Bài cuối: Vững tin và tự hào
Công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Điều đó không chỉ góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên mà còn từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đảng viên trẻ Ka Thu vừa được kết nạp Đảng vào đầu tháng 9 vừa qua tại Chi bộ tổ dân phố Ka Ming (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) |
• PHÁT TRIỂN ĐẢNG ĐI ĐÔI VỚI NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS
Thôn Đa Bla (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) vừa được chọn xây dựng Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng”. Thôn có hơn 200 hộ đồng bào DTTS sinh sống. Mặc dù ở trên địa bàn có nhiều rừng, nhưng nhiều năm nay, trong thôn không xảy ra tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Gần một nửa số hộ dân thôn Đa Bla tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, vừa có thêm thu nhập vừa nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ rừng.
Để có được kết quả đó, những đảng viên như anh Kon Sa Ha Hoang là một trong những nhân tố điển hình. Vừa là Trưởng thôn, anh Ha Hoang là chi ủy viên của Chi bộ thôn đảm nhận vai trò Tổ trưởng Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng”. Anh chia sẻ: “Mô hình này có nhiệm vụ triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương về công tác phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng đến toàn thể Nhân dân trong khu dân cư; tham mưu cho chi bộ về công tác bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn thôn, làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng tham gia Phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc ở khu dân cư... Đối với đồng bào DTTS, “trăm nghe không bằng mắt thấy”, bởi vậy bà con phải nhìn được việc mình làm trước rồi mới làm theo. Muốn lãnh đạo được quần chúng Nhân dân không có cách nào hiệu quả bằng việc nêu gương, đi đầu trong mỗi việc làm. Qua đó tuyên truyền, vận động bà con làm theo, góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo ổn định đời sống, xây dựng buôn làng, địa phương ngày càng phát triển”.
Đầu tháng 9 vừa qua, đảng viên trẻ Ka Thu vừa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Tổ dân phố Ka Ming (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh), hiện có 10/11 đảng viên là người dân tộc K’Ho tham gia sinh hoạt. Tốt nghiệp đại học ngành Luật, Ka Thu quay trở về quê hương Di Linh, địa phương có số lượng đồng bào DTTS đông nhất tỉnh với mong muốn được cống hiến cho mảnh đất nơi mình sinh ra. Năng nổ, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương; Ka Thu được chi bộ tổ dân phố giới thiệu tham gia học lớp cảm tình Đảng. Sau thời gian nỗ lực phấn đấu, Ka Thu vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành Bí thư Chi đoàn tổ dân phố Ka Ming. “Là một đoàn viên, đảng viên trẻ, phải luôn nêu cao tinh thần xung kích tình nguyện, đi đầu trong mọi phong trào, phát huy, lan tỏa các phong trào đến đoàn viên, thanh niên và người dân để mọi người thấy phong trào đoàn đó là đúng ý nghĩa, tích cực, qua đó góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển”, Ka Thu chia sẻ.
Sinh sống ở vùng DTTS còn nhiều khó khăn, song bằng tinh thần trách nhiệm, tiên phong, lực lượng đảng viên người DTTS luôn nêu gương trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào, góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Họ là người “bắc” những “nhịp cầu” đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với Nhân dân; bồi đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng, là sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc.
Thời gian qua, ngoài việc quan tâm công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, Lâm Đồng còn thực hiện nhiều chương trình, dự án, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giúp nâng cao đời sống cho người dân để họ yên tâm phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hàng năm, trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đều xác định nhiệm vụ trọng tâm, tập trung ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho vùng DTTS, ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện các chính sách về công tác dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các dự án ổn định dân di cư tự do...
Trong 5 năm qua, tổng nguồn lực đầu tư dành riêng cho vùng DTTS tại Lâm Đồng gần 1.265 tỷ đồng. Nhờ nguồn lực này, kinh tế - xã hội vùng DTTS đã có những chuyển biến rõ nét: 100% thôn, buôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 99,8% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào các DTTS giảm bình quân hàng năm từ 2-3%, thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm.
Thanh niên DTTS tham gia nghĩa vụ quân sự là lực lượng tạo nguồn phát triển Đảng trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng |
• CÒN NHỮNG "BÀI TOÁN" PHẢI GIẢI
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên là người DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Chất lượng, nội dung sinh hoạt Đảng nhìn chung còn đơn giản, chậm đổi mới. Việc tổ chức sinh hoạt định kỳ tại một số chi bộ còn gặp khó khăn do có đảng viên đi làm ăn xa, đảng viên ở địa bàn chủ yếu làm nông, có khi đi nương rẫy cả tuần mới về. Vì vậy, các chi bộ phải sắp xếp, bố trí thời gian sinh hoạt vào buổi tối hay vào ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, nguồn phát triển Đảng mới là khó khăn lớn nhất đối với công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS. Đảng viên tại các xã chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ và giáo viên các trường học trên địa bàn. Nguồn quần chúng trong lực lượng này ngày càng hạn chế do sự chuyển dịch cơ cấu lao động, số thanh niên đi học, đi làm tại các địa phương khác chiếm tỷ lệ cao nên khó lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Bên cạnh đó, chất lượng đảng viên mới kết nạp có mặt chưa cao, nhiều người chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở. Việc phối hợp trong công tác tạo nguồn phát triển Đảng chưa được quan tâm đúng mức. Một số cấp ủy hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về chủ trương “không chạy theo số lượng”, một số cấp ủy vẫn còn tư tưởng “dễ làm, khó bỏ”. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; thẩm tra, xác minh còn kéo dài… Một số địa phương có những quần chúng ưu tú, phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong Nhân dân nhưng lại vướng mắc lý lịch chính trị...
Để giải quyết những khó khăn trong xây dựng, phát triển đội ngũ đảng viên vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục bám sát các định hướng về xây dựng tổ chức Đảng, đảng viên nói chung theo Kế hoạch số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 42 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 21, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
Trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nhận thức chính trị, nâng cao trình độ dân trí để quần chúng là người DTTS thấy rõ việc phấn đấu trở thành đảng viên là một vinh dự, trách nhiệm, cơ hội để họ phát triển và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng vùng đồng bào DTTS. Triển khai thực hiện hiệu quả Mô hình "chi bộ bốn tốt", "đảng bộ cơ sở bốn tốt"; xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS...
Cùng với đó, quan tâm công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại chỗ nhằm khuyến khích, động viên quần chúng là đồng bào DTTS có động lực phấn đấu vào Đảng. Đồng thời, tạo việc làm, giữ chân lao động trẻ ở địa phương; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần để người dân phấn khởi, tin tưởng, mong muốn được cống hiến, từ đó tạo nguồn phát triển Đảng một cách bền vững. Có như vậy, những “hạt giống đỏ” trong vùng đồng bào DTTS mới có thể “nảy mầm, ra hoa và kết trái”.
Xây dựng Đảng là vấn đề mang tính lâu dài, trong đó vừa phải xây dựng tổ chức, vừa phải xây dựng con người. Muốn xây dựng Đảng tốt, từng tổ chức tốt trước tiên từng con người phải tốt. Tốt trước hết là ở yếu tố là tự giác, nếu không tự giác sẽ vô cùng khó. Để tăng nguồn phát triển đảng viên là người đồng bào DTTS, bên cạnh lực lượng đoàn viên, thanh niên, lực lượng dự bị động viên, người có uy tín tại các thôn, buôn, giáo viên các trường học trên địa bàn... cần tiếp tục đầu tư cho giáo dục. Ngành giáo dục được đánh giá là môi trường chất lượng để tạo nguồn cho Đảng, trong đó cần chú trọng đầu tư yếu tố con người đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú. Tổ chức Đảng đã, đang và sẽ được bổ sung lực lượng đảng viên có trình độ từ chính cơ sở giáo dục. Giáo dục chính là nơi thắp lên ngọn nến tri thức. Làm được những điều đó, âm hưởng trầm hùng của bài Quốc tế ca đã, đang và sẽ tiếp tục vang lên trên cao nguyên Lâm Đồng, nơi 47 dân tộc có tín ngưỡng, văn hoá khác nhau đang sinh sống. Đồng bào dân tộc nói chung, đảng viên người DTTS nói riêng, họ như rễ cây bám chặt vào đất, ngày ngày ra sức đồng lòng chung tay xây dựng vùng đất Nam Tây Nguyên ngày càng phát triển.
Đến nay, cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của tỉnh Lâm Đồng có 3.297 người trên tổng số 30.700 biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trúng cử vào cơ quan dân cử như đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đã và đang làm tăng tính đại diện của cộng đồng trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Lâm Đồng hiện có 1 đại biểu Quốc hội, 14 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 67 đại biểu HĐND cấp huyện và 807 đại biểu HĐND cấp xã là người DTTS. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được bổ nhiệm lãnh đạo cấp tỉnh, lãnh đạo cấp huyện, lãnh đạo cấp phòng hay nằm trong quy hoạch các chức danh giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành, trưởng, phó trưởng phòng trực thuộc các sở, ban, ngành… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin