Bài cuối: Chuyển đổi số toàn trình
Chuyển đổi số toàn diện nâng cao hay còn gọi là chuyển đổi số toàn trình là nhiệm vụ trọng tâm, đang được tỉnh Lâm Đồng triển khai quyết liệt với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng năm và cả giai đoạn. Bên cạnh phát huy những mặt tích cực, tỉnh tiếp tục chủ động phân tích những điểm nghẽn, đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ mới, từ đó góp phần thúc đẩy nhanh, mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, tạo động lực mới cho Lâm Đồng tăng trưởng.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Lâm Đồng |
• TÌM “ĐIỂM NGHẼN” CẦN THÁO GỠ
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quyết liệt đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, người dân cũng vào cuộc mạnh mẽ. Nhờ đó, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của toàn xã hội, giúp tăng năng suất lao động, minh bạch hơn, giảm sự nhũng nhiễu, tham nhũng trong lĩnh vực công.
Từ cách làm bài bản, có chiến lược và tranh thủ chỉ đạo của Trung ương về chuyển đổi số, tận dụng tối đa nguồn lực trong xã hội kết hợp nguồn lực của Nhà nước, Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tựu cho toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp như: minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công mức độ cao (toàn trình) giúp người dân và doanh nghiệp giảm về thời gian và tránh sự nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức, xây dựng nhiều công cụ số để giám sát kết quả và thái độ phục vụ của các cơ quan công quyền, từ đó đã nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng cũng đã phân tích rõ nguyên nhân của nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, như: Việc số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã mới chỉ thực hiện số hóa hồ sơ đầu vào và ký số kết quả giải quyết TTHC, chưa thực hiện số hóa thành phần hồ sơ để tái sử dụng và chưa lưu được kết quả số hóa vào các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc kho dữ liệu hồ sơ TTHC; hệ thống thông tin giải quyết TTHC hoạt động thiếu ổn định, tốc độ chậm hoặc xảy ra sự cố; quá trình khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn phát sinh một số vướng mắc chưa được khắc phục… Nhiều trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số đến nay hư hỏng, lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả; nhận thức của người dân chưa đồng đều…
Hay công tác số hóa, làm sạch dữ liệu tại một số ngành, lĩnh vực còn chậm. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu (bao gồm cả cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành), cập nhật thông tin, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung còn chậm. Việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, các sở, ngành chưa hoàn thành nhiệm vụ triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh theo lộ trình kế hoạch. Chưa thực hiện chia sẻ dữ liệu Trung tâm Điều hành thông minh IOC của các ngành (đặc biệt là các dữ liệu: Đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông,...) cho các cơ quan, đơn vị, địa phương khai thác, sử dụng thông tin.
Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng Hoàng Văn Bằng cho biết: Chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới hay còn gọi là những cán bộ 4.0. Do đó, việc nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, rộng khắp ở các cấp, các ngành, lĩnh vực. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường triển khai tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh; tiếp tục phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn tỉnh được tiếp cận dùng thử và hướng đến thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số.
Chuyển đổi số toàn trình - lấy người dân làm trung tâm |
• NÂNG CHẤT 3 TRỤ CỘT
Lâm Đồng ưu tiên nguồn lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.
Ở trục chính quyền số, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất sử dụng chung và 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo công tác quản lý và điều hành qua môi trường mạng; duy trì hệ thống mạng CAMPUS Trung tâm Hành chính tỉnh tập trung hoạt động ổn định. Trục liên thông văn bản của tỉnh kết nối liên thông 4 cấp Trung ương - tỉnh - huyện - xã thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh vận hành ổn định và hiệu quả phục vụ tốt cho việc gửi nhận, theo dõi xử lý văn bản theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với hơn 1.363 đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia khai thác sử dụng.
Ngày 6/8/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tỉnh Lâm Đồng năm 2023; kết quả đánh giá, xếp hạng là cơ sở để các ngành, đơn vị, địa phương theo dõi lộ trình thực hiện chuyển đổi số hằng năm của đơn vị, phản ánh một cách rõ nét, chính xác hơn về tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từ đó các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hoạt động công nghệ thông tin nói chung và chuyển đổi số nói riêng phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực.
Với trục phát triển kinh tế số và xã hội số: Triển khai đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử đã được áp dụng đối với 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh. Chỉ đạo, triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên các dịch vụ chủ yếu, bước đầu đạt được những kết quả khả quan: 100% trường học triển khai thực hiện thu phí không dùng tiền mặt; 100% bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa tại địa bàn thành phố thuộc tỉnh đều chấp nhận thanh toán qua ngân hàng và các cổng thanh toán trực tuyến; 100% hóa đơn thanh toán của công ty cấp nước và điện lực chấp nhận thanh toán qua tài khoản ngân hàng và các cổng thanh toán trực tuyến; các cơ quan, đơn vị thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước (chi lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng, chi trợ cấp một lần, chi trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp,...).
Số lượng tài khoản ngân hàng của các cá nhân trên địa bàn tỉnh là 1.780.472 tài khoản. Tiếp tục phổ cập điện thoại di động thông minh và internet trên địa bàn tỉnh, đến nay, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh là 82,03%. Tỷ lệ thanh niên sử dụng điện thoại là 97,16, tỷ lệ thanh niên sử dụng máy tính là 46,87%, tỷ lệ thanh niên sử dụng internet là 87,85%.
Các tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng nắm bắt các kỹ năng an toàn thông tin cơ bản, thực hiện thanh toán trực tuyến, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNEID, sử dụng các sàn thương mại điện tử để thực hiện mua bán online, sử dụng ứng dụng VSSID, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống góp phần xây dựng văn hóa số trong cộng đồng; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của người dân lên môi trường số.
• CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN TRÌNH
Năm 2024, chuyển đổi số quốc gia có chủ đề: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số; là nhiệm vụ cần sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Để tiến trình chuyển đổi số đạt kết quả cao, UBND tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động chuyển đổi số thiết thực tại địa bàn, địa phương phụ trách.
Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng cho tỉnh. Đồng thời, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của chuyển đổi số; thường xuyên tuyên truyền các giải pháp đã được triển khai trên địa bàn, thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân.
Trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Lâm Đồng quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người dân làm trung tâm; trong đó, tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của cơ sở dữ liệu sẵn có luôn được làm giàu; tích cực phối hợp với các ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như: Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân...; đồng thời, tiếp tục tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, với mục tiêu “Chuyển đổi số toàn trình - Vì Nhân dân phục vụ”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin