(LĐ online) - Chiều ngày 15/11 (nhằm ngày 15/10 năm Giáp Thìn), tại Chùa Linh Sơn - Đà Lạt, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã ký kết hợp tác thực hiện 4 đề án “Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc, Di sản” nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Đại biểu tham dự lễ kế kết hợp tác |
Tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Tân - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng; cùng sự hiện diện của các đại đức chư tôn, tăng, ni, cư sĩ, Phật tử từ Trung ương và địa phương tham dự.
Tặng biểu tượng kiến trúc Phật giáo |
Gần 10 năm xây dựng và định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam trên tinh thần “Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng”, đến nay Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đúc kết được 4 đề án chính đó là: Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc và Di sản; trong đó 2 đề án Pháp phục và Ngôn ngữ đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê chuẩn.
Trao tặng Khóa tụng thống nhất |
Hiện nay, Pháp phục của tăng, ni đã được Nhà nước xác nhận về bản quyền, qua đó thống nhất về màu sắc, chất liệu, kiểu cách.
Về Ngôn ngữ, hiện tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 6 bài kinh thống nhất cho các khóa lễ và quốc tế lễ bao gồm 3 bài kinh cho hệ phái Nam truyền và 3 bài kinh cho hệ phái Bắc truyền.
Trao tặng Pháp phục |
Tại buổi lễ, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất ký kết hợp tác các nội dung: Tăng cường giao lưu chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn hóa Phật giáo và các vấn đề liên quan đến văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Ký kết hợp tác giữa Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng |
Hai bên thực hiện hợp tác làm lan tỏa, phát huy ngôn ngữ, pháp phục, nghệ thuật và các biểu tượng văn hóa Phật giáo Việt Nam gồm: Nghiên cứu, thuyết trình, tọa đàm, hội nghị; in ấn, xuất bản, sản xuất các ấn phẩm, sản phẩm văn hóa Phật giáo; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức; triển lãm, thông tin, truyền thông, quảng bá… những giá trị văn hóa Phật giáo.
Phật tử tham dự lễ ký kết |
Phát biểu tại lễ ký kết, Hòa thượng Thích Thanh Tân - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Trong lịch sử hơn 4000 năm dân tộc, đạo Phật đã hòa vào văn hóa Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với dân tộc trong suốt hơn 2000 năm. Đạo Phật có lúc trở thành quốc đạo, là nền tảng tinh thần huy động được sự đoàn kết đồng lòng của cả dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập đất nước; nhiều vị sư đã phò vua giúp nước.
Tư tưởng Phật giáo nhập thế giúp con người hướng thiện, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữ đạo với đời. Với tư tưởng đạo đức từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, ngay từ buổi đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo dễ dàng hòa nhập với các tín ngưỡng truyền thống, bản địa hóa, trở thành một trong những bộ phận của văn hóa dân tộc, tạo thành sức mạnh của người Việt trong quá trình đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Hòa thượng Thích Thanh Tân – Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng phát biểu |
Ngày nay, Phật giáo Việt Nam vẫn giữ được truyền thống theo văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trước những tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, sự phát triển nhanh về sinh kế xã hội đã dần làm biến đổi trong văn hóa dân tộc và kéo theo sự biến đổi ít nhiều văn hóa Phật giáo.
Việc ký kết hợp tác giữa Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng sẽ góp phần vào việc duy trì, xây dựng, phát triển Phật giáo văn hóa xã hội Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng là Phật sự góp phần vào các hoạt động chuẩn bị cho Đại lễ Vesak -Liên hiệp quốc năm 2025 được tổ chức tại Việt Nam vào giữa tháng Tư âm lịch tại TP Hồ Chí Minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin