Từ những ngày lương của các thầy cô giáo, hay chút góp nhặt tiền đồng quà tấm bánh của các em học sinh gửi đến Hà Giang trong những ngày mưa lũ bởi thiên tai. Từ những tiết học trực tuyến được hỗ trợ bởi các phương tiện điện tử thông qua kết nối internet với sự nhẫn nại của cả thầy và trò ở hai địa điểm cách xa đến hàng ngàn cây số. Tất cả đều là ân tình thấm đẫm yêu thương và sự sẻ chia của thầy và trò Lâm Đồng gửi đến Hà Giang, mảnh đất phía địa đầu Tổ quốc vẫn còn nhiều gian khó.
Các em học sinh ở “đầu cầu” Hà Giang |
Là hai địa phương kết nghĩa từ những năm 60 của thế kỷ trước, dấu ấn của Hà Giang và Lâm Đồng vẫn còn vẹn nguyên bởi những địa danh, con đường, khu phố.
Mối thâm tình, kết giao ấy cho đến hôm nay vẫn được người dân Lâm Đồng và Hà Giang trân trọng gìn giữ và tiếp nối. Riêng với ngành Giáo dục Lâm Đồng, năm 2024 là một năm đặc biệt với nhiều hoạt động gửi về phía Hà Giang bằng tất cả nghĩa cử tốt đẹp nhất.
Tháng 9/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Hà Giang đã liên hệ với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học trò vùng cao vì tỉnh thiếu giáo viên. Ngay lập tức nhận được sự đồng ý của lãnh đạo ngành Giáo dục Lâm Đồng, đồng thời Lâm Đồng cũng phát động và kêu gọi sự ủng hộ của đội ngũ giáo viên tiếng Anh tình nguyện dạy miễn phí cho trẻ em vùng sâu của hai huyện Mèo Vạc và Bắc Mê.
Theo chương trình giáo dục đổi mới, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3, tuy nhiên nhiều huyện của tỉnh Hà Giang lại thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học do không có nguồn tuyển dụng và dạy hợp đồng. Hoạt động hỗ trợ dạy học trực tuyến của Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng đã giúp Hà Giang trước mắt tìm được lời giải cho bài toán này.
Trong đợt đóng góp ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc (trong đó có Hà Giang, một địa phương cũng bị ảnh hưởng nặng nề) gặp thiệt hại nặng do cơn bão số 3, hơn 22.000 cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động - đoàn viên công đoàn và các em học sinh trong toàn ngành Giáo dục Lâm Đồng đã đóng góp được trên 15,2 tỷ đồng. Tất cả đã được gửi tới các cơ quan đầu mối nhận tiền cứu trợ là Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ cũng như các quỹ cứu trợ khác. Theo ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng: “Ngoài sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, lực lượng học sinh các trường học đã tham gia đóng góp ủng hộ Nhân dân miền Bắc rất nhiệt tình, nêu bật tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Ngành Giáo dục tỉnh cũng coi đây là dịp để giáo dục các em về tình đồng bào, nêu cao tinh thần chia sẻ, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng vượt qua thách thức. |
Để hỗ trợ dạy trực tuyến cho tỉnh Hà Giang, Sở GDĐT Lâm Đồng đã chọn ra 33 giáo viên có trình độ Đại học Ngoại ngữ, là giáo viên cốt cán, năng lực chuyên môn giỏi, nhiều thầy cô đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và tỉnh.
Để đảm bảo cho quá trình dạy và học trực tuyến đạt được hiệu quả cao nhất, hai bên đều đã thống nhất rà soát, đảm bảo thiết bị dạy học như máy tính, màn hình 65 inch, hệ thống âm thanh, camera đường truyền internet dung lượng cao, phần mềm dạy học trực tuyến Microsoft teams, Google Meet, Zoom ổn định.
Tại các điểm học tại Hà Giang, các trường cử đội ngũ trợ giảng phối hợp với giáo viên dạy trực tuyến để tổ chức hoạt động học tập. Thầy cô trợ giảng sẽ theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình học tập.
Đều đặn 2 buổi/tuần, các thầy cô giáo tiếng Anh của Lâm Đồng đều bước vào lớp học trực tuyến để bắt đầu tiết học cho các em học sinh ở hai trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc và Bắc Mê.
Trong 40 phút của tiết học, các thầy cô giáo từ “đầu cầu” Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động để rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đồng thời, tạo ra không khí như một buổi trò chuyện, chơi mà học, không tạo áp lực căng thẳng bằng những khuôn mẫu trả bài. Thông qua micro, các giáo viên của Lâm Đồng luôn khích lệ học sinh ở “đầu cầu” Hà Giang có sự tự tin và nhiệt tình tham gia xung phong trả lời các câu hỏi.
Phía sau không khí thân mật trong giờ học trực tuyến là sự mệt nhoài khi tắt máy, bởi khoảng cách. Nhưng theo cô Nguyễn Thị Kim Yến - giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương (TP Đà Lạt) người dạy trực tuyến cho học sinh lớp 4A2 Trường Tiểu học Pải Lủng (huyện Mèo Vạc) đó lại là cảm giác đầy tự hào và vinh dự vì được đóng góp công sức của mình cho những địa phương thiếu giáo viên như Hà Giang và cho cả những học sinh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như Hà Giang. Đây cũng là cơ hội để cô và đồng nghiệp nâng cao chuyên môn giảng dạy dưới nhiều hình thức, kể cả những thời điểm khó khăn nhất”.
Còn theo cô Phạm Thị Hiền - Trường Tiểu học Thăng Long (TP Bảo Lộc): “Nhiều học sinh người dân tộc thiểu số chưa thành thạo tiếng Việt nên khi giải thích từ tiếng Anh, các em không hiểu. Giáo viên chủ nhiệm ở Hà Giang sẽ đảm nhiệm khâu phân tích cho học sinh bằng tiếng dân tộc. Đối với bài tập viết, giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ cùng quan sát, đôn đốc học trò làm bài”.
Từ đầu năm học 2023-2024, mỗi giáo viên tiếng Anh tiểu học của Lâm Đồng tình nguyện dạy trực tuyến 2 đến 3 tiết/tuần cho 33 lớp học tại 9 trường tiểu học của hai huyện Mèo Vạc và Bắc Mê của tỉnh Hà Giang. Tổng số học sinh tham gia học trực tuyến là hơn 1.000 em.
Sự xa cách giữa thầy cô Lâm Đồng và học trò nơi mảnh đất địa đầu Hà Giang cũng đã được xóa tan bằng cuộc gặp vào đầu tháng 5/2024, khi các thầy cô giáo của Lâm Đồng đã đến tận nơi để được chứng kiến cuộc sống của học sinh tiểu học hai huyện Mèo Vạc và Bắc Mê. Trong những cái ôm, có cả nụ cười và nước mắt hạnh phúc vì sự hạnh ngộ. Đó chính là ân tình của Nam Tây Nguyên dành cho Hà Giang từ giao ước của hơn 60 năm về trước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin