(LĐ online) - Với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu”, tối ngày 5/12/2024 tại Quảng trường Lâm Viên thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức khai mạc Festival hoa lần thứ X trong không gian se lạnh của bầu trời cao nguyên cuối năm. Hàng vạn người dân Đà Lạt và du khách đã nô nức đổ ra đường đi chơi mùa lễ hội; ai cũng áo ấm, khăn quàng, găng tay, mũ len hít hà một cách thú vị trong cái lạnh thở ra khói...
Khán đài đêm khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 |
Đã 20 năm kể từ năm 2004 thành phố Đà Lạt khởi đầu ý tưởng tôn vinh nghề trồng hoa và người trồng hoa bằng một lễ hội “Lễ hội sắc Hoa Đà Lạt” khá thành công để sau đó, năm 2005 lễ hội chính thức được gọi tên Festival Hoa Đà Lạt. Từ đó đến nay đã diễn ra 10 mùa Festival Hoa với 10 chủ đề khác nhau làm cho các mùa lễ hội trở nên phong phú và thu hút sự chờ đợi của du khách bốn phương:
• Festival Hoa lần thứ I (10 - 18/12/2005), chủ đề “Đà Lạt - Điểm hẹn muôn sắc hoa”.
• Festival Hoa lần thứ II (15 - 22/12/2007), chủ đề “Hoa Đà Lạt - Tôi yêu bạn”.
• Festival Hoa lần thứ III (1 - 4/1/2010), chủ đề “Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa”.
• Festival Hoa lần IV (30/12/2011 - 3/1/2012), chủ đề “Đà Lạt - Thành phố Festival hoa”.
• Festival Hoa lần thứ V (28/12/2013 - 2/1/2014), chủ đề “Tây Nguyên - Âm vang tiếng gọi đại ngàn”.
• Festival Hoa lần thứ VI (29/12/2015 - 4/1/2016”, chủ đề “Đà Lạt - Muôn màu sắc hoa”.
• Festival Hoa lần thứ VII (22 - 27/12/2017), chủ đề “Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
• Festival Hoa lần thứ VIII (20 - 24/12/2019), chủ đề “Đà Lạt và Hoa”.
• Festival Hoa lần thứ IX (khai mạc vào tối 18/12/2022), chủ đề “Đà Lạt - Thành phố bốn mùa hoa”.
• Và Festival hoa Đà Lạt lần thứ X với chủ đề "Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu" đang diễn ra trong vòng một tháng kể từ ngày 5 đến ngày 31/12/2024.
Đến hẹn lại lên, cứ 2 năm một lần Festival Hoa Đà Lạt sẽ còn tiếp diễn bỡi nhiều thế hệ người Đà Lạt tiếp theo nếu không có gì thay đổi. Nhưng để có Festival hoa rực rỡ sắc màu cho hậu thế, chúng ta cũng cần nhớ đến công lao của tiền nhân, những người gieo mầm đầu tiên cho nghề hoa ở Đà Lạt.
Theo nghiên cứu của 2 tác giả Trần Ngọc Trác và Mai Văn Bảo thì từ cuối những năm 20 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Thái Hiến người Đô Lương, Nghệ An đã đưa nhiều gia đình từ xứ Nghệ lên Đà Lạt lập nghiệp với nghề trồng rau, hoa khi ông được giao công việc trồng và chăm sóc hoa trong các vườn hoa công sở. Ông đã đưa được nhiều giống rau và hoa từ Pháp về mở rộng nghề trồng rau, hoa ở Đà Lạt và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp kích thích nghề trồng rau hoa phát triển. Và theo một số tài liệu nghiên cứu khác thì từ rất sớm vào những năm ba mươi của thế kỷ trước những người nông dân có nghề trồng hoa từ các làng hoa Nghi Tàm, Tây Tựu, Xuân Tảo, Quảng Bá, Ngọc Hà, Vạn Phúc…quanh Hồ Tây Hà Nội đã đến Đà Lạt ươm mầm đầu tiên cho tên gọi thành phố hoa sau này. Những người đến từ các làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ đã lập nên ấp Hà Đông tại Đà Lạt, và đã trở thành làng hoa nổi tiếng cho đến bây giờ. Nghề trồng rau, hoa tiếp tục lan rộng trong hầu hết các nhóm lưu dân khác và sau này là cư dân Đà Lạt. Cho đến nay Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngàn hoa trong đó có sự góp phần của 3 làng hoa nổi tiếng, đó là làng hoa Hà Đông, làng hoa Thái Phiên và làng hoa Vạn Thành. Nông dân Đà Lạt trồng rau và hoa ngay từ đầu đã đi vào sản xuất hàng hóa, sản phẩm họ làm ra được cung cấp cho giới tinh hoa người Pháp đang sinh sống tại Đà Lạt, sau đó khi giao thông và giao thương phát triển, hàng hóa của nông dân Đà Lạt được bán đi nhiều tỉnh trong nước và sau này được đưa ra cả nước ngoài. Điều đó nói lên rằng nông dân Đà Lạt đã sớm tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, sớm làm quen với các thông tin và các hoạt động thị trường, cho thấy nông dân Đà Lạt có trình độ cao hơn ở một số vùng miền khác!
Du khách và hoa bên hồ Xuân Hương |
Cho đến nay Đà Lạt đã có trên 6 ngàn ha đất trồng hoa với sản lượng lên tới khoảng 2 tỉ rưỡi cành hoa thương phẩm, giá trị cây hoa cắt cành đạt 1 tỉ đồng/ha/năm, thậm chí có một số mô hình trồng hoa cao cấp có giá trị thu hoạch từ 2,5 tỉ đến 3 tỉ đồng/ha/năm. Nói về những người có công đưa hoa về Đà Lạt, chúng ta cũng phải kể đến kỹ sư Lương Văn Sáu, một trong những kỹ sư canh nông thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam. Ông tốt nghiệp trường Verseille ở Pháp, người mang hạt giống cây phượng tím về ươm và trồng dọc các đường phố Đà Lạt; đến nay còn được 3 cây đầu giòng còn sống mà người Đà Lạt rất quí, một ở vườn Bích Câu, một ở đường Nguyễn thị Minh Khai và một trước cổng vào Thủy Tạ, sau này thành phố nhập giống phượng tím từ Úc về trồng khá nhiều nhưng cây không có tán đẹp mà vuơn thẳng lên cao, hoa sáng bóng với màu tím nhạt; trong lúc những cây phương tím cổ thì tán tỏa ra như tạo dáng, cây sai hoa, màu hoa tím đậm và buồn buồn nhìn lâu ta có cảm giác như ảo ảnh. Có lần sang Nam Phi tôi được chiêm ngưỡng những hàng phượng tím tuyệt đẹp trên đường phố của thủ đô Johannesburg và nhận ra rằng có lẽ nguồn gốc của 3 cây phương tím đầu tiên ở Đà Lạt là xuất phát từ đây .
Ngoài hàng trăm các loài hoa thương phẩm mà người trồng hoa Đà Lạt chăm chút, thu hoạch đưa ra thị trường thì chúng ta cũng biết ơn đất trời Đà Lạt đã ban tặng cho con người hàng ngàn loài hoa thiên nhiên khác, các loài hoa dại, hoa thiên nhiên cứ tự mọc, tự sinh sôi nẩy nở, hoa mọc ở ven hồ, hoa trên đồi, hoa trong rừng, bên lối đi, trên vách đá, trên tường rào thậm chí cả trên những mái nhà cổ cũng chìa ra vài cành hoa đong đưa trước gió …v…v…mà cho đến nay chúng ta cũng chưa gọi được hết tên các loài hoa dại, hoa thiên nhiên đã làm nền cho thành phố mờ sương lung linh trong sương mờ.
Đã 20 năm và đã qua 10 lần tổ chức Festival Hoa nhưng lần nào du khách và người Đà Lạt cũng nô nức đợi chờ, đón chào và tham gia lễ hội, vì mỗi lần có thêm một nét mới ít trùng lắp nên đỡ nhàm chán. Festival Hoa lần thứ X có những nét mới so với trước, đó là kịch bản lễ khai mạc ngắn gọn không lê thê; các hoạt cảnh sân khấu hiện đại, tốc độ nhanh và hấp dẫn; ánh sáng trên nền công nghệ mới hiện đại và hoành tráng, có cả drone lihgt chiếu những hình ảnh đẹp của Đà Lạt lên không trung trông lạ mắt và thích thú; Festival Hoa lần này không chỉ tập trung ở Đà Lạt mà còn có nhiều hoạt động trải rộng ra cả tỉnh và thời gian kéo dài gần một tháng từ ngày 5 đến ngày 31/12/2024. Chưa phải tất cả, nhưng người dân Đà Lạt đã tham gia một số chương trình hoạt động như trồng hoa trang trí làm đẹp đường phố, trình diễn áo dài, carnavan đường phố Hoa và Di sản, thời trang hoa, phiên chợ rau và hoa...đã làm cho người nông dân và người dân Đà Lạt nhận ra rằng mình cũng là chủ thể của lễ hội chứ không phải chỉ là khách trên chính thành phố quê mình!
Đã có mười chủ đề khác nhau qua mười mùa lễ hội nhưng tất cả cũng chỉ xoay quanh Đà Lạt và Hoa, mà có lẽ Đà Lạt và Hoa cũng sẽ là đề tài còn nhiều đất để khai thác, chúng ta hy vọng các nhà sáng tạo sẽ có những nội dung và hình thức mới ngày càng cao về triết lý và ngaỳ càng hấp dẫn về nghệ thuật để tránh trùng lắp và nhàm chán. Trong đó ngoài các chương trình khai mạc, bế mạc và các chương trình nghệ thuật khác, có lẽ rất cần thiết tổ chức cho mọi người dân, mọi nhà, mọi tổ dân phố, phường đều tham gia Festival Hoa Đà Lạt với điều tâm huyết là “Qua mỗi mùa lễ hội hãy để lại cho Đà Lạt một bộ mặt mới”. Để tiến đến chào mừng Festival Hoa, về phía Nhà nước phải là những con đường đẹp hơn hoặc một công trình xây dựng phục vụ cộng đồng…Về phía người dân thì nhà sạch vườn đẹp, những đường hoa và cây xanh làm sạch và đẹp cho tổ dân phố; chính quyền lên kế hoạch phát động thi đua có đánh giá và khen thưởng, phần thưởng nên là những con đường trải nhựa, hoặc một dàn đèn đường hoặc một vài camera an ninh cho khu phố. Chính quyền có chủ trương và kế hoạch cụ thể có lẽ người dân Đà Lạt sẽ hưởng ứng sôi nổi. Ngoài ra thành phố cần qui hoạch và ươm sẵn cây giống, hướng dẫn kỹ thuật để huy động cả người dân và khách du lịch trồng tạo nên những đồi Hoa sim, thung lũng Mimosa, rừng hoa Anh đào đường hoa Phượng tím…được gắn tên mình lên cây trồng. Cứ sau mỗi mùa lễ hội để lại một vài công trình như thế thì bộ mặt Đà Lạt ắt sẽ tươi mới hơn sạch hơn, xanh hơn, đẹp hơn, và qua nhiều mùa Festival hoa có lẽ Đà Lạt sẽ đẹp lắm…
Tiểu cảnh bên hồ Xuân Hương |
Đó là ý nghĩa lớn về cảnh quan, môi trường; còn về ý nghĩa xã hội cũng thật là không nhỏ, mọi người dân đều tham gia làm sạch, làm đẹp thành phố của mình thì tự khắc mọi người đều có ý thức gìn giữ đường phố, nơi công cộng như gìn giữ nhà mình, từ việc làm hữu ích, thiết thực như thế để chào mừng Festival Hoa mà không cần một lời rao giảng, con người sẽ có ý thức làm chủ xã hội ở nhiều lĩnh vực khác. Khi người Đà Lạt biết yêu thành phố quê mình như yêu nhà mình, niềm tự hào về thành phố của mình sẽ lớn lên hơn thì đó sẽ là cái nền quan trọng để xây dựng và gìn giữ phong cách “Người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách”.
Nhớ ơn những người đã gầy dựng và phát triển nghề trồng hoa làm cho hình ảnh của Đà Lạt ngày càng đẹp, để hôm nay chúng ta có lý do làm nên những mùa Festival Hoa hoành tráng, lộng lẫy phục vụ Nhân dân địa phương và thu hút hàng vạn du khách bốn phương về vui chơi thưởng lãm. Tiếp nối những câu chuyện ngày xưa, và để cư dân Đà Lạt cũng như du khách vẫn luôn háo hức, đợi chờ thì tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt cần có chủ trương cứ qua mỗi lần Festival Hoa hãy để lại những công trình mới nhằm tạo nên một bộ mặt mới cho thành phố thân yêu này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin