thôn đều có ít nhất một người có sử dụng tài khoản của các ngân hàng, qua đó tỷ lệ hộ dân sử dụng thanh toán trực tuyến tiền điện, học phí, mua hàng online, chuyển khoản khi mua hàng và đặc biệt thanh toán phí, lệ phí khi giải quyết thủ tục hành chính đều thanh toán trực tuyến đạt 100%... Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên địa bàn thôn Phi Có 244/426 hộ, đạt từ 57,27% trở lên.
Thôn Phi Có có nhiều đổi thay từ khi triển khai xây dựng Mô hình thôn thông minh |
“Thời đại công nghệ 4.0 được xem là cuộc cách mạng mang đến nhiều cơ hội phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tận dụng những cơ hội đó, trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn thông minh đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt của nông thôn một cách hiệu quả và bền vững” - ông Đỗ Hoàng Nhân – Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal khẳng định.
Tháng 8/2024, xã Đạ Rsal đã công bố quyết định công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số. Trong thời gian sắp tới, không riêng thôn Phi Có mà sẽ nhân rộng mô hình thôn thông minh ra các thôn còn lại trên địa bàn xã Đạ Rsal. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp các nhà văn hóa, trang bị wifi miễn phí, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tạo thói quen và thay đổi tư duy từ trong chính mỗi người dân, góp phần thực hiện thành công mô hình thông minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin