Trong bối cảnh hiện nay, tín dụng chính sách (TDCS) xã hội đã trở thành một nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại Lâm Đồng. Đặc biệt, nguồn vốn này đóng vai trò then chốt trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ các đối tượng yếu thế tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Ông Dương Quyết Thắng |
Thống kê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tới hết tháng 4/2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,16%, tương ứng với 11.345 hộ (gồm 3.912 hộ nghèo, chiếm 1,09% và 7.433 hộ cận nghèo, chiếm 2,07%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số còn 8,75% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh, tương ứng với 7.125 hộ; 109/111 xã trên địa bàn cũng đạt chuẩn nông thôn mới.
Thành quả này có được là nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cùng với đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn TDCS. Sự lãnh đạo chặt chẽ này không chỉ giúp địa phương đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
“Lâm Đồng, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 và 3 năm thực hiện Kết luận 06 của Ban Bí thư, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, phản ánh được thực tiễn, nguyện vọng của Nhân dân, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, ông Dương Quyết Thắng khẳng định.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh về tinh thần, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần "tất cả cùng phát triển", "không ai bị bỏ lại phía sau", cùng chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Những năm qua, tại Lâm Đồng, việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng, là động lực phát triển bền vững của tỉnh nhà. Đặc biệt, ngay cả những lúc gặp thiên tai, dịch bệnh, dòng vốn tín dụng chính sách vẫn được khơi thông chảy về các buôn làng cao nguyên Lâm Đồng. Từ nông thôn đến thành thị, từ vùng sâu đến vùng cao, người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện, đều được tiếp cận với đồng vốn chính sách thuận lợi, kịp thời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin