Các trung tâm đào tạo hàng đầu của Tây Nguyên gặp khó trong việc thu hút nguồn nhân lực

LINH ĐAN 17:44, 04/11/2024

(LĐ online) - Đó là một trong những ý kiến được đưa ra đóng góp và nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục tại buổi tọa đàm lấy ý kiến dự thảo Đề án xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Buôn Ma Thuột và TP Đà Lạt được tổ chức trong ngày 4/11 tại Trường Đại học Đà Lạt.

Hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực la một trong những mục tiêu hướng tới của Trường Đại học Đà Lạt.
Hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực là một trong những mục tiêu hướng tới của Trường Đại học Đà Lạt

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở các trường đại học trọng điểm trong vùng gồm Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt để tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển với các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phù hợp với định hướng, tầm nhìn, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng và an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Tây Nguyên.

Trung tâm đào tạo chất lượng cao ngoài nhiệm vụ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng cơ hội tiếp cận học tập, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh của vùng Tây Nguyên và các khu vực ảnh hưởng lân cận còn là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, cung cấp dịch vụ khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới, sáng tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động, có vai trò dẫn dắt, kết nối, hỗ trợ với các trường đại học, viện nghiên cứu, trường cao đẳng trong khu vực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu ở từng lĩnh vực, loại hình, trình độ đào tạo.

Trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tây Nguyên nhấn mạnh xem Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt có vai trò trung tâm, sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định, sự hợp tác chặt chẽ của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ cao của từng vùng và cả nước.

Theo mục tiêu của Đề án, phát triển Trường Đại học Tây Nguyên trở thành đại học vùng, là trung tâm đào tạo chất lượng cao hàng đầu khu vực Tây Nguyên, thuộc nhóm trường hàng đầu khu vực Đông Nam Á và có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học đầu khu vực châu Á về các lĩnh vực đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và y dược.

Cùng với đó, phát triển Trường Đại học Đà Lạt trở thành đại học, là trung tâm đào tạo chất lượng cao hàng đầu khu vực Tây Nguyên, thuộc nhóm trường hàng đầu khu vực Đông Nam Á và có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học đầu khu vực châu Á về các lĩnh vực đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và du lịch.

Phần lớn ý kiến của các đại biểu, diễn giả, nhà khoa học và quản lý giáo dục trong khu vực đều cho rằng việc xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Buôn Ma Thuột và Đà Lạt là phù hơp và cần thiết để đóng góp nguồn nhân lực cho giai đoạn phát triển hiện nay và tương lai. Tuy nhiên, đối với nhiệm vụ và giải pháp “Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên gắn kết với các nhóm nghiên cứu; tập trung thu hút giảng viên giỏi, nhà khoa học tài năng từ nước ngoài” sẽ rất khó để thực hiện bởi trong thời điểm hiện tại vẫn chưa có chính sách và cơ chế đặc thù để thu hút người tài về với địa phương.

 
Công ty THHH T.A Developmen (Hàn Quốc) trao học bổng cho sinh viên vượt khó vươn lên của Trường Đại học Đà Lạt.
Công ty THHH T.A Developmen (Hàn Quốc) trao học bổng cho sinh viên vượt khó vươn lên của Trường Đại học Đà Lạt

Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Đình Trung - Hiệu trưởng Trường Đai học Yersin cho rằng: Vấn đề thu hút nguồn đào tạo hiện nay đối với các Trường Đại học ở khu vực Tây Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn. “Theo khảo sát sơ bộ đối với các em học sinh tốt nghiệp THPT ở khu vực Tây Nguyên, hơn 93% đều có câu trả lời, học trường nào cũng được, không quan trọng nhưng phải học ở TP Hồ Chí Minh”, TS. Phạm Đình Trung chia sẻ.

Cũng theo ý kiến của Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin, chất lượng của đội ngũ giảng viên có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác đào tào, cũng như nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm đào tạo đại học của vùng không thu hút được nhân lực vì vẫn chưa có cơ chế chính sách đặc thù. Điển hình như Trường Đại học Yersin, bảng lương vẫn tăng theo từng năm nhưng sức hút thì không cao.

PGS.TS Trần Văn Tiến - Trưởng Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt cũng có chung ý kiến, ông còn nhấn mạnh: Hiện nay, đào tạo được một giảng viên giỏi, có tâm huyết đã khó, giữ chân được người tài ở lại còn khó hơn. Nếu không có chính sách, cơ chế đãi ngộ phù hợp, họ sẽ tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án đó là: Khi thành lập trung tâm đào tạo chất lượng cao sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận học tập, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên và các khu vực ảnh hưởng lân cận.

Mục tiêu của Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Tây Nguyên đều đề cập đến vấn đề tăng tỷ lệ sinh viên người dân tộc thiểu số, qua đó hiên thực hóa được mục tiêu của đề án hướng tới. Nhưng rất khó để thực hiện, bởi việc học sinh người dân tộc thiểu số trong vùng đến với cánh cổng đai học vẫn đang chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số lượng đầu vào mỗi năm của các trường.

TS. Lê Thế Phiệt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng: Hiện nay, Trường Đại học Tây Nguyên đang đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắc Nông. 70% đội ngũ cán bộ, công viên chức của 2 tỉnh đều xuất thân từ cái nôi của Trường Đại học Tây Nguyên, tuy nhiên tỷ lệ sinh viên người dân tộc thiểu số vẫn chưa đáp ứng được như ky vọng.

Cũng theo TS. Lê Thế Phiệt, theo học tại các Trung tâm đào tạo chất lượng cao cần phải là nhưng sinh viên học giỏi, tài năng. Nhưng chất lượng cuẩ sinh viên đồng bao người dân tộc thiểu số vẫn còn đang ở mức rất thấp ngay tại các môi trường giáo dục phổ thông.

Có một thực tế là hiện nay, việc duy trì số lượng tuyển sinh theo chỉ tiêu của các Trường Đại học Tây Nguyên và Đại học Đà Lạt hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề này được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, cùng với đó là hiện nay có quá nhiều trung tâm đào tạo đại học, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT cũng không thiếu cơ hội để chọn lựa cho mình một ngôi trường đại học phù hợp với năng lực.

Mục tiêu của Trường Đại học Đà Lạt và Đại hoc Tây Nguyên đến năm 2030 đều phấn đấu đạt từ 10 đến 15% tổng số nguồn thu tài chính từ hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh hoặc dịch vụ chuyển giao khoa học - công nghệ. Nhưng đến thời điểm hiện tại các sản phẩm nghiên cứu đều mới ở mức độ phòng thí nghiệm, hoặc nếu có cũng chỉ là các sản phẩm “cây nhà lá vườn” chưa có độ phổ quát để trở thành các sản phẩm thương mại thông dụng. Việc liên kết, chuyển giao khoa học với các doanh nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn. Điển hình như trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp chất lượng cao, phân lớn các doanh nghiệp đều có đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, hoạt động bài bản của riêng mình, thường xuyên cập nhật những tiến bộ mới nhất của thế giới vào sản xuất, nuôi trồng để đảm bảo tính an toàn.

Việc thành lập trung tâm đào tạo chất lượng cao cho vùng Tây Nguyên là điều cân thiết và hết sức phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, Đề án sẽ khó thành công và là thách thức không hề nhỏ đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt nếu không có những kết quả nghiên cứu khảo sát thực tế kỹ lưỡng và những giải pháp phù hợp.