KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HUYỆN ÐAM RÔNG (2004-2024):
Đam Rông - cho những mùa quả ngọt

NGỌC NGÀ 05:34, 20/12/2024

Dẫu chưa vẹn tròn nhưng Đam Rông hôm nay chính là giấc mơ của những con người sinh sống trên mảnh đất này 20 năm về trước. 20 năm, quãng thời gian chưa đủ dài để vẽ lên màu sắc trù phú cho một vùng đất trước đây vốn còn nhiều gian khó, nhưng cũng đã đủ những thăng trầm để mồ hôi, công sức của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây bắt đầu thu hái  những mùa quả ngọt.

Sau 20 năm huyện Đam Rông đã đổi thay tích cực trên nhiều mặt
Sau 20 năm huyện Đam Rông đã đổi thay tích cực trên nhiều mặt

Tròn 20 năm kể từ khi cái tên Đam Rông được “khai sinh”, nhưng trong ký ức của nhiều người chuyện như vừa mới bắt đầu từ hôm qua. Ngày 17/11/2004, “Đứa con út” của Nam Tây Nguyên ra đời trên cơ sở điều chỉnh và chia tách địa giới hành chính 5 xã vùng xa của huyện Lâm Hà (xã Đạ K’nàng, Phi Liêng, Liêng S'rônh, Đạ Rsal) và 3 xã vùng sâu của huyện Lạc Dương (xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông).

XUẤT PHÁT ĐIỂM GẦN NHƯ BẰNG KHÔNG

Nếu ai lần đầu đến với Đam Rông, sẽ khó tưởng tượng được hình ảnh của mảnh đất này 20 năm về trước, cách trở, xa xôi và đói nghèo bủa vây. Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước với hơn 65% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó chủ yếu gồm bà con các dân tộc gốc Tây Nguyên. Thu nhập bình quân đầu người của huyện ở mức 2,4 triệu đồng/người/năm. Con số thống kê thời điểm đó có lẽ chỉ là tương đối. Bởi 8 xã, 48 thôn của toàn huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; trên 73% dân số là hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm tới trên 85%.

Đất đai, khí hậu của mảnh đất này không ôn hòa, màu mỡ như những địa phương khác trong tỉnh, nên người dân Đam Rông thời điểm ấy ngoài trông mong vào những vụ lúa đồi, đời sống chủ yếu vẫn dựa vào rừng. Du canh - du cư theo tập tục là cách mà đa số bà con Đam Rông chọn để kiếm tìm những bữa cơm đủ no. Những cái đói mùa giáp hạt vẫn luôn đầy ám ảnh. Thời điểm ấy, nỗi lo của Đam Rông không chỉ là cái đói của người dân bản địa, “làn sóng” di cư tự do của hàng ngàn người đồng bào DTTS phía Bắc đổ về sống len lỏi giữa những cánh rừng phòng hộ giáp ranh cũng là bài toán gần như không có lời giải với Đảng bộ và chính quyền huyện vừa mới được thành lập. 

Đam Rông mới được thành lập nên các cơ quan, ban, ngành của huyện đều chưa có trụ sở. Đa phần cán bộ được tỉnh tăng cường về và tất cả đều phải làm việc, ăn, ở ngay trong khu trụ sở tạm. Đam Rông thời điểm đó còn nhiều thôn trắng đảng viên, trắng tổ chức, đoàn thể. Đường sá xa xôi, khó khăn chồng chất, cũng có những người đã không đủ duyên để ở lại. Nhưng cũng có các thế hệ đã bám trụ kiên cường.

Rất nhiều nguồn lực từ Trung ương, từ tỉnh đã được hỗ trợ. Sự “hà hơi tiếp sức” cả nhân lực, vật lực là điều kiện rất cần và sự cố gắng, nỗ lực, vươn lên của chính con người nơi đây là điều kiện mang tính quyết định để Đam Rông từng bước chuyển mình đổi thịt, thay da.

• DIỆN MẠO MỚI

Dẫu chưa có sự phát triển ở mức độ “chóng mặt”, nhưng sau 20 năm Đam Rông cũng đã mang trên mình những sắc diện tươi mới với nhiều hy vọng. Hiên tại, quy mô nền kinh tế của Đam Rông đạt 7 ngàn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 83,5 tỷ đồng… Tất cả đều tăng gấp hàng chục lần so với năm 2005.

Sản xuất nông nghiệp chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, từng bước ứng dụng công nghệ cao. Đam Rông đã hình thành 3 tiểu vùng chuyên canh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ được quan tâm đầu tư phát triển nên đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiềm năng và các sản phẩm du lịch của địa phương được quảng bá rộng rãi để thu hút du khách, tạo bước chuyển cho ngành “công nghiệp không khói” của mảnh đất này.

Đến nay, hạ tầng giao thông nông thôn được bê tông, nhựa hóa; các tuyến đường liên xã được nâng cấp mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, làm ăn, sinh sống; tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Điện lưới quốc gia đã về tới các thôn, 99,2% hộ dân đã được sử dụng điện. 95% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% xã có trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, trong đó có 7/8 xã đạt chuẩn y tế quốc gia. Sóng wifi, mạng di động phủ sóng hầu hết địa bàn. Có 81 công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho gần 3.300 ha…

Đam Rông dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 73% năm 2005 đến cuối năm 2024 còn 2,64%. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, phục hồi, phát triển các loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị thất truyền và phát huy các lễ hội truyền thống của các dân tộc được chú trọng.

Từ một huyện chưa có trường đạt chuẩn thì nay Đam Rông có 32/34 trường từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 94,1%. Không chỉ xoá mù chữ, công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học cũng đạt kết quả cao. Thậm chí có học sinh của Đam Rông đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, năm học 2023-2024 và tham gia Hội thi Khoa học - Kỹ thuật quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ năm 2024.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân được chú trọng; đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh được đầu tư. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Đến cuối năm 2024, 8/8 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; toàn huyện hoàn thành 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân cũng tăng lên đáng kể.

Với những thành tích đã đạt được trong 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đam Rông đã được Chính phủ, UBND tỉnh tặng nhiều cờ thi đua xuất sắc, bằng khen. Đặc biệt là được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.

• TỰ TIN HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Những thành tựu đạt được của Đam Rông là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng bên cạnh đó, Đam Rông phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong bước đường phát triển. Đó là, quy mô nền kinh tế còn nhỏ lẻ, chưa khai thác, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của huyện; việc nhân rộng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao chưa mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có mặt chưa đồng bộ...

Chặng đường phía trước còn dài, nhiều khó khăn, nhiệm vụ còn nặng nề. 20 năm với nhiều bài học được rút ra, kinh nghiệm được chắt lọc là cơ sở quan trọng để những người đứng đầu tiếp tục vững tay chèo đưa Đam Rông tiến bước. Theo đó, lãnh đạo huyện Đam Rông cần đổi mới quan điểm và phong cách lãnh đạo phù hợp với tình hình của địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gần dân, hiểu dân, hết lòng vì lợi ích của Nhân dân; gắn bó lâu dài, tâm huyết, trách nhiệm để xây dựng một Đam Rông: mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh.

Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, cần quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch được duyệt; phát triển quan hệ sản xuất; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh tế cá thể đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm…

Sau 20 năm với thế và lực mới, Đam Rông đủ tự tin và sẵn sàng để cùng với tỉnh Lâm Đồng vươn lên cùng cả nước, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.