Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

DIỆU HIỀN 06:30, 09/12/2024

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện các hoạt động đáp ứng với dịch bệnh và bệnh truyền nhiễm nghiêm túc, đầy đủ chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế. Hướng dẫn các cơ sở y tế trong tỉnh về truyền thông phòng bệnh; thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, rà soát và chuẩn bị hậu cần như thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Khám bệnh bạch hầu cho trẻ em
Khám bệnh bạch hầu cho trẻ em

Từ ngày 1/1/2024 đến 27/11/2024, toàn tỉnh ghi nhận 722 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 532 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023); 52 ca bệnh sởi và 38 ca bệnh COVID-19. Bệnh ho gà có 2 trường hợp dương tính, trong đó 1 trường hợp tử vong tại huyện Đạ Huoai. Bệnh viêm não Nhật Bản có 1 trường hợp tại huyện Đức Trọng. Bệnh viêm màng não do não mô cầu có 4 trường hợp (Bảo Lâm 1 ca, Đạ Tẻh 1 ca, Cát Tiên 2 ca). Bệnh Rubella có 6 trường hợp (trong đó 1 trường hợp dương tính tại Đà Lạt; 5 trường hợp lâm sàng). Số mắc sốt xuất huyết trong tỉnh có 6.895 ca, tăng 2.468 ca so với cùng kỳ năm 2023; tổng số ca sốt xuất huyết nặng ghi nhận là 32 ca, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2023; có 3 trường hợp tử vong (2 ca tại TP Bảo Lộc và 1 ca tại Lâm Hà); đã xử lý bằng biện pháp diệt lăng quăng tại 1.260 ổ dịch và phun hóa chất tại 837 ổ dịch nhỏ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ 4.270 liều vắc xin sởi - rubella (MR) cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện tiêm bù, tiêm vét cho trẻ từ 18 tháng đến dưới 10 tuổi trong tháng 9-10/2024. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã tiếp nhận và phân bổ 1.160 liều vắc xin sởi-rubella (MR) từ nguồn viện trợ để triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 18 tháng tuổi đến dưới 10 tuổi và cán bộ y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch và điều trị kịp thời; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Liên tục rà soát nhằm đảm bảo nhu cầu về thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 4 tại chỗ. Tăng cường giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động phòng, chống dịch trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm, xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh. Kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn, diễn tập đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra hoặc các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp; triển khai hoạt động của các đội đáp ứng nhanh. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh. Triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; chủ động theo dõi, giám sát tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng.

Phối hợp chặt chẽ giữa y tế với giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn để triển khai hiệu quả các hoạt động: vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi; giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch ở động vật và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người; thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý đàn chó, mèo, tổ chức tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo. Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, bám sát, cập nhật diễn biến dịch bệnh trong tỉnh và tại địa phương; thường xuyên đánh giá, phân tích, nhận định, dự báo tình hình và các yếu tố nguy cơ. Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người. Triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch.