Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 20, ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 20) của huyện Di Linh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Huyện Di Linh tổ chức đối thoại vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên |
Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh thông tin: Địa phương đã bám sát kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với quy định và đặc điểm tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tính đến thời điểm 30/5/2024, ngành Giáo dục, đào tạo huyện Di Linh có 1.902 viên chức quản lý, giáo viên (Chưa bao gồm nhân viên, hợp đồng lao động) ở 3 bậc: Mầm non (409 người), tiểu học (818 người ) và trung học cơ sở (675 người). Công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Giáo dục và đào tạo được huyện Di Linh thực hiện thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng: đạt chuẩn, vượt chuẩn đào tạo, thường xuyên, chuyên đề, triển khai dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới, triển khai nhiệm vụ năm học…
Đối với lĩnh vực y tế, huyện Di Linh hiện có 1 trung tâm y tế và 2 phòng khám đa khoa khu vực, 19 trạm y tế đạt chuẩn của 19 xã, thị trấn; có 35 cơ sở hành nghề y và cơ sở hành nghề dược. Trên địa bàn huyện hiện có 23 bác sĩ chuyên khoa I, 50 bác sĩ đa khoa, 4 dược sĩ chuyên khoa I, 5 dược sĩ đại học, 24 dược sĩ cao đẳng và 66 điều dưỡng. Năm 2022 có 22 người/24 chỉ tiêu được cử, tham gia đào tạo nâng cao chuyên môn với kinh phí 2 tỷ đồng. Năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Di Linh được Sở Y tế phê duyệt đào tạo bằng nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị tổng cộng 14 viên chức. Kết quả thực hiện đạt 92,9%. Tính đến tháng 6/2024, huyện Di Linh đạt tỷ lệ 5,5 bác sĩ/vạn dân. Đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Y tế có bước chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
Trong lĩnh vực văn hoá và thông tin, huyện Di Linh đã thành lập 202 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, tổ dân phố với 1.388 thành viên. Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, năm 2023, UBND huyện Di Linh đã tổ chức 3 đợt tập huấn nhằm nâng cao kiến thức công nghệ thông tin cho các đối tượng là lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai 2 đợt bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; phối hợp với Công ty Cổ phần Học viện trực tuyến Việt Nam cử 103 cán bộ, công chức, viên chức tham gia Chương trình quốc gia về Chuyển đổi số - khóa đào tạo trang bị, kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số toàn diện tại huyện...
Thông tin từ Ban Tổ chức Huyện uỷ Di Linh, đội ngũ cán bộ nữ của địa phương trong những năm gần đây tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch ngày càng tăng. Việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở các cấp chính quyền, đoàn thể tăng lên đã góp phần nâng cao được số lượng, chất lượng, tạo nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Di Linh cũng thông tin thêm về việc địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Bình quân hàng năm có khoảng trên 4.000 lao động được đào tạo và giải quyết việc làm mới cho trên 3.800 lao động.
Để có được con số này, huyện Di Linh đã triển khai linh hoạt nhiều giải pháp. Đơn cử như, năm 2022, huyện Di Linh đã tổ chức phiên giao dịch việc làm tại các xã Đinh Lạc, Đinh Trang Hòa, Tân Lâm, Gung Ré và Gia Hiệp. Mỗi phiên giao dịch đã thu hút sự tham gia của hơn 700 lao động và đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện. Ngoài ra, tại mỗi phiên giao dịch việc làm, các đơn vị liên quan đã phát hơn 25.000 các loại tờ rơi nhằm giúp người lao động và các em học sinh có thời gian nghiên cứu thông tin việc làm, đồng thời cũng truyền tải được thông tin việc làm đến lao động không đến tham gia trực tiếp. Năm 2023, huyện Di Linh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị tư vấn việc làm tại 14 thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thông qua đó bà con đã có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm góp phần nâng cao chất lượng đời sống. Hiện nay, huyện Di Linh cũng đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để triển khai thu thập thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn đang còn nhiều nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi huyện Di Linh cần làm tốt hơn nữa công tác này. Điều này đóng vai trò quyết định cho các mục tiêu phát triển của huyện cả trước mắt và lâu dài.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin