Sở Tư pháp Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, làm rõ các kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân làm cơ sở để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trong dịp Festival Hoa Đà Lạt năm 2024 |
Điều tra, khảo sát lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP (cấp tỉnh, cấp huyện) trên địa bàn tỉnh gồm các ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường, Công an. Việc điều tra, khảo sát nhằm ghi nhận các ý kiến đánh giá về công tác triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP; tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATTP; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thu thập, ghi nhận ý kiến của đối tượng được khảo sát, các kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân làm cơ sở để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATTP.
Kiến nghị của các đối tượng khảo sát để nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP như sau: Các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý nhà nước trong lĩnh ATTP nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan, giữa cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện pháp luật về trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về công tác ATTP.
Rà soát và phân công lại trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật ATTP và các nghị định liên quan để phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan (Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương) theo hướng Bộ Y tế có thể chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra và giám sát sản phẩm chế biến sẵn, Bộ NN&PTNT quản lý nguyên liệu thực phẩm tươi sống, trong khi Bộ Công thương giám sát hoạt động phân phối, kinh doanh. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Nghị định 115/2018/NĐ-CP theo hướng sửa đổi các quy định về mức phạt và phân loại vi phạm cho phù hợp hơn với thực tế, đảm bảo tính khả thi trong xử lý vi phạm. Đồng thời, quy định rõ ràng hơn về các thủ tục kiểm tra và thanh tra đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Tăng cường nguồn lực và trang thiết bị cho cơ quan quản lý: Đề nghị bổ sung ngân sách và nguồn nhân lực cho các cơ quan có chức năng quản lý ATTP, nhất là tại các tỉnh, địa phương cần bố trí công chức chuyên trách về ATTP. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng cần được nâng cấp để đảm bảo kiểm tra hiệu quả và định kỳ hơn. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm đồng bộ: Đề nghị ban hành thông tư quy định chi tiết hoặc sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP nhằm đưa ra hướng dẫn chi tiết về truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Hệ thống này cần dễ áp dụng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đồng thời nâng cao khả năng quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng. Điều chỉnh quy định về thẩm định định kỳ: Đề nghị Bộ NN&PTNT sửa đổi Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT để linh hoạt phương thức thẩm định, có thể thông báo trước trong một số trường hợp để đảm bảo gặp được chủ cơ sở. Bổ sung quy định kiểm tra cơ sở sản xuất nhỏ lẻ: Cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP để quy định rõ quy trình kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Cập nhật chỉ tiêu và thiết bị kiểm tra: Đề xuất Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cập nhật các quy chuẩn và chỉ tiêu kỹ thuật mới, đồng thời nâng cấp thiết bị kiểm tra để đảm bảo đánh giá chính xác chất lượng thực phẩm. Quy định rõ phân loại sản phẩm quản lý: Cần có văn bản pháp luật để quy định phân loại sản phẩm cụ thể theo ngành quản lý, giúp rõ ràng trong phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan. Bổ sung quy định kiểm nghiệm định kỳ: Đề nghị xây dựng quy định yêu cầu kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm thực phẩm đang lưu thông để đảm bảo duy trì chất lượng lâu dài.
Đơn giản hóa quy trình kiểm thực ba bước: Đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh Quyết định 1246/QĐ-BYT để đơn giản hóa quy trình kiểm thực ba bước, phù hợp với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Quản lý cơ sở kinh doanh tự phát hiệu quả hơn: Đề xuất bổ sung quy định quản lý rõ ràng cho các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, lưu động nhằm đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm. Xác định cơ quan thẩm quyền tập huấn ATTP: Đề nghị quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm thuộc cơ quan nhà nước trong việc thực hiện tập huấn kiến thức ATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo tính khách quan và tính hiệu quả trong thi hành pháp luật. Bổ sung quy định xử phạt khám sức khỏe: Đề nghị bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, nhằm đảm bảo giám sát sức khỏe người lao động trong ngành thực phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin