(LĐ online) - Sáng 24/12, Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đánh giá thực trạng, giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại tỉnh Lâm Đồng”.
Đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan tham dự hội thảo |
Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh tham dự hội thảo |
Hội thảo với sự chủ trì của Ths. Phạm Kim Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh và Ths. Vũ Mộng Đóa – Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ban Dân tộc tỉnh; các sở, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo UBND huyện Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm; các nhà khoa học, nhà quản lý và cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh.
Ths. Phạm Kim Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu Đề dẫn hội thảo |
Phát biểu Đề dẫn hội thảo, Ths. Phạm Kim Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh nhấn mạnh: Việc thực hiện chính sách dân tộc về văn hoá - xã hội vùng đồng bào DTTS có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng nước ta. Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thông qua thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Trong đó, hệ thống chính sách dân tộc nói chung, chính sách thực hiện tại vùng DTTS nói riêng được xây dựng trên cơ sở lấy lợi ích và quyền lợi cơ bản của Nhân dân làm nền tảng; tất cả các chính sách dân tộc đã bao phủ về các khía cạnh kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Ông Ka Sung - Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Đơn Dương tham luận về Tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo cho người DTTS ở huyện Đơn Dương |
Chính sách dân tộc đã triển khai các hoạt động tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả đối với vùng đồng bào DTTS, giúp phát triển sinh kế, tạo cơ hội xóa đói giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin, nước sạch và vệ sinh. Với quan điểm nhất quán về chủ trương thực hiện chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người DTTS được nâng cao, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bằng và miền núi, giữa nông thôn và thành thị; góp phần giữ gìn, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Đại diện Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện Bảo Lâm tham luận về Đánh giá tình hình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lâm |
Tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm 24,54% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các DTTS ở Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp và đã được hưởng lợi từ những chủ trương, chính sách dân tộc về văn hoá - xã hội của Đảng và Nhà nước. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có bước phát triển nhanh chóng, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo có mức giảm bình quân từ 2 - 3%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng dần.
ThS. Đào Thị Hiếu - Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường Đại học Đà Lạt tham luận Thực trạng thực hiện chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng |
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư làm cho bộ mặt vùng đồng bào DTTS thay đổi. Số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp chiếm trên 99%; 96% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; mạng lưới y tế bao phủ toàn diện, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng… Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS đã và đang được đầu tư ngày càng hiệu quả, thiết thực. Dự kiến đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 78/78 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; 100% thôn, buôn có đường bê tông đến trung tâm xã.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc về văn hoá - xã hội vẫn còn những hạn chế như: Vùng đồng bào DTTS phát triển chậm so với sự phát triển chung của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều còn cao, tiềm ẩn tái nghèo; còn những phong tục, tập quán lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
TS. Lê Thị Nhuấn - Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Đà Lạt tham luận về Đánh giá tác động của việc thực hiện các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trên lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống |
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS ở một số lĩnh vực như: giảm nghèo, đào tạo nghề, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, lao động việc làm, giáo dục, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới… Đồng thời đánh giá những yếu tố tác động đến hiệu quả của việc thực hiện chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…
Quang cảnh hội thảo |
Từ đó đề ra những giải pháp thiết thực góp phần tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc về văn hoá - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS để không ai bị bỏ lại phía sau; đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin