PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh (lúc ấy là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân) đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng (Liên hiệp Hội) ngay từ ngày đầu thành lập. Sau khi nghỉ hưu, Đại hội nhiệm kỳ III (2007-2012), ông được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp Hội. Ở vị trí nào, ở độ tuổi nào bầu nhiệt huyết trong ông với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cũng luôn sục sôi.
PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, giải pháp thiết thực, hiến kế phát triển KT-XH của tỉnh |
Trên cương vị mới, TS.Nguyễn Mộng Sinh nghĩ ngay đến việc phải làm gì đó vừa tập hợp đội ngũ trí thức, vừa thiết thực giúp ích cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN). Ông thống nhất với Thường trực Liên hiệp Hội mạnh dạn đăng ký thực hiện đề tài “Điều tra đánh giá hiệu quả các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 1996-2005”. Đây là đề tài đầu tiên Liên hiệp Hội chủ trì thực hiện, lại là một đề tài khó vì chưa có tiền lệ để dựa dẫm, tham khảo nên cần đầu tư trí tuệ, công sức, thời gian. Ban Chủ nhiệm đề tài với 6 thành viên do ông làm chủ nhiệm đã xây dựng bản thuyết minh kỹ lưỡng, tập hợp các nhà khoa học, cùng bàn bạc, chia nhóm, phân công làm các phần việc phù hợp với lĩnh vực của từng cá nhân, từng đơn vị thành viên. Hơn 2 năm thực hiện đề tài (2008 - 2009) đã tạo nên không khí sinh hoạt học thuật chưa từng có ở Liên hiệp Hội.
Nhiệm vụ của đề tài đặt ra khá mới mẻ và phức tạp, không liên quan gì đến lĩnh vực vật lý hạt nhân mà ông là chuyên gia đầu ngành. Với một lượng công việc đồ sộ, từ việc phải lựa chọn cách tiếp cận, cách áp dụng các phương pháp khoa học tin cậy, trình tự các bước thực hiện; đến việc đọc lại hơn 200 đề tài, dự án KHCN thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã thực hiện trên địa bàn tỉnh trong 10 năm (1996 - 2005); tiến hành điều tra xã hội học, phân tích đánh giá số liệu thu thập, xử lý các thông tin, kết quả thu được…
Sau gần 3 năm, các nội dung của đề tài đã được thực hiện một cách nghiêm túc, có chất lượng, đầy đủ, trọn vẹn. Thành quả đáng giá nhất gặt hái được là xây dựng, thiết lập được Bộ tiêu chí chung gồm 3 nhóm tiêu chí đánh giá: Giá trị sáng tạo tri thức (tính mới); Giá trị chuyển giao và sử dụng tri thức được sáng tạo (khả năng ứng dụng thực tiễn); Hiệu quả của việc sử dụng kết quả nghiên cứu (hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại). Đây là bộ tiêu chí đầu tiên trong cả nước và cho đến nay vẫn có thể được coi là bộ tiêu chí duy nhất phục vụ cho việc đánh giá hiệu quả của các đề tài, dự án KHCN. Bản “Báo cáo kết quả nghiên cứu” dài 160 trang và “Phụ lục của Đề tài” 230 trang được biên soạn công phu, khoa học như là một bộ tài liệu khoa học có giá trị. Thành quả đạt được có sự đóng góp lớn của PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh.
30 năm, hơn 50 cuộc hội thảo do Liên hiệp Hội tổ chức, ở hội thảo nào PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh đều có bài tham luận chứa đựng hàm lượng khoa học cao. Mỗi tham luận, ông luôn trăn trở, viết nên bằng tất cả hiểu biết, tâm huyết của mình, đi sâu phân tích, giải thích cặn kẽ vấn đề, nêu giải pháp xác đáng. Trong những cuộc tọa đàm, gặp mặt đội ngũ trí thức, mỗi khi được mời phát biểu, ông đều đem hết nhiệt huyết ra để đóng góp ý kiến, chia sẻ những suy ngẫm, nêu những ý tưởng, giải pháp thiết thực. Ông biết những ý kiến vô tư, thẳng thắn của mình đôi khi không “thuận nhĩ” một vài người, nhưng với trách nhiệm của công dân - nhà khoa học, ông muốn đem những kiến thức của mình để xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh tâm sự: “Với vốn tri thức được học, được đọc, được trau dồi, tôi tự thấy mình mắc nợ rất lớn với đất nước. Qua 2 cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, trải hơn 20 năm gian khổ thì 12 năm tôi được sống học tập ở Nga, 5 năm học tập ở Trung Quốc, tôi nghĩ, trong giai đoạn đất nước cam go, thử thách nhất, đau thương nhất, những người cùng thế hệ với mình cầm súng ra trận, đối mặt với quân thù thì mình được đi ăn học tử tế. Nên tất cả những tri thức mình có không còn là của riêng mình nữa, mà là ơn nghĩa của đất nước, khó lòng mà trả hết nợ. Món nợ ân nghĩa đó thôi thúc tôi nêu ý kiến, phát biểu bằng tất cả hiểu biết của mình về từng vấn đề trong các cuộc hội thảo, cuộc gặp mặt, mong muốn cho cuộc sống được tốt đẹp hơn, là cách để tôi trả ơn”.
Ở tuổi 85, thính giác đã suy giảm, PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh vẫn lắng nghe cuộc sống, tích cực tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp mặt; những bài tham luận, những ý kiến đóng góp của ông vẫn luôn thiết thực, minh tường, chặt chẽ, mạch lạc, khúc chiết và tràn đầy nhiệt huyết. Nhìn lại những kỷ niệm đẹp trong suốt 30 năm qua, PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh kỳ vọng thời gian tới Liên hiệp Hội chủ động hơn nữa trong việc chủ trì thực hiện thêm nhiều đề tài, dự án KHCN, tập hợp trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có cái nhìn sâu hơn, phong phú hơn, cùng nghiên cứu, sáng tạo và đưa ra những giải pháp thiết thực có giá trị thực tiễn. Các đơn vị thành viên cần gắn kết hơn nữa, liên minh lại, hợp tác với nhau để xây dựng Liên hiệp Hội vững mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin