“Vọng lời ru” và những nỗ lực của nữ thượng tá

NGỌC NGÀ 03:15, 28/11/2024

Chương trình nhạc kịch “Vọng lời ru” và cá nhân Thượng tá Trịnh Thị Hằng - trợ lý công đoàn, phụ nữ Phòng Chính trị là hai “dấu ấn” đậm nét của Học viện Lục quân tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong phụ nữ quân đội năm 2024 do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 11 vừa qua.

Thượng tá Trịnh Thị Hằng (thứ 3 từ trái qua) tham gia hoạt động Tiếp sức mùa huấn luyện.  (Ảnh do NVCC)
Thượng tá Trịnh Thị Hằng (thứ 3 từ trái qua) tham gia hoạt động "Tiếp sức mùa huấn luyện". (Ảnh do NVCC)

Liên hoan là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, tạo sức lan tỏa sâu rộng; góp phần khẳng định kết quả xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong sẵn sàng chiến đấu và trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Có 38 đội thi với hơn 1.000 cán bộ, hội viên, chiến sĩ thuộc 38 cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và các đơn vị kết nghĩa tham gia liên hoan. Các đơn vị đã mang đến liên hoan những chương trình, tiết mục dàn dựng quy mô, giàu bản sắc. Qua đó lan tỏa giá trị của những làn điệu dân ca, những khúc hát ru với sức truyền cảm kỳ diệu, là một phần không thể thiếu của hồn quê, dáng quê đất Việt, là suối nguồn nuôi dưỡng, bồi đắp nên tinh thần, cốt cách của con người Việt Nam; góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Tại liên hoan lần này, cán bộ công đoàn, phụ nữ Học viện Lục quân tham gia với Chương trình “Vọng lời ru”. Nếu sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tuyệt vời cho con trẻ phát triển, thì những lời hát ru lại nuôi dưỡng, tưới tắm tâm hồn con người. “Vọng lời ru” là câu chuyện về một người con sinh ra, lớn lên, trưởng thành, ra trận chiến đấu và hi sinh. Xuyên suốt cuộc đời người con đều có lời ru của mẹ. Mẹ ru con trai từ thuở nằm nôi nghe lời ru của mẹ, đến khi lớn lên, ra trận chiến đấu lời ru của mẹ vẫn là hành trang, là động lực. Và rồi đến cả lúc hy sinh, thứ đọng lại trong tâm hồn của người con vẫn là những lời ru ầu ơ, ngọt ngào của mẹ. Và người mẹ với những khúc hát ru chính là “linh hồn” của nhạc kịch. Người mẹ đã ru con bằng những làn điệu dân ca Bắc Bộ, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên, các điệu Lý (Nam Bộ)…

Thượng tá Trịnh Thị Hằng đảm nhận vai trò phụ trách chung. Chị không chỉ tham gia viết kịch bản mà còn đảm nhận vai trò người hát chính trong vai người mẹ. “Đảm nhận vai người mẹ, đó vừa là vinh dự bởi được thủ trưởng và đồng đội tin tưởng, song cũng là áp lực bởi mình không phải diễn viên chuyên nghiệp”, Thượng tá Trịnh Thị Hằng tâm sự. Dù có lắng lo, nhưng có lẽ với bản chất của người lính, chị đã nhận nhiệm vụ và quyết tâm thực hiện với nỗ lực cao nhất. Bởi vậy sau khi hoàn tất nhiệm vụ ở đơn vị, chị trở về nhà, bao đêm khuya vẫn miệt mài học kịch bản. 

Là người lính nhưng cũng là người mẹ, bởi vậy Thượng tá Trịnh Thị Hằng như “dốc hết tâm can” vào vai người mẹ lính. Lời ru của chị có sự mềm mại của người mẹ thương con, nhưng cũng chứa đựng sự mạnh mẽ, can trường của người chiến sĩ. Nhưng dù có mạnh mẽ đến đâu thì khi nhận tin đứa con hi sinh, người mẹ ấy đớn đau da diết, gào khóc gọi con. Tất cả những diễn biến tâm lý, cảm xúc ấy của người mẹ đã được Thượng tá Trịnh Thị Hằng tái hiện sinh động và chạm đến cảm xúc của người xem.

Kết thúc liên hoan, Học viện Lục quân là một trong 4 đơn vị vinh dự được nhận cờ “Đơn vị đạt kết quả tốt” của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; tiết mục “Vọng lời ru” được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen đạt kết quả xuất sắc. Đặc biệt, cá nhân Thượng tá Trịnh Thị Hằng cũng được nhận Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam vì đã có thành tích biểu diễn xuất sắc. Đó là những niềm vui vỡ oà của cá nhân Thượng tá Trịnh Thị Hằng và đồng đội.

Trở về từ liên hoan, Thượng tá Trịnh Thị Hằng lại tiếp tục với nhiệm vụ trợ lý công đoàn, phụ nữ Phòng Chính trị. Chị cùng với lực lượng phụ nữ của Học viện thêm hăng say học tập, nghiên cứu, công tác để đóng góp nhiều hơn nữa vào những thành tích chung của Học viện anh hùng. Thượng tá Trịnh Thị Hằng chia sẻ: Hiện nay, phụ nữ Học viện đang tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực như: Bảo đảm, phục vụ ở các cơ quan, đơn vị; trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu khoa học; khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và Nhân dân; đón tiếp, phục vụ cán bộ toàn quân đến nghỉ dưỡng; trực tiếp sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, đối với đội ngũ cán bộ nữ trực tiếp giảng dạy, nhiều chị em có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa cấp 1, giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, khoa giảng viên. Đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu khoa học với nhiệt huyết và niềm đam mê sáng tạo không ngừng, có nhiều chuyên đề, tài liệu, đề tài khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn, có hàm lượng khoa học cao được ứng dụng vào thực tế. 

“Cho dù ở cương vị, chức trách nào, Phụ nữ Học viện luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, quyết tâm thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”, Thượng tá Trịnh Thị Hằng khẳng định. Và điều đó được minh chứng khi trong các phong trào thi đua, Phụ nữ Học viện đã triển khai thực hiện có hiệu quả tiêu chí “Bốn tốt”, rèn luyện 4 phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ Học viện tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”; xây dựng và nhân rộng các mô hình: “Tổ phụ nữ ba tốt”, “Khuôn viên xanh”, “Bếp ăn sạch”... Những hoạt động đó là nền tảng để nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng trong các phong trào thi đua. Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, Thượng tá Trịnh Thị Hằng và đồng đội đã giành giải cao tại Hội thi Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi cấp toàn quân năm 2024. Ngoài ra, cũng trong năm 2024 này, nhiều phụ nữ của Học viện Lục quân đã vinh dự được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cờ thi đua và bằng khen của Tổng cục Chính trị.