Dinh dưỡng hợp lý

AN NHIÊN 05:30, 23/12/2024

10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030 của Bộ Y tế được ban hành kèm theo Quyết định 3594/QĐ-BYT ngày 29/11/2024 là cơ sở để các đơn vị trong ngành Y tế phục vụ cho công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý trong Nhân dân.

Mô hình nấu cháo dinh dưỡng cấp phát cho trẻ em và người già tại xã Đạ M’rông (Đam Rông)
Mô hình nấu cháo dinh dưỡng cấp phát cho trẻ em và người già tại xã Đạ M’rông (Đam Rông)

Lời khuyên số 1: Ăn đủ, cân đối và đa dạng các loại thực phẩm hằng ngày; phối hợp hợp lý thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật.

Lời khuyên số 2: Sử dụng hằng ngày các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; các loại rau, củ, quả có màu sắc khác nhau. Đọc kỹ thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng.

Lời khuyên số 3: Sử dụng hợp lý các loại thực phẩm giàu đạm; nên ăn cá, thịt gia cầm và các loại hạt trong bữa ăn hằng ngày; ăn có mức độ các loại thịt đỏ.

Lời khuyên số 4: Uống đủ nước hằng ngày.

Lời khuyên số 5: Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý; bổ sung sắt và acid folic hoặc đa vi chất theo hướng dẫn.

Lời khuyên số 6: Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Lời khuyên số 7: Hạn chế sử dụng các loại thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều muối, nhiều đường, đồ uống có đường, có cồn.

Lời khuyên số 8: Bảo đảm an toàn trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.

Lời khuyên số 9: Tổ chức tốt bữa ăn gia đình. Ăn đủ bữa (sáng, trưa, tối) phù hợp với lứa tuổi, không ăn quá no, không bỏ bữa.

Lời khuyên số 10: Duy trì và kiểm soát cân nặng hợp lý; thực hiện lối sống năng động, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi (chiều cao/tuổi) trong 10/2024 tại Lâm Đồng là 14,9% (kế hoạch năm của Chính phủ là 18,5%). Trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 10,18%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ dưới 5 tuổi là 14,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể béo phì là 0,98%.

Ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định 02/QĐ-TTg năm 2022) gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng. Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nhất là can thiệp dinh dưỡng tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, hải đảo; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dinh dưỡng đối với thực phẩm; xây dựng chính sách, cơ chế tài chính bao gồm cả việc chi trả của Bảo hiểm y tế cho các hoạt động dinh dưỡng trong cơ sở y tế và trường học; xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

 Đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi, gầy còm, thừa cân béo phì của trẻ dưới 5 tuổi là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và vận động xã hội: Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về công tác dinh dưỡng từ Trung ương đến địa phương; chú trọng việc lồng ghép, phối hợp với các chương trình, dự án có liên quan đến dinh dưỡng. Huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia triển khai Chiến lược. Khuyến khích các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện Chiến lược thông qua tài trợ cho các hoạt động dinh dưỡng; bảo đảm dinh dưỡng tại nơi làm việc; sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, thực hiện đúng các quy định về sản xuất và kinh doanh thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng.

Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng: Tăng cường truyền thông vận động đến các nhóm hoạch định chính sách để đưa các nội dung về công tác dinh dưỡng vào các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện tại các cấp. Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông với các loại hình, phương thức, nội dung phù hợp với từng vùng, miền và từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao hiểu biết, thực hành dinh dưỡng hợp lý đặc biệt là phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, kiểm soát thừa cân - béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng cho mọi tầng lớp Nhân dân. Nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục, tư vấn về thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời. Chú trọng giáo dục về kỹ năng mềm, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để hình thành lối sống, thói quen lành mạnh về dinh dưỡng hợp lý. Tăng cường thời lượng truyền thông, hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng bảo đảm tính bền vững, đặc biệt là mạng lưới cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và nhân viên y tế thôn bản ở tuyến y tế cơ sở; chuẩn hóa cán bộ làm công tác dinh dưỡng lâm sàng. Xây dựng khung chương trình, chuẩn hóa tài liệu đào tạo về dinh dưỡng trong hệ thống trường y. Nâng cao năng lực giảng dạy, đào tạo về dinh dưỡng cho đội ngũ giáo viên của các trường. Nâng cao chất lượng nội dung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về công tác dinh dưỡng tại cộng đồng, trường học và bệnh viện. Nâng cao năng lực cho cán bộ các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo về triển khai lồng ghép các hoạt động dinh dưỡng trong các chương trình, đề án.

Tăng cường chuyên môn kỹ thuật triển khai can thiệp dinh dưỡng. Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về dinh dưỡng, thực phẩm phù hợp cho người Việt Nam. Tăng cường phát triển kỹ thuật và nghiên cứu mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ công tác dinh dưỡng.