(LĐ online) - Huyện Đức Trọng đang đối diện với thách thức lớn về đảm bảo cung ứng nguồn nước sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất cho bà con Nhân dân trong những năm tới khi nguồn nước ngầm đang suy giảm rõ rệt. Trong khi đó, Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét đang được triển khai có khả năng cung cấp nguồn nước tưới cho 2.600 ha đất sản xuất và 33% dân số của địa phương. Đây được xem là giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn nước lâu bền trong tương lai.
Nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện Đức Trọng đang giảm trung bình 5% mỗi năm |
NGUY CƠ THIẾU HỤT NGUỒN NƯỚC
Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Đức Trọng do Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Đức Trọng và Công ty TNHH Thủy Thiên Phú An cung ứng. Ngoài ra, còn có hơn 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nên về cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nguồn nước ngầm khai thác tại địa phương để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiện đang sụt giảm thấy rõ.
Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Đức Trọng đang thiếu hụt nguồn nước ngầm để xử lý phục vụ nhu cầu khách hàng |
Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Đức Trọng hiện đang vận hành 1 nhà máy khai thác, xử lý nguồn nước ngầm công suất lớn để cung cấp nước sạch cho 12.000 khách hàng thuộc địa bàn thị trấn Liên Nghĩa, xã Liên Hiệp và Phú Hội. Còn Công ty TNHH Thủy Thiên Phú An khai thác nguồn nước mặt để xử lý và cung cấp cho người dân các xã Phú Hội và Ninh Gia.
Ông Nguyễn Sơn Hoà - Phó Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Đức Trọng cho biết: “Công ty lâu nay khai thác 6 giếng khoan với công suất khoảng trên 5.000 m3/ngày đêm nhưng hiện tại khai thác tối đa chỉ còn khoảng 4.000 m3/ngày đêm. Nguyên nhân là nguồn nước ngầm những năm gần đây đang sụt giảm rất nhanh, bình quân khoảng 5% mỗi năm, không đủ trữ lượng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng”.
Để cung cấp cơ bản nguồn nước cho các nhà máy trong Khu Công nghiệp Phú Hội, từ đầu năm 2024 tới nay, Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Đức Trọng phải cắt giảm thời gian cấp nước cho các khách hàng là người dân, tổ chức trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa và hai xã Phú Hội, Liên Hiệp.
Nước phục vụ nhu cầu của người dân và các nhà máy sản xuất tại Khu Công nghiệp Phú Hội đang có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng trong thời gian tới |
Theo ghi nhận tại nhiều xã trên địa bàn huyện Đức Trọng như: Hiệp An, Hiệp Thạnh, N’Thôn Hạ, Tân Thành..., người dân cũng như các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước vẫn sử dụng nguồn nước giếng đào và giếng khoan để phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.
Người dân phản ánh phải đào giếng khoan sâu trung bình hơn 100 m mới có nước (trước đây chỉ chỉ cần đào sâu từ 40 - 50 m). Ngoài ra, nhiều nơi nước giếng khoan bị nhiễm phèn nên người dân phải mất thêm nhiều tiền để trang bị các bộ lọc để có nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Trữ lượng nước ngầm suy giảm đã trở thành thực trạng đáng báo động cả ở khu vực nông thôn và thành thị trên địa bàn huyện Đức Trọng, cũng như ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo huyện Đức Trọng, Chính phủ đã có chỉ đạo trong thời gian tới sẽ hạn chế và dần chấm dứt việc khoan giếng khai thác mạch nước ngầm để phục vụ sản xuất và sinh hoạt thì tình trạng thiếu nước sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu không chủ động tính toán, bổ sung các nguồn nước trong hiện tại.
Gia đình ông Krar Romi (ngụ tại thôn K'Rèn, xã Hiệp An) nhiều năm nay dùng nguồn nước suối để phục vụ sinh hoạt |
NGUỒN NƯỚC VỪA THIẾU VỪA CHƯA ĐẢM BẢO HỢP VỆ SINH
Những ngày đầu tháng 11/2024, chúng tôi đến gia đình ông Krar Romi (59 tuổi) sinh sống tại thôn K'Rèn, xã Hiệp An 30 năm qua. Ông cho biết: Nhiều năm qua, cả gia đình dùng 2 bồn đựng nước inox loại 500 lít để sử dụng cho mọi sinh hoạt hàng ngày từ rửa rau, nấu cơm, nấu nước uống đến tắm giặt.
Nước cấp lên bồn chứa của gia đình ông Krar Romi được lấy từ nguồn nước suối trên đầu nguồn, cách trung tâm thôn hơn 4 km. Nguồn nước được dẫn bằng đường ống nhựa về 2 bể chứa nước lớn đặt tại khuôn viên trong nhà thờ. Từ đây, nước được bơm qua các đường ống, dẫn về từng gia đình để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Nguồn nước từ thượng nguồn được dẫn bằng đường ống nhựa về thôn K'Rèn để người dân sử dụng |
Thôn K'Rèn, xã Hiệp An hiện có 170 hộ dân với 900 nhân khẩu. Tương tự gia đình ông Krar Romi, hầu hết các hộ dân trong thôn đều sử dụng nguồn nước từ thượng nguồn dẫn về, chỉ có gần 10 hộ sử dụng nước giếng khoan nhưng cũng bị nhiễm phèn.
Vào thời điểm mưa lớn kéo dài, nguồn nước bị vẩn đục nên khi dẫn về thôn sử dụng không đảm bảo. Còn vào những tháng cao điểm của mùa khô xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, người dân thôn K'Rèn còn phải vào khe suối trong núi để tắm, giặt.
Theo lãnh đạo UBND xã Hiệp An, trước đây tại thôn K'Rèn có 1 giếng khoan được đầu tư để cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, giếng nước không còn sử dụng, người dân tự làm đường ống nhựa dài khoảng 4 km dẫn nước về phục vụ sinh hoạt nên không đảm bảo về chất lượng nguồn nước.
Xung quanh trụ sở UBND xã Hiệp An, nguồn nước từ hầu hết các giếng đào và giếng khoan của người dân đều bị nhiễm phèn |
Ông Thái Bình Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết: Thiếu nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt không phải là thực trạng của riêng bà con nhân dân thôn K'Rèn mà còn của người dân toàn xã. Đây là vấn đề bức bách, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
“Hiện nay, trên địa bàn toàn xã, các cơ quan, tổ chức, người dân đều dùng nước từ giếng khoan và nguồn nước mặt để phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, trong vòng bán kính 3 km tính từ trung tâm UBND xã, các giếng khoan đều ít nhiều bị nhiễm phèn, người dân phải mất thêm chi phí mua bộ lọc mới có thể sử dụng nước để phục vụ sinh hoạt.
Bên cạnh đó, những năm qua, nguồn nước ngầm sụt giảm quá nhanh nên có nhiều vị trí trên địa bàn dù đã khoan giếng sâu hơn 100 m nhưng vẫn không có nước. Trong khi đó, việc khai thác nguồn nước dưới đất phải đăng ký và được UBND tỉnh cho phép, nên người dân không thể tùy tiện muốn khoan giếng là khoan” - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An chia sẻ.
Một số khu vực tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng thường xuyên xảy ra ngập lụt vào mùa mưa hàng năm |
NGẬP CỤC BỘ NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG
Cùng với việc khan hiếm và sử dụng nguồn nước chưa hợp vệ sinh thì tại xã Hiệp An còn thường xuyên xảy ra tình trạng ngập cục bộ do mưa lớn ngày một trầm trọng. Đồng thời, thời gian ngập cục bộ và tiêu thoát hết ngày càng kéo dài hơn.
Trong hai tháng qua, đã xảy ra gần 10 lần ngập cục bộ trên diện rộng, mỗi lần ngập kéo dài khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ tại khu vực 3 thôn K'Rèn, Định An, K’Long. Đây được xem là một vấn đề đáng báo động.
Theo lãnh đạo UBND xã Hiệp An, tại khu vực đang triển khai Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét, hầu như khi có mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh đã gây ngập hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp và một số nhà ở của người dân.
Ngập úng không chỉ gây thiệt hại về tài sản, hoa màu, vật nuôi mà còn làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, gây nguy cơ nhiễm một số bệnh, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ, đời sống của bà con nhân dân.
Một hộ dân tại thôn Định An, giáp thôn K'Rèn bị nước tràn vào nhà khoảng 3 giờ đồng hồ mới rút hết |
TẦM QUAN TRỌNG CỦA DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC TA HOÉT
Với tình hình như hiện tại và những dự báo trong thời gian tới, cho thấy Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét có vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân trên địa bàn huyện. Việc triển khai Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét sẽ giải quyết được cơ bản các vấn đề về nguồn nước của địa phương trong những năm tới như: Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 65.000 dân thuộc các xã Tân Hội, Tân Thành, Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp và thị trấn Liên Nghĩa. Tạo nguồn nước để sau khi hoàn thành hệ thống kênh mương sẽ chủ động cấp nước tưới tự chảy cho khoảng 2.080 ha lúa, rau màu, cây công nghiệp thuộc địa bàn xã Tân Hội, Tân Thành, Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa. Bên cạnh đó, dự án còn kết hợp tạo cảnh quan du lịch và góp phần cải thiện tiểu khí hậu của vùng dự án, nuôi trồng thuỷ sản trong lòng hồ.
Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét khi hoàn thành được đưa vào sử dụng, ngoài các mục tiêu chính là cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt thì còn có thêm mục tiêu cắt lũ cục bộ từ thượng nguồn và các dòng hợp thủy khác, góp phần không nhỏ vào việc ổn định sản xuất của người dân tại khu vực trước đây thường bị ngập lụt cục bộ trên địa bàn xã Hiệp An.
Nhiều diện tích đất thuộc diện thu hồi để làm Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân thôn K'Rèn |
Bên cạnh đó, người dân còn có thể nuôi trồng thủy sản tại lòng hồ, tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống của dân tộc K’Ho tại đây. Từ đó, mang lại hiệu quả về kinh tế, ổn định đời sống cho chính người dân thôn K’Rèn nói riêng và xã Hiệp An, huyện Đức Trọng nói chung.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, dự kiến trong thời gian tới, hồ chứa nước Tuyền Lâm tại TP Đà Lạt sẽ dừng thực hiện điều tiết nước để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho huyện Đức Trọng để tập trung thực hiện cung cấp nước cho TP Đà Lạt cũng đang gặp khó khăn trong cung ứng nguồn nước sinh hoạt.
Do đó, gần 500 ha đất phụ thuộc vào lưu vực tưới của hệ thống Hồ Tuyền Lâm sẽ gặp khó khăn lớn về nguồn nước tưới. Nếu Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét không hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin