Từ năm 2021 đến nay, ngành Y tế Lâm Đồng triển khai và duy trì việc tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân; đồng bộ hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn; hoàn thiện các nền tảng cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh nhằm tạo cơ sở để triển khai bệnh án điện tử.
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng triển khai kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) đã kịp thời cấp cứu, cứu sống bệnh nhân |
Năm 2021, ngành Y tế Lâm Đồng đã thực hiện mua sắm trang thiết bị cho hệ thống thông tin hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa phục vụ triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa. Duy trì và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thường xuyên rà soát tinh gọn lại các thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Sở Y tế tỉnh thường xuyên đôn đốc các đơn vị triển khai, tuyên truyền và tạo điều kiện để người dân sử dụng các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có triển khai các hệ thống thông tin phục vụ người dân tại các cơ sở khám, chữa bệnh như: Hệ thống xếp hàng tự động; hệ thống đặt lịch khám, tái khám; hệ thống thanh toán điện tử không dùng tiền mặt...
Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh. Triển khai công tác tạo lập và quản lý hồ sơ sức khỏe trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã tạo lập được 1.370.902 hồ sơ người dân trên địa bàn tỉnh (đạt 97,4%); trong đó dữ liệu hồ sơ cập nhật tiền sử và yếu tố nguy cơ là 1.288.246 hồ sơ (đạt 91,6%), dữ liệu hồ sơ cập nhật thông tin tiêm chủng là 697.061 hồ sơ (đạt 49,5%), dữ liệu hồ sơ cập nhật thông tin khám, chữa bệnh là 998.063 hồ sơ (đạt 70,9%).
Triển khai hệ thống khám, chữa bệnh thông minh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS). Hiện có 100% cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đã thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội để phục vụ giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế; số hóa dữ liệu khám, chữa bệnh và tiến tới triển khai bệnh án điện tử. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh duy trì hình thức khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt là hội chẩn từ xa giữa các đơn vị tuyến tỉnh và tuyến huyện, giữa các bệnh viện tại tỉnh và các bệnh viện tuyến trên.
Xây dựng nền quản trị y tế thông minh, triển khai Hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành (eGov), áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để phát hành và đã triển khai đến tất cả các đơn vị trực thuộc sử dụng eGov và ký số văn bản điện tử. Tại Sở Y tế Lâm Đồng tính đến tháng 9/2024 đã ban hành 5.062/ 5.086 văn bản ký số (đạt tỷ lệ 99,5%), công khai 4.001/ 5.086 văn bản chỉ đạo điều hành trên Trang thông tin điện tử Sở Y tế Lâm Đồng, đạt tỷ lệ 86,6% (trừ các văn bản mật và các văn bản chuyên ngành theo quy định).
Tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được công bố là 142 thủ tục; trong đó cấp tỉnh 133 thủ tục, cấp huyện 4 thủ tục, cấp xã 5 thủ tục. Số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế tổ chức tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả là 100/133 TTHC lĩnh vực y tế cấp tỉnh; trong đó có 31 TTHC thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, 26 TTHC thuộc lĩnh vực dược phẩm, 6 TTHC thuộc lĩnh vực y dược cổ truyền, 9 TTHC thuộc lĩnh vực mỹ phẩm, 2 TTHC thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ, 1 TTHC lĩnh vực khen thưởng, 1 TTHC thuộc lĩnh vực đào tạo - nghiên cứu khoa học, 3 TTHC thuộc lĩnh vực trang thiết bị, 16 TTHC thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, 4 TTHC thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm - dinh dưỡng, 1 TTHC thuộc lĩnh vực giám định y khoa. Đối chiếu với yêu cầu, điều kiện của tỉnh và nhu cầu của cá nhân, tổ chức trên địa bàn, Sở Y tế Lâm Đồng thực hiện cung cấp 42 dịch vụ công đủ điều kiện đưa lên dịch vụ công toàn trình (đạt tỷ lệ 100%).
Chủ động tiếp cận, chuyển giao ứng dụng thành tựu công nghệ, đến nay nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao đã từng bước đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người dân địa phương, cụ thể: Có 7 đơn vị y tế gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, các Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh và Đạ Tẻh đã triển khai kỹ thuật Realtime PCR để phát hiện vi rút SARS-CoV-2, viêm gan vi rút, nhiễm vi rút HPV... Hệ thống máy tim phổi nhân tạo (ECMO) đã được triển khai tại 2 đơn vị Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện II Lâm Đồng.
Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã triển khai nhiều kỹ thuật cao: Thăm dò điện tim sinh lý, điều trị loạn nhịp tim bằng sóng cao tần; sử dụng hệ thống dẫn hướng hình ảnh (Navigation) trong phẫu thuật cột sống và sọ não; các kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị ung thư: Hệ thống gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng, Hệ thống thu nhận hình ảnh y học hạt nhân SPECT-CT, Hệ thống chụp CT dùng trong mô phỏng; can thiệp tim mạch, mạch máu não, mạch máu tạng...
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, những thuận lợi trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư về lĩnh vực y tế tại địa phương là được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện phối hợp của UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện các hệ thống thông tin về y tế. Nền tảng cơ sở dữ liệu về y tế đang ngày một hoàn thiện, tạo thuận lợi trong việc tổ chức khai thác dữ liệu chuyên ngành. Trình độ sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ, nhân viên y tế đã được cải thiện đáng kể, mỗi đơn vị đều có cán bộ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc hiện nay là phần mềm của các nhà cung cấp còn phân mảnh, chưa kết nối thành một hệ thống đồng nhất; chưa thể truy xuất dữ liệu để phân tích phục vụ cho công tác quản lý điều hành. Khó khăn trong việc đồng bộ cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu chung toàn ngành.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin