(LĐ online) - Những năm gần đây, lượng mưa ở Tây Nguyên nói chung và ở Lâm Đồng nói riêng đã có những biến động tương đối rõ rệt. Nhiều trận mưa với tổng lượng mưa đạt mốc lịch sử đã xảy ra không chỉ trong mùa mưa mà còn trong mùa khô, thời gian mưa cũng kéo dài; có những năm xảy ra mưa liên tục, không ngớt từ 1 đến 2 tháng (như đợt mưa tháng 7-8/2018). Sự biến động này đã và đang gây những ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội trong khu vực.
Sông Đồng Nai quanh co uốn lượng chảy qua địa bàn huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) - Ảnh Khánh Phúc |
Thời gian qua, có rất nhiều những đề tài, dự án, nhiệm vụ đã tập trung nghiên cứu về biến động tình hình mưa cũng như tác động của mưa đến nguồn nước ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng, tuy nhiên, lại có rất ít nghiên cứu về mưa trái mùa và những tác động của nó đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội cụ thể cho tỉnh Lâm Đồng.
Trong bài viết này, các đặc trưng về mưa trái mùa ở tỉnh Lâm Đồng được nghiên cứu dựa trên chuỗi số liệu mưa trên 30 năm tại 07 trạm Khí tượng, Thuỷ văn cơ bản và trên 10 trạm đo mưa trong tỉnh Lâm Đồng.
ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA CÁC ĐỢT MƯA TRÁI MÙA Ở LÂM ĐỒNG
Thời gian kéo dài các đợt mưa
Thời gian kéo dài của đợt mưa từ 01 đến 02 ngày có tần suất từ 22 đến 52%. Thời gian kéo dài của đợt mưa từ 03 đến 04 ngày có tần suất từ 5 đến 11%. Thời gian kéo dài của đợt mưa từ 05 đến 06 ngày có tần suất từ 2 đến 3%. Các đợt mưa trên 6 ngày xảy ra ít.
Số đợt mưa trái mùa theo năm
Trong 30 năm thống kê từ năm 1993 đến 2022 trung bình mỗi năm có khoảng 22 đợt mưa. Năm nhiều nhất có khoảng từ 27 đến 29 đợt mưa. Năm ít nhất có khoảng từ 13 đến 14 đợt mưa.
Xu thế tăng số lượng đợt mưa theo thời gian. Trong chuỗi số liệu từ năm 1993 đến 2022, xu thế các đợt mưa tăng theo thời gian với tốc độ tăng khoảng 2 đợt/thập kỷ.
Phân bố tổng lượng mưa trái mùa theo tháng
Theo số liệu thống kê từ năm 1993 đến năm 2022 mùa khô trên khu vực Tây Nguyên bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Lượng mưa trung bình các tháng phổ biến từ 40 đến 80mm/tháng, riêng khu vực phía Nam và phía Tây Bắc tỉnh từ 80 đến 100mm. Tháng 01 và 02 phổ biến từ 5 đến 30mm/tháng. Tháng 3 phổ biến 30 đến 60mm/tháng. Tháng 4 và tháng 11 phổ biến 100 đến 150mm/tháng. Tháng 12 phổ biến 20 đến 50mm/tháng.
Tần suất xảy ra mưa nhỏ là từ 6 đến 20%; Mưa thường là từ 4 đến 7%. Mưa vừa từ 3 đến 5%. Mưa to là từ 0.5 đến 1%. Mưa rất to dưới 0.2%.
Phân bố của các đợt mưa theo tháng không đồng nhất. Tháng có nhiều đợt mưa nhất là tháng 4, tháng 11 (chiếm tỷ lệ 25 và 26% trong tổng số các đợt mưa). Tháng có ít đợt nhất là tháng 01 (chiếm tỷ lệ 8% trong tổng số các đợt mưa).
Trong 30 năm nghiên cứu có tổng số 649 đợt mưa trái mùa, trung bình 21 đợt/năm. Xét về diện mưa có 215 đợt mưa vài nơi, 135 đợt rải rác, 101 đợt nhiều nơi và 198 đợt hỗn hợp.
Trong 215 đợt mưa ở diện vài nơi, mỗi đợt có thời gian từ 01 đến 04 ngày/đợt. Với các trạm có mưa, lượng mưa phổ biến 5 đến 40mm/đợt. Lượng mưa trung bình đợt từ 1 đến 20mm.
Trong 135 đợt mưa diện rải rác có từ 01 đến 04 ngày mưa/đợt. Với các trạm có mưa, lượng mưa phổ biến 5 đến 30mm/đợt. Lượng mưa trung bình đợt từ 5 đến 15mm.
Trong 101 đợt mưa diện nhiều nơi phổ biến có từ 01 đến 03 ngày mưa/đợt. Lượng mưa phổ biến 10 đến 50mm/đợt. Lượng mưa trung bình đợt từ 15 đến 25mm.
Trong 198 đợt mưa diện hỗn hợp phổ biến từ 02 đến 06 ngày mưa. Lượng mưa phổ biến 10 đến 50mm/đợt. Lượng mưa trung bình đợt từ 20 đến 50mm/đợt.
Mùa mưa ở lưu vực sông Đồng Nai có sự phân hoá theo không gian và biến đổi theo mùa rõ rệt, hình thành một mùa khô tương phản sâu sắc với mùa mưa - Ảnh Khánh Phúc |
ĐÁNH GIÁ NGUỒN NƯỚC TRÊN SÔNG ĐỒNG NAI TỈNH LÂM ĐỒNG
Lưu vực sông Đồng Nai tính đến trạm Tà Lài nằm chủ yếu trong địa phận tỉnh Đắk Nông và tỉnh Lâm Đồng. Khí hậu tương đối ôn hoà vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang khí hậu cao nguyên mát dịu ở vùng cao, không quá cao trong mùa Hạ, không quá thấp trong mùa Đông. Mùa mưa ở lưu vực sông Đồng Nai có sự phân hoá theo không gian và biến đổi theo mùa rõ rệt, hình thành một mùa khô tương phản sâu sắc với mùa mưa. Sự dao động hàng năm của các đặc trưng mưa tạo sự khác biệt giữa tình hình mưa năm này với năm khác; có 2 mùa, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 10, khoảng 6 tháng, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy vậy, cũng có nơi mưa xuất hiện và kết thúc sớm hay muộn hơn, và vì thế, thời gian mưa cũng dài ngắn khác nhau.
Toàn bộ lưu vực nằm trên diện tích của các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận và một phần của 2 tỉnh Đắk Nông và Long An. Tổng diện tích lưu vực sông Đồng Nai khoảng 44.100 km2, trong đó phần diện tích nằm trên lãnh thổ Việt Nam là 37.400 km2, phần diện tích ngoài nước là 6.700 km2.
Ở lưu vực sông Đồng Nai mùa lũ đến muộn và kết thúc cũng muộn hơn mùa mưa khoảng từ 2 đến 3 tháng, do thời gian đầu mùa mưa, lượng mưa chủ yếu tham gia vào quá trình thấm và điền trũng nên chưa tạo thành dòng chảy mặt để bổ sung vào nguồn nước sông suối. Các tháng đầu mùa mưa, lượng dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm nhỏ chưa đủ gây ra những trận lũ lớn.
Ở lưu vực sông Đồng Nai mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 nhưng tới tháng 7, tháng 8 mùa lũ mới bắt đầu, có thể nhận định tổng quát như sau: Mùa lũ trên các sông Cam Ly bắt đầu từ tháng 7 kết thúc vào tháng 11; Mùa lũ trên các sông La Ngà và Đắk Nông bắt đầu từ tháng 7 kết thúc vào tháng 10.
Sự phân phối dòng chảy giữa mùa lũ và mùa cạn hàng năm rất mất cân đối. Tổng lượng dòng chảy mùa lũ trên các sông suối chiếm tới 58.0 đến 75.4% tổng lượng dòng chảy năm.
Lượng dòng trên các sông suối ở lưu vực sông Đồng Nai chủ yếu sản sinh ra trong các tháng mùa lũ. Trên các sông Đắk Nông, La Ngà mùa lũ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10, sông Cam Ly từ tháng 7 đến tháng 11. Như vậy thời gian mùa lũ kéo dài 4 đến 5 tháng, tổng lượng dòng chảy chiếm 58.0% đến 75.4% tổng lượng dòng chảy cả năm.
Đường lũy tích sai chuẩn của 3 trạm Thanh Bình, Đại Nga, Đắk Nông: Nhìn chung dòng chảy năm trên toàn lưu vực có xu hướng giảm trong các thời kỳ đầu và xen kẽ năm nước nhiều nước ít ở các thời kỳ sau.
Mức độ giảm dòng chảy năm so với thời kỳ có sự khác nhau giữa các trạm và giữa các thời kỳ. Dòng chảy trên các trạm biến đổi ít trong thời kỳ từ 1980 - 2010, sau năm 2010 dòng chảy biến đổi mạnh và lệch chuẩn rõ rệt.
Sông Đồng Nai cung cấp nguồn nước tưới quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vựa lúa Cát Tiên (huyện Đạ Huoai) trong mùa khô - Ảnh Khánh Phúc |
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC ĐỢT MƯA TRÁI MÙA ĐẾN NGUỒN NƯỚC TRÊN SÔNG ĐỒNG NAI TỈNH LÂM ĐỒNG
Lưu vực sông Đồng Nai nằm trên vùng đất liên quan đến 11 tỉnh/thành là Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh (TPHCM), Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng diện tích 49.643,53 km2.
Qua kết quả nghiên cứu của chuyên đề: “Nghiên cứu xây dựng quan hệ tương quan giữa các đợt mưa trái mùa với nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai”, kết hợp với phân tích tổng hợp về mưa trái mùa trên lưu vực sông Đồng Nai (khu vực Tây Nguyên), nhóm tác giả đưa ra nhận định như sau:
Với lượng mưa phổ biến từ 30.0 đến 70.0mm, dòng chảy tại các trạm đều có sự biến đổi đáng kể, lượng dòng chảy có thể gấp đôi hoặc hơn so với dòng chảy nền trước khi có mưa, xảy ra rõ nhất ở các trạm ít chịu ảnh hưởng của vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Cá biệt có những trận mưa lớn như tổng lượng mưa hai ngày 04 và 05 tháng 04 năm 1996 tại trạm Thanh Bình đạt 133mm thì lượng dòng chảy có sự gia tăng đáng kể, lượng dòng chảy cao gần gấp 3 lần so với dòng chảy ngày 07/4/1996 khi có mưa nhỏ, tại trạm Đại Nga đạt 104.7mm thì lượng dòng chảy cao gần gấp 5 lần so với dòng chảy ngày 07/4/1996. Tuy nhiên, cũng có những trận mưa chỉ diễn ra trong một ngày nhưng lượng phổ biến từ 30.0 đến 40.0mm, thì dòng chảy có sự biến động nhưng không đáng kể, do hiện nay có các thủy điện phía thượng lưu các trạm thủy văn, nên lượng dòng chảy được giữ lại trong các hồ.
Mưa trái mùa có nhiều tác động đến sản xuất nông, lâm nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân trên lưu vực sông Đồng Nai nói riêng, mưa trái mùa thường được đánh giá là “cơn mưa vàng”. Sự xuất hiện mưa trái mùa đã làm giảm không khí oi bức trong thời kỳ cao điểm giữa mùa khô, hạn chế khả năng cháy rừng trong những tháng cao điểm mùa khô, giải hạn cho nhiều hàng ngàn ha cà phê và các cây trồng khác. Một trận mưa có thể cung cấp lượng nước bằng một đợt tưới cây cà phê, cây ăn quả của người dân nên đã giúp người dân giảm bớt chi phí đầu tư, riêng cây cao su rất cần nước và theo kinh nghiệm của nhà nông, nếu có mưa, lượng mủ thu hoạch sẽ tăng lên gấp đôi.
Bên cạnh những mặt tích cực của mưa trái mùa thì nó cũng gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất lúa, hoa màu và vườn cây ăn quả... Điều này không những ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, nhưng tác hại đáng kể là đối với cây trồng, vì do thời tiết khô ráo, người dân chủ quan, ít đề phòng, nên khi có mưa kèm theo gió mạnh xảy ra là làm hư hỏng rất nhiều hoa màu, cây ăn trái, nhất là rau màu...
KẾT LUẬN
Về mưa trái mùa ở Lâm Đồng
Trung bình trong một tháng có khoảng từ 03 đến 09 ngày (tập trung vào tháng 4 và tháng 11).
Tổng lượng mưa: Tổng lượng mưa trung bình trong các các tháng mùa khô phổ biến từ 160 đến 500mm. Lượng mưa trung bình tháng khoảng 40 đến 90mm/tháng.
Tần suất xảy ra mưa nhỏ là từ 8 đến 12; Mưa thường là từ 3 đến 5%. Mưa vừa từ 2 đến 4%. Mưa to là từ 0.3 đến 0.7%. Mưa rất to dưới 0.3%.
Thời gian kéo dài của đợt mưa từ 01 đến 02 ngày có tần suất từ 18 đến 70%. Thời gian kéo dài của đợt mưa từ 03 đến 04 ngày có tần suất từ 2 đến 12.%. Thời gian kéo dài của đợt mưa từ 05 đến 06 ngày có tần suất từ 1 đến 3%. Thời gian kéo dài của đợt mưa trên 06 ngày rất ít khi xảy ra.
Về nguồn nước trên sông Đồng Nai tỉnh Lâm Đồng
Lượng dòng trên các sông suối ở lưu vực sông Đồng Nai chủ yếu sản sinh ra trong các tháng mùa lũ. Trên các sông Đắk Nông, La Ngà mùa lũ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10, sông Cam Ly từ tháng 7 đến tháng 11. Như vậy thời gian mùa lũ kéo dài 4 đến 5 tháng, tổng lượng dòng chảy chiếm 58.0% đến 75.4% tổng lượng dòng chảy cả năm.
Về tác động của mưa trái mùa đến nguồn nước trên các sông Đồng Nai tỉnh Lâm Đồng
Trong 649 đợt mưa thì có đến 214 đợt chỉ có mưa vài nơi (số trạm có mưa dưới 1/3 tổng số trạm đo), 131 đợt mưa rải rác (số trạm có mưa từ 1/3 đến dưới 2/3 tổng số trạm đo), 107 đợt mưa nhiều nơi (số trạm có mưa trên 2/3 tổng số trạm đo), số còn lại là đợt mưa có các ngày mưa kết hợp các kiểu mưa trên. Do vậy, lượng dòng chảy mặt được hình thành là rất ít, hầu như chỉ đủ thấm và bốc hơi. Một lượng nhỏ hình thành quá trình chảy tràn và rất ít đợt mưa mới hình thành lũ trên các lưu vực nhỏ cũng như các khu vực đô thị, đông dân cư.
Mưa trái mùa đã có tác động tới dòng chảy trên lưu vực sông Đồng Nai (khu vực Tây Nguyên) như sau: Lượng mưa phổ biến từ 30.0 đến 70.0 mm, dòng chảy tại các trạm đều có sự biến đổi đáng kể, lượng dòng chảy gấp đôi hoặc hơn, so với dòng chảy nền trước khi có mưa, xảy ra rõ nhất ở các trạm ít chịu ảnh hưởng của vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Mưa trái mùa đã có những tác động tích cực đến dòng chảy mặt trong mùa khô hạn, cải thiện tình hình nguồn nước tưới cho hàng ngàn ha cà phê, tiêu, cao su trong mùa khan hiếm nước, làm giảm nền nhiệt và giảm nguy cơ cháy rừng trên lưu vực. Bên cạnh đó, thì mưa trái mùa cũng có những tác động tiêu cực đến dòng chảy trong mùa cạn. Đối với các lưu vực có diện tích nhỏ, độ dốc lớn và các khu đô thị, đông dân cư và các khu vực dễ sạt lở thì mưa trái mùa sẽ có thể gây lũ, ngập úng và sạt lở đất... ảnh hưởng đến hoa màu, đời sống của người dân.
Hàng năm về mùa mưa bão, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đều tổ chức diễn tập đảm bảo công tác phòng chống lũ trên sông Đồng Nai - Ảnh Khánh Phúc |
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP
Giải pháp trước mắt
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu làm thời tiết thay đổi thất thường, không theo quy luật. Do đó cách tốt nhất là phòng, tránh để giảm thiểu thiệt hại, như thay đổi nhận thức theo hướng đề phòng, sẵn sàng ứng phó tình huống thất thường của thời tiết, của mưa trái mùa.
Cấp ủy chính quyền địa phương các cấp vận động bà con nông dân nạo vét ao, hồ, đào thêm giếng để trữ nước, phân chia, điều tiết lịch bơm nước hợp lý; hướng dẫn cho bà con nông dân giữ ẩm cho diện tích rau màu và các loại cây trồng bằng cách kết hợp các biện pháp truyền thống và hiện đại (ủ gốc, phủ màng PVC…).
Áp dụng kỹ thuật tưới phun cho cây công nghiệp, hệ thống tưới nhỏ giọt cho rau màu. Hướng dẫn các hộ dùng nước có biện pháp lấy nước từ ao hồ, sông suối, giếng đào tự có gần nhất bổ sung kịp thời nguồn nước tưới nếu xảy ra hạn.
Đối với hộ, đơn vị sản xuất có điều kiện thì hãy sử dụng nhà lưới, mái che hoặc trồng rau màu trong nhà lưới, sẽ giúp làm giảm tối đa tác động của mưa lớn, gió mạnh gây hư hỏng rau màu.
Đối với cây ăn trái, nhà vườn cần kiểm tra kỹ tình trạng cây trong vườn, nếu nhận thấy cây đã ra hoa, đậu trái non bị rụng nhiều thì tránh phun thuốc vì không hiệu quả; cần theo dõi dự báo thời tiết và đợt ra hoa tiếp theo để tăng cường bón phân lân, kali, hữu cơ và phòng bệnh khi có hoa. Nếu cây đang trổ hoa, hoặc chuẩn bị ra hoa muộn, thì phun thuốc trừ bệnh bọ trĩ, nhện hại để bảo vệ hoa, bổ sung vi lượng (Bo) nhằm tăng khả năng đậu trái.
Chủ động phối kết hợp với các chủ hồ chứa trên địa bàn điều tiết lịch xả nước của các hồ, đập phù hợp với mùa vụ, vận động nhân dân nối nhiều máy bơm để tưới chống hạn cho diện tích cà phê ở vùng cao hoặc xa nguồn nước.
Nâng cao năng lực dự báo khí tượng, thủy văn để có thông tin chính xác về lượng mưa, mực nước và dòng chảy trên sông. Thông tin này sẽ hỗ trợ quyết định quản lý nguồn nước và đưa ra biện pháp phòng ngừa kịp thời những tác động tiêu cực của mưa trái mùa. Thường xuyên cập nhật các thông tin diễn biến thời tiết, dự báo mưa, dòng chảy để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán.
Giải pháp lâu dài
Tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa theo quy hoạch được phê duyệt. Quản lý, khai thác đồng bộ và hiệu quả các công trình thủy lợi đảm bảo chống hạn;
Nghiên cứu, xây dựng các hồ chứa, đập điều tiết nhằm kiểm soát dòng chảy, nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi hiện có để tăng khả năng điều tiết. Khuyến khích xây dựng các công trình trữ nước mưa, tái sử dụng nước tại hộ gia đình, cơ sở sản xuất.
Hạn chế khai thác khoảng sản, quặng trái phép gây ngập úng mùa lũ và thiếu hụt nước mùa khô;
Thực hiện đúng theo quy hoạch cân bằng nước của các sông suối trong tỉnh, từng bước đầu tư xây dựng thêm các công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa để bổ sung nguồn nước về mùa kiệt và tham gia điều tiết lũ vào mùa mưa, yêu cầu khi lập dự án xây dựng các hồ chứa phải tính toán điều tiết nhiều năm nhằm tăng khả năng tích nước;
Thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên môn về tài nguyên, môi trường của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn để nắm bắt được nội dung các văn bản pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, quản lý hoạt động khai thác nguồn nước hợp lý nói chung và bảo vệ môi trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin