Những năm qua, công tác xây dựng xã hội học tập được huyện Di Linh thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở và gắn chặt với các mục tiêu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.
Huyện Di Linh đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng xã hội học tập theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất |
Để thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, Huyện ủy Di Linh đã tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác này. Từ đó chỉ đạo các đơn vị liên quan, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tầm quan trọng của khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn.
Đồng chí K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Di Linh cho biết: Lãnh đạo huyện đã tiến hành thành lập, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 từ cấp huyện đến cấp xã; các thành viên Ban Chỉ đạo làm đầu mối quản lý công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong triển khai nhiệm vụ này.
Huyện ủy, UBND huyện Di Linh cũng đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trực thuộc tích cực triển khai công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác giáo dục; mạng lưới giáo dục công lập trên địa bàn huyện không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh thông tin.
Thống kê của UBND huyện Di Linh cho thấy, toàn huyện hiện có 70 trường mầm non, tiểu học, tiểu học - trung học cơ sở, trung học cơ sở; 6 trường trung học phổ thông và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Các cơ sở giáo dục tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục, khai thác có hiệu quả tài nguyên giáo dục mở, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá trong các cơ sở giáo dục.
Di Linh hiện có trên 183 chi hội khuyến học thôn, tổ dân phố; 24 chi hội khuyến học đồng hương, 8 chi hội khuyến học dòng họ; 82 chi hội khuyến học trường học, 19 hội khuyến học xã, thị trấn... với trên 43.000 hội viên (tăng 1.229 hội viên so với năm 2019). Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương này, hiện một số xã có tỷ lệ hội viên cao như: thị trấn Di Linh và các xã Gia Hiệp, Hoà Trung, Tân Lâm, Tân Thượng, Gung ré, Hoà Ninh. Công tác củng cố, phát triển mạng lưới tổ chức Hội Khuyến học các cấp trong các cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đã đảm bảo quy mô, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học huyện Di Linh cũng đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình học tập như: Công dân học tập (năm 2023, huyện có 41.000 người được công nhận công dân học tập), dòng họ học tập, hội đồng hương học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập cấp xã...
Các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường và các thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng hoạt động hiệu quả. Cụ thể, năm 2022, UBND huyện Di Linh đã tổ chức 7 mô hình điểm tại trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) các xã: Gia Hiệp, Tân Thượng, Tân Lâm, Hoà Trung, Hoà Ninh, Đinh Lạc, Đinh Trang Thượng. Theo đánh giá của địa phương này, các TTHTCĐ đã tổ chức được những hoạt động học tập thiết thực mang lại hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội học tập của địa phương. Từ năm 2023, UBND huyện Di Linh tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình học tập tại các TTHTCĐ trên địa bàn toàn huyện. Đến năm 2024, huyện Di Linh có 19/19 xã, thị trấn thành lập TTHTCĐ kết hợp mô hình nhà văn hóa. Các TTHTCĐ duy trì tốt hệ thống quản lý, tổ chức khảo sát nhu cầu học tập, hằng năm thu hút trên 23.000 lượt người tham gia học tập.
Công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ được duy trì vững chắc và từng bước nâng cao hiệu quả; tính đến năm 2023, 100% xã/thị trấn duy trì vững chắc kết quả đã đạt được về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và PCGD tiểu học mức độ 3; 19/19 xã/thị trấn đạt chuẩn PCGD mức độ 2; 100% xã/thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Để có được những kết quả trên, thời gian qua, lãnh đạo huyện Di Linh luôn quan tâm, chỉ đạo công tác giáo dục trên địa bàn huyện, tạo cơ chế đầu tư tài chính cho công tác học tập ngoài nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo Hội Khuyến học huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, phát động Phong trào thi đua Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, hàng năm, huyện Di Linh cũng huy động nguồn đóng góp, ủng hộ, tài trợ cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên 12 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Dù là địa phương thuộc vùng ít thuận lợi, cơ hội để hợp tác quốc tế về đào tạo và đầu tư cho giáo dục còn nhiều khó khăn, hạn chế, tuy vậy, với sự nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, trong 5 năm qua, đã có các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho ngành Giáo dục huyện như: Quỹ đầu tư Costa Foundation - Vương Quốc Anh đầu tư 2 công trình trường học (Trường Mẫu giáo Tân Lâm, Mầm non Hòa Trung) với kinh phí trên 10 tỷ đồng; tổ chức Room to Read đầu tư hệ thống thư viện thân thiện ở 9 trường tiểu học trên địa bàn huyện với kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Xây dựng xã hội học tập là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển. Bởi vậy, huyện Di Linh đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất từng bước thực hiện thành công các mục tiêu: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin