Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng vừa triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát góp phần giúp cho ngành Y tế địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Nhân viên y tế tiếp đón, hướng dẫn người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông |
Thực hiện Quyết định số 56/QĐ-BYT ngày 8/1/2024 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn về phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công giai đoạn 2024-2030, Sở Y tế Lâm Đồng đã triển khai thực hiện đến các đơn vị trong toàn tỉnh.
Kết quả thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công trên địa bàn tỉnh với tổng cỡ mẫu khảo sát chung 16.956; trong đó, tổng cỡ mẫu trong đo lường dịch vụ khám, chữa bệnh 9.616 và tổng cỡ mẫu trong đo lường đối với dịch vụ tiêm chủng mở rộng 5.548. Qua đó cho thấy, các chỉ tiêu thực hiện đạt được gồm: Tỷ lệ cơ sở khám, chữa bệnh công lập thực hiện đo lường hài lòng đối với dịch vụ khám, chữa bệnh là 18/18 cơ sở, đạt 100%. Tỷ lệ trạm y tế thực hiện đo lường đối với dịch vụ tiêm chủng mở rộng là 111/142 trạm, đạt 78,1%. Tỷ lệ cơ sở y tế công áp dụng kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công của địa phương là 100%. Chỉ số hài lòng chung của người dân đối với dịch vụ khám, chữa bệnh là 93,34%; chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú 94,85%; chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ khám, chữa bệnh ngoại trú 94,27%; chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ tiêm chủng mở rộng là 90,37%.
Đánh giá về kết quả đạt được là các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 56/QĐ-BYT ngày 8/1/2024 theo quy định của Bộ Y tế. Đa số người bệnh đánh giá ở mức hài lòng và rất hài lòng. Thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế và thái độ ứng xử của nhân viên khác (hộ lý, bảo vệ, kế toán…) được đánh giá cao nhất trong 5 phần khảo sát.
Một số tồn tại, hạn chế như: Cơ sở vật chất được người bệnh đánh giá thấp nhất trong các phần do một số bệnh viện đã được xây dựng nhiều năm nên có sự xuống cấp. Người bệnh chưa tiếp cận được nhiều các thông tin đăng ký khám qua điện thoại, trang tin điện tử của bệnh viện do một số bệnh viện mới triển khai. Ghi nhận về phương tiện phục vụ người bệnh tại một số đơn vị: Phòng chờ chưa có nhiều phương tiện giúp người bệnh có tâm lý thoải mái. Nhà vệ sinh chưa thuận tiện, không có giấy hoặc vòi xịt rửa. Nhà vệ sinh, nhà tắm tại các khoa tại một số thời điểm còn chưa sạch sẽ, còn mùi hôi, thiếu giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay tại các nhà vệ sinh của các khoa. Căn tin chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại thời điểm khảo sát. Nước uống nóng, lạnh chưa đầy đủ tại các khoa. Chăn, màn của bệnh nhân tại một số thời điểm còn chưa được thay thế kịp thời. Thời gian tiếp xúc với người bệnh để tư vấn hướng dẫn giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh trong lúc khám chưa nhiều...
Qua khảo sát này, Sở Y tế tỉnh ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc của việc khảo sát là: Phiếu khảo sát nhân viên y tế mặc dù không có tên nhưng lại có tuổi, chức vụ và vị trí công tác nên nhân viên e ngại khi điền phiếu do các thông tin trên vô tình làm lộ người điền phiếu do đó kết quả hài lòng của nhân viên y tế không khách quan. Việc khảo sát sự hài lòng có liên quan đến tâm tư, tình cảm, thái độ của người khảo sát, có thể ảnh hưởng tới sự khách quan của kết quả khảo sát. Trình độ dân trí người bệnh còn thấp, nhận thức của người bệnh không đồng đều, nhiều bệnh nhân không biết đọc, không biết viết, gây nhiều khó khăn trong việc khảo sát hài lòng người bệnh. Việc khảo sát tỷ lệ hài lòng của người thực hiện dịch vụ tiêm chủng mở rộng đã được các đơn vị triển khai thực hiện tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế chưa có phần mềm để xử lý chỉ số này nên các đơn vị chưa thể nhập số liệu và phân tích theo quy định, các đơn vị khác phải phân tích thủ công rất vất vả... Vì vậy, Sở Y tế tỉnh đề nghị Bộ Y tế thiết kế phần mềm khảo sát tỷ lệ hài lòng của người thực hiện dịch vụ tiêm chủng mở rộng để các đơn vị nhập và phân tích dữ liệu theo quy định.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, một số tiêu chí của các thành phần cần có giải pháp khắc phục như: Cơ sở vật chất được người bệnh đánh giá thấp nhất trong các phần đánh giá, nguyên nhân do các bệnh viện đã được xây dựng nhiều năm, một số nhà vệ sinh chưa được sửa chữa kịp thời nên có sự xuống cấp. Những chỉ số thành phần về cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt thấp: Buồng bệnh khang trang, sạch sẽ, có đầy đủ các thiết bị điều chỉnh nhiệt độ phù hợp như quạt, máy sưởi, hoặc điều hòa; nhà vệ sinh, nhà tắm thuận tiện, sạch sẽ, sử dụng tốt; được cung cấp đầy đủ nước uống nóng, lạnh ngay tại khoa điều trị; người bệnh và người nhà người bệnh truy cập được mạng internet không dây (wifi) ngay tại buồng bệnh; được bảo đảm sự riêng tư khi nằm viện như thay quần áo, khám bệnh, đi vệ sinh tại giường… có rèm che, vách ngăn hoặc nằm riêng; căn tin bệnh viện phục vụ ăn uống và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu đầy đủ và chất lượng; đánh giá mức độ hài lòng về giá cả dịch vụ y tế đạt thấp.
Ngành Y tế Lâm Đồng đã đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới như: Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giúp người bệnh có thể đăng ký khám, chữa bệnh qua điện thoại, trang tin điện tử của bệnh viện (website) để làm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Tăng cường công tác chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh. Luôn luôn cập nhật tình hình hư hỏng các cơ sở vật chất phục vụ người bệnh, làm tờ trình báo hỏng để sửa chữa hoặc mua mới kịp thời phục vụ người bệnh. Đảm bảo cung cấp nước đầy đủ phục vụ người bệnh. Chú trọng công tác vệ sinh, đảm bảo sạch sẽ, không có mùi hôi, chống trơn trượt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng. Định kỳ kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, chủ động sửa chữa kịp thời khi có hỏng hóc, đảm bảo nhu cầu sử dụng của người bệnh. Đẩy mạnh việc thực hiện nội dung xây dựng cơ sở y tế “Xanh, sạch, đẹp”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin