Đối với chúng tôi, những đứa trẻ ở làng, niềm vui mừng nhất trong đời học sinh không phải là những ngày hè lênh đênh, rong chơi tuổi thơ mà là ngày đáng nhớ nhất 20/11, chúng tôi xem như là ngày Tết để chúc mừng các thầy cô giáo.
Thuở ấy, cuộc sống cũng còn nhiều vất vả, khó khăn. Những đứa trẻ như tôi tiếng là ở làng nhưng được sinh ra từ một vùng miền núi heo hút và sương trắng của miền Trung. Vì khi cha mẹ chúng tôi đi kinh tế mới thì sống theo quê hương, bản quán của mình thành từng khu dân cư gọi là làng và được đặt tên theo tên của làng cũ.
Ngôi trường mà tôi đã học gồm 2 cấp học là cấp 1 cấp 2; thầy cô đa phần là người ở đồng bằng lên núi dạy học. Ngày đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, vẫn là phấn trắng, bảng đen. Nhưng, để làm cho những chiếc bảng gỗ có màu đen hơn, dễ đọc hơn, chúng tôi thường đi xin than và những viên pin mà người dân đã qua sử dụng, dã nhuyễn chúng rồi chà sát lên bảng. Để bảng bóng hơn, chúng tôi mỗi đứa một cây chuối non bị vạt ngang cứ thế thi nhau vẽ chi chít trên tấm bảng.
Đi học, chúng tôi đều đi bộ thành từng tốp, nếu học buổi sáng phải dậy từ khi còn rất sớm, lúc còn tinh sương. Ăn uống qua loa bằng muỗng cơm mà tối hôm qua mẹ đã để dành. Có đứa bụng đói đến trường, đi ven đường thấy quả ổi xanh, đọt cây rừng thì nhai tạm. Còn đứa nào học buổi chiều thì ba mẹ gửi cơm lại cho ông bà hay nhà xung quanh để nhắc nhở ăn cơm đi học đúng giờ. Vì đa phần ba mẹ chúng tôi đều đi làm nông, khai hoang đất trồng lúa, ngô, khoai, sắn ở khá xa.
Ngày 20/11, chúng tôi ai nấy cũng rạo rực vì những tình cảm thầy trò thiêng liêng. Tinh mơ là học trò cả xóm nhỏ đã dậy, chuẩn bị quần áo, quà cho các thầy cô. Lúc đó, quà không có gì giá trị cả. Chúng tôi ai nấy đều như nhau, người thì cha mẹ đốn ở vườn cho một bó mía vác đi, người thì ông bà hái cho một mớ đu đủ xanh, trái mít…, thế là đi đến nhà thầy cô.
Và, đặc biệt là những bó hoa tươi thắm thì không bao giờ thiếu. Trước làng không có cửa hàng bán hoa như bây giờ; hoa chủ yếu là hoa dại, hay chúng tôi đi xin ở những nhà chỉ trồng vài ba cây, chủ yếu là những loại lá cảnh. Hoa, lá được chuẩn bị rất kỹ càng, bó lớp lang đẹp đẽ bằng giấy bóng bọc những thức quà mà Tết cổ truyền cha mẹ chúng tôi cất lại. Bạn học nào không có hoa thì trên đường đến nhà thầy cô chúng tôi xáo lại, chia đều để ai ai cũng có hoa tặng thầy cô nhân ngày đặc biệt.
Nhà chúng tôi ghé đầu tiên là nhà cô giáo chủ nhiệm. Nhà cô ở khá xa nên chúng tôi phải dậy đi bộ từ sớm. Sau khi tặng hoa và chúc mừng là chúng tôi được thưởng thức những viên kẹo mà cô giáo đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi và cô chủ nhiệm đều ngồi chiếu trải ở giữa nhà. Cô giáo hỏi chuyện về việc học ở nhà của từng người, có cố gắng dậy sớm để học bài hay không; hay đã rèn luyện chữ viết như cô đã hướng dẫn chưa. Cô giáo cũng hỏi thăm bố mẹ dạo này làm gì, có trồng thêm được nhiều lúa, ngô, khoai, sắn không. Cô giáo không quên dặn dò chúng tôi cố gắng trông nom em út để bố mẹ yên tâm đi làm xa…
Sau khi rời nhà cô giáo chủ nhiệm, chúng tôi ghé đến các nhà thầy cô khác. Chúng tôi đứng ở sân để chờ các lớp khác ra mới vào chúc mừng vì căn bản lúc đó nhà ai cũng nhỏ, cũng chật. Đến nhà thầy cô nào chúng tôi đều được xem như những “thượng khách”, được thầy cô đãi bằng kẹo, bánh đã chuẩn bị trước đó. Chúng tôi đi thành từng tốp từ tờ mờ sáng, đến lúc trời tối đen mới về đến nhà. Học trò trường làng chúng tôi xem Ngày 20/11 như là ngày Tết vậy và năm nào cũng háo hức, chờ đợi điều đặc biệt này.
Trong chúng tôi, ai nấy đều nhớ như in những kỷ niệm trường làng, nhớ lời thơ cô giáo đã đọc thuở ấy: Thầy cô ơi em biết, đêm khuya em yên giấc… Thầy cô còn soạn bài, chuẩn bị cho ngày mai, dạy chúng em được tốt… Những kỷ niệm Tết ở trường làng chúng tôi không bao giờ quên, cứ đến Ngày 20/11 lại nhắc nhớ về những tình cảm thiêng liêng của thầy trò, về tuổi thơ lúc nào cũng đẹp và trong veo…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin