Chuyển đổi số - vì nhân dân phục vụ (Bài 3)

DIỄM THƯƠNG 05:44, 04/11/2024

Bài 3: “Lá chắn” thông tin - Trung tâm Xử lý tin giả

Những năm gần đây, xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế...

Trung tâm Xử lý tin giả và thông tin xấu độc, công khai thông tin tại địa chỉ https://tingia.lamdong.gov.vn.
Trung tâm Xử lý tin giả và thông tin xấu độc, công khai thông tin tại địa chỉ https://tingia.lamdong.gov.vn

Để công tác tiếp nhận, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng đạt hiệu quả cao hơn, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong việc thành lập Trung tâm Xử lý tin giả. 

TIẾP NHẬN ĐA NỀN TẢNG

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng về phương án, giải pháp xử lý tin giả. Căn cứ giải pháp và mô hình hoạt động của Bộ TT&TT, Sở TT&TT đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả và thông tin xấu độc, công khai thông tin tại địa chỉ https://tingia.lamdong.gov.vn.

Thiết lập kênh tương tác qua zalo “Chống tin giả Lâm Đồng” và số điện thoại đường dây nóng 0912.01.08.01 - hoạt động 24/7 để tiếp nhận tin giả, tin sai sự thật.

Bên cạnh đó, tiếp nhận nội dung phản ánh qua đường công văn thông qua hệ thống bưu chính và địa chỉ e-mail: tiepnhantingia@lamdong.gov.vn.

Về nhân lực vận hành, Sở TT&TT kiện toàn tổ chức Tổ xử lý thông tin sai sự thật thuộc Sở để đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ gồm: Phối hợp cơ quan chức năng thẩm định, công bố tin giả, tin sai sự thật; đánh giá xu hướng thông tin chia sẻ, tương tác lớn để dán nhãn cảnh báo tin giả; tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác thực; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả; xử lý vi phạm hành chính về tin giả, tin sai sự thật.

Về hình thức, giao diện của trang được nâng cấp để phù hợp với các thiết bị máy tính và điện thoại di động. Các chuyên mục cũng được điều chỉnh và sắp xếp tối ưu hơn. Về nội dung, chuyên trang tập trung xử lý tin giả, chia sẻ kiến thức xác thực ở ba lĩnh vực: Tài chính ngân hàng; Sức khỏe cộng đồng và Quyền lợi người dân. Đây là những lĩnh vực thường nhật, tiềm ẩn nhiều rủi ro lừa đảo trên không gian mạng.

Trung tâm Xử lý tin giả sẽ phối hợp cơ quan chức năng thẩm định, công bố tin giả; đánh giá xu hướng thông tin chia sẻ, tương tác lớn để dán nhãn cảnh báo tin giả; tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác thực; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Việc phân loại tin để dán nhãn cảnh báo bao gồm: Tin giả (tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng; Tin sai sự thật, tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật; tin không có sở cứ được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng); Tin xác thực (là tin đúng sự thật, được kiểm chứng, kết luận bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền).

Thông tin được chia thành các lĩnh vực sau: Chính sách, pháp luật; kinh tế, tài chính; lĩnh vực y tế; sản phẩm y tế liên quan đến sức khỏe con người; thiên tai, dịch bệnh; an ninh quốc gia, trật tự an toàn - xã hội; tài khoản giả mạo; đường link lừa đảo và các lĩnh vực khác...

Thực tế, cổng thông tin điện tử của trung tâm là đầu mối tiếp nhận chính. Khi gọi điện đến tổng đài, người liên hệ sẽ được hướng dẫn truy cập website này để điền thông tin, gồm đường link thông tin nghi ngờ, kèm theo phản ánh, sau đó nhập thêm email, số điện thoại cá nhân. Việc thẩm định sẽ được thực hiện bởi các cơ quan chức năng. Nếu tin giả do cơ quan chức năng phát hiện, trung tâm sẽ gắn nhãn và công bố ngay. Nếu tin giả do các cá nhân, tổ chức gửi đến, trung tâm sẽ đề nghị cung cấp các căn cứ phản ánh để gửi đến cơ quan chức năng thẩm định.

Ở bước gắn nhãn, thông tin sẽ được chia thành ba dạng: Tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực. Tùy loại, trung tâm xử lý tin giả sẽ đóng dấu, sau đó công bố trên cổng thông tin và fanpage. Với tin giả, trung tâm sẽ đưa ra thông tin xác thực nếu có.

• “LÁ CHẮN” THÔNG TIN

Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội xảy ra khá nhiều trên địa bàn tỉnh, rất nhiều người ở cả địa bàn nông thôn, đô thị, người có trình độ chuyên môn và hiểu biết xã hội cũng bị lừa, bị chiếm đoạt với số tiền rất lớn. Các hình thức lừa đảo qua mạng được thực hiện ngày càng tinh vi. Đối tượng lừa đảo thường giả danh cơ quan nhà nước như: giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra...

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ; các cuộc gọi lừa đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay giá rẻ hay giả mạo cơ quan chức năng... Thậm chí, lợi dụng thiên tai, lũ lụt, hoặc các hoàn cảnh thương tâm, các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hòng chiếm đoạt tài sản...

Trước thực trạng đó, Sở TT&TT đã định hướng, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tại các địa phương thông tin, tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, hậu quả vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Tăng cường thông tin về kết quả phòng ngừa, xử lý của các lực lượng chức năng để người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Tin giả được xác định có hai dạng thức. Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó. Việc nhận diện tin giả, xác định nguyên nhân xuất hiện và tác hại của nó là cơ sở để nâng cao cảnh giác chủ động phòng, chống tin giả góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng quốc gia mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động đảm bảo an toàn thông tin trong triển khai chính quyền điện tử. Triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu các hệ thống thông tin của tỉnh theo mô hình 4 lớp, tăng cường khả năng thích ứng chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất an toàn thông tin trên môi trường mạng, sẵn sàng các giải pháp phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp cùng với Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia theo dõi, xử lý 7/7 sự cố cảnh báo trên địa bàn, đồng thời kiện toàn Đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính tỉnh Lâm Đồng.

Ông Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đồng cho biết: Sở sẽ tiếp tục đổi mới các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng liên quan để thông tin các hình thức lừa đảo mới của các loại tội phạm trên không gian mạng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, tránh lừa đảo cho người dân. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh để phối hợp cung cấp xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật...

Ngoài công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý sim rác nhằm ngăn ngừa tình trạng lừa đảo trực tuyến thông qua sử dụng số điện thoại không chính chủ hoặc sim rác. Đồng thời, thường xuyên phối hợp Công an tỉnh để xác minh, xử lý các đối tượng lừa đảo trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm xử lý tin giả tỉnh Lâm Đồng, ngoài nội dung giám sát an toàn thông tin cho hệ thống của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, Sở sẽ quyết liệt thực hiện nhiệm vụ giám sát, như “lá chắn” xử lý các thông tin tiềm ẩn nguy xấu độc, lừa đảo trên không gian mạng.    

(CÒN NỮA)