Trong năm 2023, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đã vận động tài trợ cho 3.279 hoàn cảnh khó khăn về chi phí chữa bệnh, trợ vốn khởi nghiệp, tặng quà hàng tháng, xây nhà tình thương, hỗ trợ đột xuất... Trong đó, nhiều trường hợp được Hội hỗ trợ từ 100 đến 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng trao 200 triệu đồng cho gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (Đức Trọng) |
Riêng tháng 9/2024, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Chương trình Truyền hình nhân đạo "Khát Vọng Sống" TP Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương huyện Đức Trọng và Cát Tiên tổ chức chương trình trao tài trợ cho 2 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí 400 triệu đồng.
Cụ thể, Chương trình đã trao tài trợ cho gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (ở Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng) và gia đình anh Long Văn Tinh (Tổ dân phố 4, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên), với số tiền và hiện vật mỗi gia đình trị giá trên 200 triệu đồng. Điểm chung của 2 gia đình này là kinh tế dựa vào việc làm thuê với thu nhập không ổn định, gánh nặng bệnh tật, con nhỏ, cha mẹ già…
• Người phụ nữ gánh nặng chồng, con và bệnh tật
Địa chỉ nhà của chị Nguyễn Thị Hạnh ghi số 01, Phi Nôm, Hiệp Thạnh nhưng phải qua mấy con hẻm ngoằn ngoèo mới tìm ra. Đó là căn nhà tôn rộng hơn 30 mét vuông, và vì thương hai vợ chồng nghèo nên người hàng xóm cho thuê với giá 500 ngàn đồng một tháng.
Chị Hạnh năm nay 43 tuổi có chồng là anh Đặng Ánh Ngọc, 39 tuổi. Tha phương lập nghiệp, anh chị từ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh tìm vào khu Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng để làm thuê. Cái nghề cắt hành lá chẳng qua trường lớp đào tạo nào nhưng cứ làm mãi thành quen, vì thế các chủ vườn vẫn ưu tiên gọi hai vợ chồng chị Hạnh đi làm, mỗi tháng hai người kiếm được gần 6 triệu đồng để nuôi ba đứa con ăn học.
Vậy mà bất ngờ tai nạn ập đến, anh Ngọc bị xe tông, chấn thương sọ não phải phẫu thuật lấy máu tụ và trải qua nhiều ca mổ để tạo hình vùng đầu và cổ từ năm 2023 đến nay. Gia đình của anh chị ngoài quê cũng rất nghèo, nghe tin anh Ngọc bị tai nạn, người mẹ của anh Ngọc đã vay mượn gửi vào 80 triệu đồng, anh trai của Ngọc cũng cho mượn 31 triệu đồng để đưa anh Ngọc vào Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật. Các bác sĩ Chợ Rẫy đã cứu sống anh Ngọc nhưng anh phải ngồi xe lăn chứ không thể đi lại được. Thương chồng, chị Hạnh bỏ công ăn việc làm đưa anh đến Bệnh viện Phục hồi chức năng rồi qua Bệnh viện Y học Cổ truyền Lâm Đồng để điều trị với ước mong chồng mình có thể đi lại. Nhưng gần 7 tháng điều trị, tập phục hồi rồi châm cứu, anh Ngọc vẫn phải ngồi trên chiếc xe lăn.
Cha bị tai nạn, mẹ phải đi theo chăm sóc cha gần 8 tháng qua nên đứa con trai đầu là cháu Đặng Thanh Lâm vừa đi học, vừa đi cắt hành thuê lo cho hai đứa em là Đặng Minh Phương và Đặng Thị Kha Hân ăn học. Năm nay, cháu Lâm vào lớp 12, em trai là cháu Phương vào lớp 7, còn cháu bé Kha Hân bước vào lớp 1. Nhà nghèo nhưng ba đứa con của gia đình này đều chịu khó học hành.
Một con mắt của chị Nguyễn Thị Hạnh đã hỏng, con mắt còn lại cũng nguy cơ không nhìn thấy. Bác sĩ nói phải thay giác mạc mới cứu được con mắt này, cái nghề cắt hành lá càng khiến con mắt ấy mờ dần, mờ dần qua ngày tháng.
Dù nghèo nhưng không để các con phải nghỉ học, dù khó nhưng không than thân trách phận, và dù đôi mắt đang mờ dần theo thời gian nhưng chị Nguyễn Thị Hạnh vẫn nỗ lực không ngừng để chăm lo cho chồng, chăm sóc các con. Chén cơm, manh áo, sách vở cho con, thuốc thang điều trị cho chồng và khoản nợ hơn 100 triệu đồng cứ lơ lửng trong đầu của chị.
• Người đàn ông vừa làm cha, vừa làm mẹ
Người xưa nói, con trâu là đầu cơ nghiệp, vậy mà anh Long Văn Tinh (ở Tổ dân phố 4, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) đành bán đi cặp trâu, cơ nghiệp của cả gia đình. Bán trâu không phải để lấy tiền khởi nghiệp mà là để chữa trị căn bệnh ung thư đại tràng cho người vợ là chị Phương Thị Tính, 38 tuổi. Nhưng tiền bán trâu, tiền dành dụm từ việc làm thuê, cuốc mướn và thêm 65 triệu đồng vay mượn khắp nơi cũng chẳng thể cứu được người vợ mà anh Tinh yêu thương. Đó là thời điểm cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 lan tràn.
Vợ mất khi đứa con thứ hai là cháu Long Việt Nữ mới 5 tháng tuổi, đứa con đầu là Long Thị Ngọc Diệp cũng chỉ mới 2 tuổi nên anh Long Văn Tinh phải vừa làm cha, vừa phải làm công việc chăm sóc hai con thơ thay cho vợ mình.
Không chỉ nuôi con, anh Tinh còn phải nuôi bố mẹ già nên anh không thể đi làm xa, chỉ tìm công việc bán thời gian như bốc vác vật liệu xây dựng, nhổ cỏ, bón phân cho các vườn cây khi có người thuê. Thời gian còn lại anh chăm 3 sào ruộng và mấy sào cây điều trên ngọn đồi cao. Mấy năm liền điều chẳng cho trái là bao, còn mảnh ruộng nhỏ cũng chẳng đủ lúa gạo cho 5 miệng ăn.
Căn nhà nhỏ của ba bố con anh Tinh đã xuống cấp trầm trọng, nguy cơ sụp đổ khi mưa gió kéo dài. Bố của anh Tinh đã 77 tuổi và mẹ của anh cũng đã bước vào tuổi 75 nên không thể làm việc nặng, chỉ giúp con mình chăm đàn gà để kiếm vài quả trứng cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Anh Long Văn Tinh ước mơ mua được cặp bò, nuôi thêm vài chục con gà, vịt, cải tạo vườn điều đã quá già cỗi và xây lại ngôi nhà cho lành lặn. Rồi năm nay, hai đứa con vào trường mầm non và mẫu giáo, lại thêm thuốc thang cho cha mẹ già. Tất cả vẫn chỉ là ước mơ của người đàn ông 40 tuổi này vì một mình anh không thể kiếm đâu ra tiền để biến cái ước mơ này thành hiện thực.
Đoàn thiện nguyện của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua con đường lầy lội trong những ngày ảnh hưởng mưa bão nặng nề để đem yêu thương, chia sẻ thêm động lực khát vọng sống đến với các hoàn cảnh này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin