Sau 20 năm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 ngày 16/6/2004 của Ban Bí thư (Khoá IX) “về việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” (gọi tắt là Chỉ thị 40), ngành Giáo dục Di Linh đã có bước chuyển biến đáng ghi nhận.
Chất lượng đội ngũ giáo viên của huyện Di Linh cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới |
Theo đồng chí K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Di Linh, điểm nổi bật trong việc thực hiện Chỉ thị 40 đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Nhiệm vụ này được huyện Di Linh chú trọng thực hiện thường xuyên bằng nhiều giải pháp. Bởi vậy, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 40, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của địa phương từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình mới.
Năm 2004, số giáo viên từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở của huyện là 1.301 người. Trong đó đa phần giáo viên mầm non có trình độ trung cấp chiếm 74,5%. Giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp chiếm 58,6%, trình độ cao đẳng, đại học chiếm 39,5%, còn lại trình độ sơ cấp. Giáo viên trung học cơ sở có 58,8% trình độ cao đẳng, trình độ đại học có 39,7%, còn lại trình độ trung cấp. Đến năm 2024, chất lượng giáo viên đạt chuẩn có sự chuyển biến vượt bậc. Theo đó, Di Linh hiện có 1.790 giáo viên thuộc huyện; trong đó, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở cấp học mầm non là 98,4%, ở cấp tiểu học đạt tỷ lệ 90% và cấp trung học cơ sở đạt tỷ lệ 95,5%. Số giáo viên đạt trên chuẩn cũng không ngừng tăng lên trong suốt thời gian qua.
Công tác bồi dưỡng ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ giáo viên cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Đối với địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 42% dân số toàn huyện như Di Linh, việc bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học đặc biệt quan trọng. Hiện tỷ lệ này ở giáo viên mầm non là 14,8% và bậc tiểu học là 5,6%.
Còn đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, năm 2004, địa phương có 122 cán bộ quản lý giáo dục từ bậc mầm non đến trung học cơ sở. Trong đó, chỉ có 50 cán bộ có trình độ đại học. Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đã tăng lên 176 người, ngày càng được chuẩn hoá về trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp quy định. Hiện, 100% cán bộ quản lý giáo dục của huyện Di Linh được xếp chuẩn nghề nghiệp từ khá trở lên.
Song song với việc xây dựng đội ngũ, công tác đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy mới ở các cấp học cũng được ngành Giáo dục huyện Di Linh chú trọng thực hiện. Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh, hiện các cơ sở giáo dục mầm non đã đổi mới sinh hoạt chuyên môn đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ về phát triển chương trình giáo dục trong nhà trường, chia sẻ, hỗ trợ giữa cán bộ quản lý - giáo viên và giáo viên - giáo viên trong xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường, nhóm lớp và văn hoá địa phương.
Còn ở bậc học tiểu học, hàng năm các trường, cụm trường thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn trong quá trình dạy học và đánh giá học sinh, nhất là đối với lớp 1, 2, 3, 4. Đồng thời cập nhật và triển khai kịp thời những nhiệm vụ đặt ra đối với công tác giáo dục trong tình hình mới.
Các trường bậc trung học cơ sở đã chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Hiện 100% trường kết hợp tự đánh giá của học sinh với đánh giá của tập thể và của giáo viên, việc đánh giá lấy mặt tích cực để khuyến khích học sinh trong học tập.
Thực hiện Chỉ thị 40, nhằm đổi mới nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh thực hiện nghiêm công tác kiểm tra đối với cán bộ quản lý giáo dục. Hàng năm, Phòng tổ chức kiểm tra chuyên ngành từ 25 tới 28 đơn vị trường học. Nội dung kiểm tra chủ yếu liên quan đến công tác quản lý của hiệu trưởng, hiệu phó từ đó nâng cao công tác quản lý của cán bộ quản lý giáo dục.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Di Linh trao đổi thêm, 20 năm qua, trên cơ sở Chỉ thị 40, Huyện uỷ Di Linh đã thường xuyên chỉ đạo thực hiện việc tổ chức cho đội ngũ nhà giáo học tập lý luận chính trị, qua đó từng bước nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của đội ngũ nhà giáo ở các bậc học, cấp học. Bởi vậy tỷ lệ giáo viên được các tập thể đánh giá, xếp loại tốt hàng năm tăng lên đạt 85 - 90%, không có giáo viên xếp loại trung bình và yếu. Huyện uỷ cũng chỉ đạo sát sao việc phát triển đảng viên trong các trường học, tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo ngày càng tăng. Vì vậy, đến nay 100% trường học đã có chi bộ độc lập. Chi bộ các trường học luôn phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo các đơn vị trường học thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Việc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng là yếu tố nền tảng quyết định hiệu quả nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của huyện. Đơn cử như gần đây nhất, tổng kết năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 6 học sinh đạt giải, huy chương vàng cấp quốc gia và khu vực miền Trung Tây Nguyên; có 94 học sinh đạt học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh; có 31 học sinh đoạt huy chương vàng các cuộc thi phong trào và thể dục, thể thao tỉnh Lâm Đồng; có 11 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,96%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,88%...
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 là nhiệm vụ được Huyện uỷ Di Linh nói chung và ngành Giáo dục địa phương này nói riêng xác định, rõ. Trong đó trọng tâm là việc rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành để có kế hoạch bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên để có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của người học, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; vận dụng kiến thức vào thực tế theo chương trình sách giáo khoa mới. Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng hình thành năng lực và phẩm chất người học.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin